Triển khai Nghị quyết 01/NQ-CP: Hà Nội thực hiện các khâu đột phá, phát triển động lực tăng trưởng mới

Báo cáo tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ với các địa phương do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì sáng (2/2), Chủ tịch TP.Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, triển khai Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ, TP. Hà Nội đã cụ thể hoá thành Chương trình hành động thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội; dự toán ngân sách Nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh năm 2023.

img2101-1675308919664471814778.jpg

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh đến thăm, động viên doanh nghiệp sản xuất đầu năm – Ảnh: VGP

Theo Chủ tịch TP. Hà Nội, Thành phố đã cụ thể hoá qua 22 chỉ tiêu/nhóm chỉ tiêu chủ yếu và hơn 110 nhiệm vụ cụ thể tới từng sở, ngành, địa phương hết sức cụ thể theo tiêu chí rõ người, rõ việc và Thành phố đang triển khai quyết liệt các nhiệm vụ này.

Đặc biệt, năm 2023, Hà Nội triển khai quyết liệt về cải cách thủ tục hành chính qua triển khai phân cấp, uỷ quyền gần 600 thủ tục hành chính trong 12 lĩnh vực đến cấp huyện theo tiêu chí cấp nào sát việc nhất thì thực hiện.

Năm 2023, Hà Nội tập trung thực hiện 22 chỉ tiêu/nhóm chỉ tiêu chủ yếu, trong đó: Tăng trưởng GRDP khoảng 7%; GRDP người khoảng 150 triệu đồng: Vốn đầu tư xã hội thực hiện tăng 10,5%; Kim ngạch xuất khẩu tăng 6%; Kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng dưới 4,5%; Giảm 30% số hộ nghèo so với cuối năm 2022…

Về kết quả tháng 1/2023, Chủ tịch TP. Hà Nội cho biết, thu ngân sách của Thành phố đạt 72.000 tỷ đồng, bằng 20% kế hoạch của năm. Đây là con số hết sức tích cực. Hà Nội cũng tiến hành kiểm tra công vụ ngay từ đầu năm để bảo đảm các nhiệm vụ được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả.

Trong Chương trình hành động của TP. Hà Nội, một trong những nhiệm vụ, giải pháp Hà Nội triển khai Nghị quyết 01/NQ-CP là thúc đẩy tăng trưởng ổn định kinh tế Thủ đô, kiểm soát lạm phát qua bảo đảm các cân đối lớn: Cân đối thu-chi ngân sách, thu hút vốn đầu tư phát triển, đẩy mạnh xuất khẩu, kiểm soát lạm phát.

Theo đó, Thành phố xác định thực hiện hiệu qua các chính sách tiền tệ, tín dụng trên địa bàn. Bảo đảm nguồn vốn cho nền kinh tế, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng. Tiếp tục các giải pháp tập trung vốn cho sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế; kiểm soát tín dụng đối với các lĩnh vực rủi ro…

Thực hiện và tiếp tục xây dựng, ban hành các quy định theo thẩm quyền của Thành phố nhằm thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách đặc thù quy định tại các nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính – ngân sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội, về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội.

Đối với thu hút vốn đầu tư phát triển, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển. Xây dựng và thực hiện Đề án khai thác hiệu quả quỹ đất 2 bên đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội.

Thành phố xác định thực hiện hiệu quả các giải pháp khắc phục hạn chế, bất cập, chấn chỉnh khâu chuẩn bị đầu tư, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm.

Tiếp tục phát triển đồng bộ, bền vững các thị trường: chứng khoán, bất động sản, lao động, khoa học và công nghệ. Có các giải pháp cụ thể để tăng cường công tác quản lý, khai thác tài nguyên khoáng sản đảm bảo hiệu quả, tránh thất thoát, lãng phí. Phát triển mạnh thị trường trong nước, mở rộng thị trường xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm và các chuỗi cung ứng. Phấn đấu kim ngạch xuất khẩu tăng từ 6% trở lên.

Năm 2023, Hà Nội xác định tiếp tục cơ cấu lại kinh tế Thủ đô, phát triển các mô hình kinh tế mới; củng cố, phát triển các động lực tăng trưởng mới.

Cụ thể, phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch qua việc củng cố, cải tạo để nâng cao năng lực nội tại, đồng thời xây dựng thêm các chợ, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi theo kế hoạch; có giải pháp quyết liệt tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ xây dựng một số trung tâm thương mại lớn trên địa bàn tại các quận: Tây Hồ, Hoàng Mai, Bắc Từ Liêm.

Phát triển thêm các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, thúc đẩy các hoạt động liên kết vùng, hỗ trợ quảng bá, kết nối cung – cầu sản phẩm với các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Phát triển mạnh thương mại điện tử, thanh toán trực tuyến, không dùng tiền mặt. Thực hiện tốt công tác quản lý thị trường, chống hàng giả, hàng nhải và không để lợi dụng tăng giả. Phấn đấu tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội tăng từ 10% trở lên.

