Trọn tâm gìn giữ, thúc đẩy nghề truyền thống vươn xa

Với tinh thần dám nghĩ, dám làm, những nông dân Thủ đô đã mạnh dạn ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, kinh doanh đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao… Qua đó tạo khởi sắc mới, tăng việc làm, thu nhập cho người lao động ở nông thôn.

Đổi mới sản xuất, tạo dựng thương hiệu

Nghề tráng bánh đa nem của làng Ngự Câu (xã An Thượng, huyện Hoài Đức) đã có từ hơn nửa thế kỷ. Trước đây, mô hình sản xuất bánh đa nem của nhiều hộ gia đình ở Ngự Câu vẫn chủ yếu theo hình thức tự phát, tận dụng không gian đường làng, ngõ xóm để phơi bánh, quy trình sản xuất phụ thuộc nhiều vào thời tiết, khâu tiêu thụ sản phẩm thông qua thương lái cá thể nên năng suất, chất lượng chưa đồng đều, đầu ra cho sản phẩm không ổn định.

Từ nhiều năm gần đây, nhờ ứng dụng công nghệ khoa học vào sản xuất, người dân đã mạnh dạn đầu tư chuyển dần sang tráng bánh bằng máy. Theo đó, mỗi hộ gia đình đã nâng cao được năng suất, thời gian tráng bánh rút ngắn hơn và chất lượng bánh ngày một nâng lên.

Trọn tâm gìn giữ, thúc đẩy nghề truyền thống vươn xa
Anh Nguyễn Quang Nam (chủ cơ sở sản xuất bánh đa nem Nam Thành Công) đổi mới sản xuất, áp dụng quy trình công nghệ khép kín vào sản xuất bánh đa nem.

Là một trong số những hộ gia đình tiên phong đổi mới sản xuất, cơ sở sản xuất bánh đa nem của gia đình anh Nguyễn Quang Nam (chủ cơ sở sản xuất bánh đa nem Nam Thành Công) từ năm 2017 đã đầu tư số vốn khoảng 2,5 tỷ đồng xây dựng hệ thống nhà xưởng rộng 500m2, mua sắm dây chuyền sản xuất theo quy trình khép kín.

Nhờ mạnh dạn trong cách nghĩ, cách làm, biết đặt các tiêu chí về chất lượng sản phẩm lên hàng đầu, đến nay cơ sở sản xuất bánh đa nem Nam Thành Công đã khẳng định hướng đi mới trong làng nghề Ngự Câu. Thành công bước đầu của cơ sở đó chính là biết áp dụng quy trình công nghệ tiên tiến, quy mô khép kín vào sản xuất trên cơ sở bí quyết làm nghề truyền thống của địa phương để cho ra sản phẩm bánh đa nem đảm bảo chất lượng, mịn màng, mềm dẻo, đặc biệt là không sử dụng chất tẩy trắng hay bất kỳ loại hóa chất bảo quản nào khác.

Điều quan trọng hơn, cơ sở sản xuất bánh đa nem Nam Thành Công đã giải quyết được vướng mắc quan trọng nhất tồn tại từ nhiều đời nay ở làng nghề đó là công đoạn phơi bánh phụ thuộc nhiều vào yếu tố thời tiết.

Cùng chung quyết tâm bảo tồn, phát triển nghề truyền thống của làng, ông Nguyễn Trọng Cẩm (xã Trường Yên, huyện Chương Mỹ), từ nhỏ đã được tiếp xúc với những thanh gỗ và chiếc dùi, đục và tiếng máy cắt xẻ… Chứng kiến những người thợ trạm trổ hoa văn đặc sắc và dựng những ngôi nhà gỗ cổ, ông Cẩm bắt đầu “nhen nhóm” đam mê với nghề và quyết tâm theo nghề truyền thống cha ông để lại.

Trọn tâm gìn giữ, thúc đẩy nghề truyền thống vươn xa
Với niềm đam mê nghề, tài năng dựng nhà gỗ cổ truyền của ông Nguyễn Trọng Cẩm ngày càng được nhiều khách hàng biết tới.

Sau hơn 40 năm gắn bó, dành trọn tâm huyết với nghề làm nhà gỗ cổ, ông Cẩm đã tạo được chỗ đứng trong nghề. Không chỉ có thị trường miền Bắc, hàng chục năm trở lại đây, xưởng gỗ của ông đã dựng nhiều ngôi nhà gỗ ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ; Đông Nam Bộ và các tỉnh miền Trung… Với 2 xưởng gỗ quy mô khoảng hơn 2.000m2, mỗi năm, nghề làm nhà gỗ cổ đã mang lại thu nhập ổn định cho cả gia đình. Ngoài ra, xưởng gỗ của ông cũng đem lại thu nhập ổn định cho 20 lao động thường xuyên và 30 lao động thời vụ.

