Chương trình “Cộng đồng kể chuyện di sản” nằm trong hoạt động của Bộ sưu tập Di sản số, một nền tảng trực tuyến nhằm thúc đẩy việc học tập, chia sẻ và tôn vinh giá trị di sản văn hóa của các cộng đồng khác nhau trên khắp Việt Nam. Mục tiêu chính của bộ sưu tập là: (1) Trình bày và lưu giữ di sản văn hóa của các cộng đồng, đặc biệt là những di sản ít được biết đến và có nguy cơ mai một; (2) Kết nối các nhà nghiên cứu, chuyên gia trong lĩnh vực di sản văn hóa và những cộng đồng thực hành di sản.
Chương trình gồm 2 phần:
Phần 1: Hiểu về kể chuyện di sản cùng cộng đồng với sự chia sẻ của PGS.TS Phạm Văn Dương, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa; một số kỹ thuật và công cụ kể chuyện di sản cùng cộng đồng theo hướng đổi mới, sáng tạo do Phạm Hữu Bạch Tùng – Tác giả Cẩm nang Kể chuyện Di sản chia sẻ.
Phần 2: Hội đồng Anh Việt Nam sẽ giới thiệu về Bộ sưu tập Di sản số – một sáng kiến về kể chuyện di sản với sự tham gia từ cộng đồng; cảm nhận từ thành viên cộng đồng khi tham gia các hoạt động kể chuyện di sản.
Tại buổi trò chuyện trực tuyến, PGS.TS Phạm Văn Dương, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa khẳng định, sự phát triển của công nghệ, đặc biệt là các phương tiện truyền thông hiện đại, đã tạo điều kiện cho các cộng đồng (chủ thể của di sản) được kết nối và chia sẻ. Qua đó, việc kể chuyện di sản trở nên đa dạng và phong phú hơn với góc nhìn đa chiều. Sự tiếp cận này không chỉ giúp di sản được thể hiện một cách chân thực mà còn giúp lan tỏa giá trị văn hóa đến đông đảo công chúng.
Chia sẻ về Bộ công cụ số – Cẩm nang kể chuyện di sản, tác giả Phạm Hữu Bạch Tùng cho biết, việc xây dựng năm bộ công cụ kể chuyện nhằm mục đích đóng góp gìn giữ di sản văn hóa địa phương tại làng Bỉnh Nghĩa và Bàu Trúc ở Ninh Thuận, làng Mơ H’ra ở Gia Lai, huyện Kon Rẫy ở Kon Tum, và cộng đồng những người thực hành, giới mộ điệu và khán giả của các loại hình diễn xướng ở TP. Hồ Chí Minh.
“Các bộ công cụ này đã được phát triển với sự tham gia của cộng đồng, và quan trọng nhất là để dành cho chính cộng đồng tự khám phá và kể lại những câu chuyện về di sản của mình – những di sản không phải thuộc về quá khứ mà là một phần của đời sống hiện tại”, tác giả Phạm Hữu Bạch Tùng nhấn mạnh./.
Tô Ngọc Oanh
Trò chuyện trực tuyến “Cộng đồng kể chuyện di sản” (nguoihanoi.vn)