Hà Nội cũng đặt mục tiêu nâng cấp, phát triển sản phẩm du lịch tại 4 tuyến chính từ Trung tâm Thành phố đến: Làng nghề gốm sứ Bát Tràng (Gia Lâm), Hương Sơn (Mỹ Đức), Thạch Thất – Quốc Oai và Sơn Tây – Ba Vì. Hỗ trợ đầu tư hạ tầng du lịch thiết yếu tại các khu du lịch, điểm du lịch trọng điểm. Cải tạo, chỉnh trang hệ thống hạ tầng nội khu, hạ tầng giao thông kết nối và hạ tầng dịch vụ tại các bến cảng đường thủy phục vụ phát triển các tuyến du lịch đường thủy.

Ngoài ra, nâng cao năng lực của các khu, điểm du lịch; làm mới các hoạt động tại không gian đi bộ khu vực quận Hoàn Kiếm và phụ cận; thí điểm phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới, du lịch cộng đồng gắn với trải nghiệm thực tế tại các làng nghề, các điểm du lịch gắn với các giá trị văn hóa truyền thống. Tăng cường đầu tư phát triển hạ tầng du lịch, phát triển đa dạng sản phẩm và nâng cao chất lượng dịch vụ nhằm thu hút tạo sức hút mạnh mẽ cho du lịch Thủ đô.

Đẩy mạnh chuyển đổi số ngành du lịch; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ quản lý điều hành, nghiệp vụ chuyên môn cho nhân lực ngành du lịch. Tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến, hợp tác liên kết du lịch. Phấn đấu năm 2023 thu hút 3 triệu lượt khách du lịch quốc tế, trong đó khoảng 2,1 triệu khách có lưu trú; 19 triệu khách du lịch nội địa.

Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 01 của TP. Hà Nội cũng đặt mục tiêu tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; hỗ trợ doanh nghiệp; thu hút đầu tư phát triển.

Theo đó, Hà Nội tiếp tục phấn đấu đạt mục tiêu nâng hạng các chỉ số về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh đến năm 2025 tại Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ; các nhiệm vụ tại Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đồng bộ với thực hiện cải cách hành chính, tăng mức độ sẵn sàng thích ứng với nền sản xuất mới trong thời kỳ Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư.

Thực hiện các giải pháp nâng cao Chỉ số PCI, tập trung vào các chỉ số thành phần còn thấp. Đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp.

Ngoài ra, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc các thủ tục về quy hoạch, đầu tư, đất đai, xây dựng và giải phóng mặt bằng. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện xử lý các dự án có sử dụng đất chậm tiến độ trên địa bàn.

Tiếp tục thực hiện hiệu quả các giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh theo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội của Chính phủ. Trong đó có ưu đãi về thuế, phí, tín dụng… Giải ngân tối đa gói tín dụng ưu đãi cho vay theo Chương trình của Chính phủ và các chương trình cho vay kết nối ngân hàng-doanh nghiệp của các ngân hàng thương mại. Hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch.

Hà Nội cũng xác định phát triển kinh tế số, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu tỉ trọng kinh tế số trong GRDP đạt 30% vào năm 2025; thực hiện các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo; đổi mới, ứng dụng và chuyển giao công nghệ, áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn, hệ thống quản lý tiên tiến, các công cụ nâng cao năng suất, chất lượng.

Hà Nội cũng đặt mục tiêu năm 2023 hoàn thành, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Cơ bản hoàn thành các quy hoạch phân khu đô thị vệ tinh. Hoàn thành một số quy hoạch chi tiết cải tạo xây dựng lại khu chung cư cũ.

Tập trung phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông kết nối đô thị trung tâm với khu vực ngoại thành, các đô thị vệ tinh, các tỉnh, thành phố trong vùng Thủ đô. Xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là hệ thống đường giao thông và các tuyến đường sắt đô thị (Nhổn-Ga Hà Nội; Nam Thăng Long-Trần Hưng Đạo…). Vận hành thương mại đoạn trên cao tuyến đường sắt Nhổn Ga Hà Nội. Hoàn thành đưa vào sử dụng cầu Vĩnh Tuy 2 và khai thác hiệu quả vành đai 2 trên cao. Đưa vào sử dụng cầu vượt nút giao Chùa Bộc – Phạm Ngọc Thạch.

Hà Nội cũng quyết tâm hoàn thành các thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng và khởi công Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô…

PV

https://nguoihanoi.com.vn/trien-khai-nghi-quyet-01-nq-cp-ha-noi-thuc-hien-cac-khau-dot-pha-phat-trien-dong-luc-tang-truong-moi-67339.html