Trước nhu cầu của thị trường ngày càng đòi hỏi cao về thẩm mỹ của những ngôi nhà gỗ, ông Cẩm đã mạnh dạn đầu tư máy móc vào sản xuất. Theo đó, các loại máy như máy cẩu, máy đục, chạm… sẽ giúp giảm nhân công, giảm sức lao động cho người thợ. Tuy nhiên, với một số chi tiết, ông Cẩm vẫn kết hợp đục trạm truyền thống thủ công, qua đó, đưa hồn của người thợ vào trong sản phẩm để tạo nét riêng cho ngôi nhà cổ.

Phát triển, lan tỏa thương hiệu trà sen

Là người con của thủ phủ hoa Mê Linh, chứng kiến những cánh đồng bạc màu, bị bỏ hoang, anh Lã Quang Khanh (xã Mê Linh, huyện Mê Linh) không đành lòng. Sau nhiều đêm trăn trở suy nghĩ, anh Khanh quyết tâm sẽ làm giàu trên chính mảnh đất bạc màu của quê hương. Nghĩ là làm, từ năm 2011, anh thuê đất nông nghiệp của các hộ không canh tác để nuôi trồng thủy sản. Thời gian đầu mới bắt tay vào sản xuất, do thiếu kinh nghiệm, ít hiểu biết kỹ thuật nên giá trị đem lại từ nuôi trồng thủy sản không cao.

Năm 2016, anh Khanh chuyển sang trồng sen. Từ những kiến thức thông qua sách vở và học tập ở bạn bè, nhận thấy sen có sức sống mãnh liệt, gần như không có sâu bệnh, anh Khanh bắt đầu trồng sen trên diện tích 5 héc ta, đến nay anh đã mở rộng diện tích lên 50 héc ta.

Trọn tâm gìn giữ, thúc đẩy nghề truyền thống vươn xa
Sản phẩm trà sen sấy khô của gia đình anh Lã Quang Khanh (huyện Mê Linh) đã xây dựng được nhãn hiệu, bước đầu có chỗ đứng trên thị trường.

Lúc đầu, do chưa có kinh nghiệm, anh trồng giống sen quỳ để lấy hạt nhưng năng suất không cao. Tiếp tục tìm hiểu kiến thức, kinh nghiệm, thay vì trồng giống sen lấy hạt như trước, hiện nay, anh chọn trồng loại sen bách diệp phục vụ nhu cầu chơi hoa và ướp trà. Ngoài ra, anh còn trồng sen bạch liên có giá trị kinh tế cao, kén người chơi.

Hiện nay, trên diện tích 50 héc ta, gia đình anh Khanh cung cấp cho thị trường số lượng lớn hoa sen. Ngoài phục vụ nhu cầu thưởng hoa của người dân, gia đình anh Khanh còn liên kết với Hợp tác xã Tâm Trà Thái (tỉnh Thái Nguyên) và một số hộ trồng chè ở xã Bắc Sơn (huyện Sóc Sơn) để cung cấp hoa, lá sen.

Đáng chú ý, gia đình anh Khanh cũng tự xây dựng quy trình ướp trà riêng và xây dựng thành thương hiệu trà sen Mê Linh, mỗi năm cung cấp cho thị trường khoảng 2 – 3 tấn sản phẩm, doanh thu đạt hơn 10 tỷ đồng/năm, cao gấp 3 – 5 lần canh tác lúa truyền thống.

Sản phẩm hoa, trà sen của gia đình anh Khanh đã được huyện Mê Linh hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu “Bạch thiên sen Hải Linh”, được đăng ký bảo hộ và được Phòng Kinh tế, Hội Nông dân huyện Mê Linh kết nối đưa đi trưng bày, giới thiệu ở nhiều hội chợ, hội nghị, triển lãm trong và ngoài thành phố Hà Nội.

Đó chỉ là 3 trong số 18 nông dân Thủ đô xuất sắc được vinh danh năm 2023. Mỗi người ở những lĩnh vực khác nhau nhưng tựu chung họ là những người năng động, sáng tạo trong cơ chế thị trường, dám nghĩ, dám làm, khai thác sử dụng hiệu quả các nguồn lực vốn, lao động, đất đai; mạnh dạn ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, kinh doanh đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao…

Không chỉ làm kinh tế giỏi, họ còn tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người lao động ở nông thôn, hăng hái tham gia các hoạt động xã hội, có tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái trong sản xuất, kinh doanh để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, giúp đỡ những hộ nghèo vượt khó, vươn lên.

N.Hoa