Anh sẽ chia sẻ về những tư liệu nghiên cứu quý báu trong suốt 15 năm về vẻ đẹp của những món đồ sắt thép trang trí công trình kiến trúc Hà Nội xưa.
Người thợ rèn tài hoa cùng với thẩm mỹ của người thiết kế hay chủ công trình đã cho ra đời những phiên bản song sắt khác nhau. Bởi lẽ đó, hoa văn trang trí từ những song sắt ấy đã trở thành những vẻ đẹp biểu hiện cho tâm hồn, tính cách, gu thẩm mỹ của người sử dụng.
Có những người vô tình không bao giờ để ý cánh cửa ngôi nhà nơi mình ở, công sở nơi mình làm việc ra sao. Trong khi đó có những người coi đó là hình ảnh lặp đi lặp lại trong hành trình sống của mình. Chúng giới hạn không gian sống, không gian làm việc của con người ở đó và dẫn dắt họ đi ra thế giới bên ngoài, đưa họ trở về. Đến một lúc nào đó, khi phải rời công sở, rời ngôi nhà, một nét hoa văn ấy trở thành nỗi nhớ, thành biểu tượng đại diện cho một cái gì rất mơ hồ nhưng lại thực sự gắn bó và thân thiết như máu thịt.
Cũng bởi lẽ ấy, hoa sắt trên song xưa phố cũ đã góp phần tạo nên những dấu ấn thẩm mỹ đặc sắc lên bộ mặt thành phố. Vượt lên cả những điều đó, hoa văn trên song sắt cũng là văn hóa của thành phố này.
Trần Hậu Yên Thế từng tâm sự rằng anh lớn lên trong một khu tập thể ở xa trung tâm thành phố. Như bao ngôi tập thể cũ kĩ thời bao cấp thuở xưa, ở đó không có hoa sắt, chỉ có song sắt. Đi ra khỏi không gian giới hạn ấy, anh đã bị hút hồn vào một ô cửa sổ đẹp vào loại bậc nhất Đông Dương. Đó là hoa sắt ở ngôi nhà vị hiệu trưởng đầu tiên của trường Mỹ thuật Đông Dương – ngài Victor Tardieu.
Anh cũng dành nhiều thời gian nghiên cứu và thật ngạc nhiên về sự may mắn sót lại của rất nhiều ban công cửa sổ bằng sắt uốn rất đẹp ở phố Khâm Thiên sau khi chịu đựng những loạt bom hủy diệt ở mùa đông năm 1972.
Nghiên cứu của Trần Hậu Yên Thế tập trung tìm hiểu về mỹ nghệ sắt trang trí trên cửa chính, cửa sổ, ban công và mái hiên của các công trình kiến trúc lớn cũng như các ngôi nhà của thị dân, trí thức hay quan lại.
Các chế tác mỹ nghệ sắt được thực hiện bởi những người thợ lành nghề bản địa có khả năng học hỏi nhanh kỹ thuật Tây phương và làm chủ công nghệ chế tác. Chính nhờ sự tiếp nhận nhanh chóng đó đã phần nào làm nên diện mạo và vẻ đẹp phong phú của sắt mỹ nghệ trong các công trình kiến trúc của Hà Nội trước kia.
Bên cạnh việc khai thác vẻ đẹp kiến trúc và mỹ thuật trong các ô cửa và mặt tiền các tòa nhà đầu thế kỷ 20, nghiên cứu của Trần Hậu Yên Thế còn chứa đựng vẻ đẹp của chiều sâu văn hóa, lịch sử cũng như góc nhìn mang tính nhân loại học.
Những “hàng mi sắt” qua góc nhìn của diễn giả sẽ cho chúng ta hiểu hơn về đời sống của những tòa nhà và những biến đổi thăng trầm theo thời gian dưới ảnh hưởng của đổi thay xã hội, hay cho ta biết thêm phần nào về phong cách chủ nhân.
Đồng thời, nghệ sĩ sẽ chia sẻ về một trong những tác phẩm gần đây mà anh đã đóng góp trong dự án nghệ thuật cộng đồng Phúc Tân – câu chuyện về “Cánh cổng danh vọng”.
Trần Hòa