Trung thu xưa và nay trong ký ức người Hà Nội

Là một trong những ngày Tết quan trọng của Việt Nam cũng như nhiều quốc gia Đông Á khác. Tết trung thu luôn được các gia đình gìn giữ như một nét văn hóa cổ truyền đáng tự hào của dân tộc. Tuy nhiên, với sự phát triển của nhịp sống hiện đại, cách chơi trung thu của thế hệ hiện nay đã đôi phần khác với cách cha ông ta ngày xưa đã làm. Và trong không khí, một mùa Trung Thu nữa lại về…

Tết Trung thu thực chất là lễ hội đón trăng rằm được tổ chức vào thời điểm rằm tháng tám hàng năm, nhà nhà thường tổ chức bày cỗ trông trăng. Và khi trăng lên cao, trẻ con sẽ múa hát và phá cỗ. Ở một số nơi còn có tổ chức múa lân, múa sư tử và rước đèn. Hoàn cảnh thay đổi, con người thay đổi, những giá trị cũ cũng thay đổi, niềm vui cũng chẳng còn giống nhau, hoài niệm bao nhiêu cũng chẳng thể nào khiến mọi thứ quay trở lại…

Dù là gì thì chắc chắn, ai cũng có thể nhận ra rằng Trung Thu bây giờ khác Trung Thu ngày xưa nhiều lắm. Khác từ chiếc bánh trung thu, khác đến chiếc đèn lồng và đến cả không khí đón nhận một mùa trung thu cũng khác hẳn.

Bánh trung thu ngày xưa và nay. Ảnh: Internet

Bánh Trung Thu ngày xưa, truyền thống được làm từ bột, trứng với nhân thập cẩm bao gồm: hạt dưa, mứt, bí, thịt gà, lá chanh… Khi thưởng thức rất béo, bùi, đậm vị rất phù hợp ngồi ngắm trăng rằm tháng tám thưởng thức hương vị của bánh Trung Thu và nhâm nhi tách trà trong không khí sum họp gia đình là cách người xưa đón tết Trung Thu về.

Tuy nhiên, hiện nay bánh Trung Thu đã được sản xuất với nhiều hương vị khác như trà xanh, đậu xanh, đậu đỏ, khoai môn… Và cả bánh Trung Thu chay cho những người ăn chay. Bánh cũng được đúc từ nhiều khuôn hình xinh xắn và mới lạ như thú vật, bánh xe.. Một mặt nào đó cũng giúp đa dạng hóa và phong phú chiếc bánh Trung thu được đẹp mắt hơn.

Phá cỗ trung thu ngày xưa. Ảnh: Internet

Ngày xưa, trung thu đơn thuần chỉ là ngày tết của trẻ con. Ông bà bố mẹ thì bày cỗ, lũ trẻ háo hức rước đèn ngắm trăng, chơi các trò chơi dân gian, đuổi mắt bắt dê, rồng rắn lên mây, múa lân múa sư, hát các bài đồng dao. Chờ trăng lên đến đúng đỉnh đầu mới phá cỗ để được ăn cơ man nào là bánh nướng bánh dẻo hình con lợn con cá, mâm ngũ quả. Nhà nào tỉ mỉ hơn thì có thêm con chó lông xù được làm từ tép bưởi.

Khi tiếng trống múa lân giòn giã thúc dục từ xa, lũ trẻ túa ra đường, đứa cầm đèn ông sao, đứa cầm đèn kéo quân, có đứa nhà nghèo không có tiền mua đèn thì làm lồng đèn từ lon sữa bò, thắp nến ở trông đẩy đi lách cách, đứa đeo mặt nạ chú cuội, mặt nạ hề kéo theo đám múa lân đi khắp phố phường. Trung thu bây giờ thì chẳng còn như xưa nữa. Đèn ông sao năm cánh biến mất dần, thay vào đó là hàng trăm mẫu đèn với màu sắc và hình thù khác nhau, đa phần chạy bằng pin và điện, còn có thể phát ra các bài nhạc vui tai. Trẻ con cũng chẳng còn chơi các trò chơi dân gian hay chạy theo các đám rước đèn, đám múa lân nữa. Trẻ con bây giờ sẽ theo bố mẹ đi đến các siêu thị hay trung tâm thương mại cùng với các món quà hiện đại được mua ở các hàng lưu niệm, chứ không còn đơn giản là cái trống bồi hay cái lồng đèn tự làm nữa. Tiếng trống bồi, trống múa lân, múa sư cũng chẳng còn nhiều như xưa, thi thoảng lắm mới có thể nghe được ở các các miền quê.

Bữa cơm thân mật của gia đình đêm rằm trung thu ngày xưa. Ảnh: Internet

Hoàn cảnh thay đổi, con người thay đổi, những giá trị cũ cũng thay đổi, niềm vui cũng chẳng còn giống nhau. Hoài niệm bao nhiêu cũng chẳng thể nào khiến mọi thứ quay trở lại. Cứ mỗi lần đến mùa trung thu lại bao nhiêu xúc cảm lẫn lộn. Dù sao đi nữa Tết Trung Thu vẫn luôn là một phong tục truyền thống đáng tự hào của người Việt Nam nói trung và của nhiều quốc gia Đông Á nói riêng.

Hải Anh