Trưng bày 100 tác phẩm hội họa đặc sắc về di sản văn hóa Việt Nam

100 tác phẩm hội họa đặc sắc về kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, chọn lọc từ cuộc thi vẽ tranh “Di sản văn hóa Việt Nam qua hội họa lần thứ I – năm 2023”, được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (66 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội).

Sáng 16-1, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Hội Di sản văn hóa Việt Nam tổ chức lễ trao giải và khai mạc triển lãm cuộc thi “Di sản văn hóa Việt Nam qua hội họa lần thứ I – năm 2023”.

img_7772.jpg
Khai mạc triển lãm “Di sản văn hóa Việt Nam qua hội họa lần thứ I – năm 2023”.

Phát động từ tháng 5-2023, cuộc thi “Di sản văn hóa Việt Nam qua hội họa lần thứ I – năm 2023” dành cho những người yêu hội họa, khuyến khích các họa sĩ trẻ, sinh viên mỹ thuật tại các trường đại học, cao đẳng chuyên về mỹ thuật và các trường văn hóa – nghệ thuật trên phạm vi cả nước, du học sinh Việt Nam ở nước ngoài.

img_7774.jpg
Công chúng thưởng lãm các tác phẩm chọn lọc của cuộc thi.

Phát biểu khai mạc triển lãm, PGS.TS Đỗ Văn Trụ, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam nhấn mạnh, sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc đòi hỏi phải luôn năng động, sáng tạo, đa dạng hóa các hình thức, biện pháp hoạt động, làm cho tình yêu di sản văn hóa, ý thức trách nhiệm đối với di sản văn hóa ngày càng lan tỏa, thấm sâu, nâng cao trong toàn xã hội. Vì thế, Hội Di sản văn hóa Việt Nam tổ chức cuộc thi vẽ tranh về các di sản văn hóa của dân tộc.

Sau hơn 4 tháng triển khai, Ban tổ chức cuộc thi đã nhận được 839 tác phẩm của 494 tác giả từ 55 tỉnh, thành phố trên cả nước tham dự. Tác phẩm thể hiện ở nhiều chất liệu, như sơn dầu, sơn mài, sơn khắc, tranh lụa, tranh in, chất liệu tổng hợp và nghệ thuật sắp đặt.

Hầu hết các tác phẩm đều bám sát chủ đề cuộc thi, phản ánh những nét hay, nét đẹp, nét độc đáo trong kho tàng di sản văn hóa phong phú, đa dạng của đất nước. Đó là các di sản văn hóa vật thể như đình, đền, chùa, miếu, di sản thiên nhiên, di sản kiến trúc; di sản văn hóa phi vật thể như nhã nhạc cung đình Huế, múa hoa đăng, ca Huế, hát chầu văn, tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt, hò khoan Lệ Thủy, tuồng, chèo, đờn ca tài tử, múa Chăm, múa rối nước, bài chòi, phong tục, tập quán, lễ hội…

img_7777.jpg
Trao giải cho tác giả đoạt giải Xuất sắc.
img_7778.jpg
Trao giải cho tác giả đoạt giải Nhất.

Có 100 tác phẩm được vào vòng chung khảo của cuộc thi, trong đó có 30 tác phẩm đoạt giải, gồm 1 giải Xuất sắc, 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 4 giải Ba và 22 giải Khuyến khích. Tổng giá trị giải thưởng lên đến hơn 1 tỷ đồng.

Cụ thể, giải Xuất sắc thuộc về tác phẩm “Lễ hội Khmer ở Cà Mau” (tác giả Lại Lâm Tùng), giải Nhất là tác phẩm “Nghìn xưa lưu dấu” (tác giả Lê Thị Thanh). Hai giải Nhì là “Hiếu Lăng một chiều thu” (tác giả Trần Thị Thanh Dung) và “Chùa Hang đảo Lý Sơn” (tác giả Lê Phi Hùng)…

Triển lãm 100 tác phẩm từ cuộc thi diễn ra đến hết ngày 21-1.

Một số tác phẩm tại triển lãm:

img_7775.jpg
“Lễ hội Khmer ở Cà Mau” – tác giả Lại Lâm Tùng – giải Xuất sắc.
img_7780.jpg
“Truyền thuyết Lạc Long Quân – Âu Cơ” – tác giả Hùng Khuynh.
img_7779.jpg
img_7776.jpg
“Xóm chài Hải Lý” – tác giả Trần Hậu.

An Nhi
Trưng bày 100 tác phẩm hội họa đặc sắc về di sản văn hóa Việt Nam (hanoimoi.vn)