Trưng bày hơn 300 tài liệu hiện vật được chia thành 4 phần nội dung chính, giới thiệu theo dòng lịch sử, để tái hiện lại cuộc đời và những đóng góp to lớn của vua Lý Thánh Tông, vua Lý Nhân Tông, vua Lê Thánh Tông, thầy giáo Chu Văn An và những người có tầm ảnh hưởng như Nguyên phi Ỷ Lan, danh nhân khoa bảng Lê Văn Thịnh, Thân Nhân Trung, Lương Thế Vinh và những danh nhân khoa bảng khác.
Các đại biểu tham quan Triển lãm. |
Nội dung thiết kế trưng bày tập hợp tối đa các dữ liệu lịch sử và sắp xếp các không gian nhằm truyền tải các giá trị của tri thức và ký ức.
Ông Philippe LeFailler, Trưởng đại diện Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp tại Hà Nội tham quan Triển lãm. |
Gam màu được sử dụng trong không gian trưng bày cũng gợi nhớ về các triều đại trong quá khứ. Các hiện vật như bàn học của nho sinh hay bàn trong thư phòng của các vị vua đều được thể hiện nhằm lan tỏa tinh thần của các danh nhân về nỗ lực phấn đấu, tinh thần học hỏi ở mọi tầng lớp trong bộ máy công quyền thời quân chủ.
Bên cạnh đó, nội dung trưng bày cũng hướng tới thể hiện các danh nhân không phải dưới góc độ là những vị quân vương mà là những tấm gương mẫu mực.
Các gam màu được sử dụng trong không gian trưng bày này cũng gợi nhớ về các triều đại trong quá khứ. |
Riêng phần thể hiện dòng thời gian sẽ gợi lại những sự kiện lớn liên quan đến Văn Miếu – Quốc Tử Giám trải qua nhiều triều đại nối tiếp nhau và cũng gắn với từng nhân vật được tôn vinh tại đây.
Là người đại diện cho đơn vị thiết kế Beau Design thực hiện dự án trưng bày “Khơi nguồn Đạo học”, bà Amélie cho biết: “Nội dung trưng bày này đã được ông Lê Xuân Kiêu, Trung tâm Hoạt động Văn hoá Khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám ấp ủ từ năm 2016, với mục tiêu tôn vinh 5 danh nhân đã nỗ lực đưa giáo dục trở thành nền tảng cốt lõi của quốc gia Đại Việt.
Triển lãm thu hút du khách nước ngoài tìm hiểu về đạo học của Việt Nam. |
Với phong cách thể hiện mang tính đương đại, trang trọng và bền vững, phương án thiết kế của chúng tôi hướng tới tôn vinh chủ đề giáo dục thông qua các hiện vật và các giá trị kết nối cần truyền tải với nội dung gần gũi nhất với công chúng.
Người xưa có câu “Muốn dịch chuyển một quả núi, hãy bắt đầu dịch chuyển từng viên đá nhỏ”. Tất cả những nỗ lực đó chỉ có thể thực hiện được nhờ sự phối hợp nhịp nhàng giữa cơ quan chủ trì và đơn vị thi công trên tinh thần cởi mở, nghiêm túc và tin tưởng lẫn nhau trong quá trình thực hiện dự án này.
Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng khẳng định: “Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây là một trong những truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta, thể hiện đạo lý biết ơn với những người đi trước đã gây dựng nên những thành quả để lại cho các thế hệ sau này. Vì vậy, chúng ta có mặt tại đây để tri ân và tôn vinh công lao đóng góp của các bậc tiền nhân, các danh nhân đã đặt nền móng cho sự phát triển nền Quốc học, tạo nên lớp lớp trí thức trong xã hội Việt Nam thời quân chủ”.
Không gian tái hiện lại cuộc đời và những đóng góp của Nguyên phi Ỷ Lan. |
Ông Đỗ Đình Hồng cũng cảm ơn các chuyên gia đến từ Cộng hòa Pháp, các tổ chức, cá nhân tham gia xây dựng Trưng bày với lòng nhiệt huyết, sự sáng tạo và tinh thần làm việc tận tâm đã tạo nên một trưng bày hấp dẫn, thú vị.
Đồng thời ghi nhận và biểu dương những nỗ lực cố gắng của Trung tâm Hoạt động Văn hoá Khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám trong việc phát huy giá trị của di tích, đưa Văn Miếu – Quốc Tử Giám từng bước trở thành không gian sáng tạo của thành phố Hà Nội.
Du khách nước ngoài đến tham quan Văn Miếu – Quốc Tử Giám dịp đầu năm. |
Trưng bày “Khơi nguồn Đạo học” cũng đã kết nối nội dung với trưng bày “Quốc Tử Giám – Trường Quốc học đầu tiên” thành một chỉnh thể, giúp công chúng hiểu rõ hơn về lịch sử ra đời, phát triển của khu di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám và kết quả của nền giáo dục khoa cử Việt Nam thời quân chủ.
Bên cạnh đó, thông qua các tài liệu, hiện vật liên quan đến các danh nhân, trưng bày đã tái hiện thành một không gian di sản văn hóa danh nhân, để phục vụ tốt nhu cầu của khách tham quan tìm hiểu và có những cảm nhận sâu sắc về những đóng góp của họ – các bậc danh nhân khoa bảng đối với nền giáo dục, bồi dưỡng nhân tài và những bài học kinh nghiệm vẫn còn nguyên giá trị đối với đời sống xã hội hiện nay.