Truyền tình yêu nghệ thuật hội họa đến trẻ tự kỷ

Với tình yêu hội họa và tin tưởng vào những điều tuyệt vời mà nó mang lại, những năm qua, cô Hoàng Thị Bình đã sáng tạo trong cách dạy, đưa bộ môn Mỹ thuật đến gần với học sinh hơn. Thông qua hội họa, nhiều trẻ em từ tăng động giảm chú ý, tự kỷ đã tiết chế được cảm xúc của mình và cởi mở hơn trong học tập, giao tiếp.

Yêu và say mê hội họa từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, đến khi tốt nghiệp Trung học phổ thông, cô giáo Hoàng Thị Bình (sinh năm 1990) – giáo viên môn Mỹ thuật Trường Tiểu học Tây Tựu A (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đã chọn con đường gắn bó với bộ môn Mỹ thuật.

Cô Bình luôn có ước mơ là được truyền thụ cho trẻ thơ vẻ đẹp của cuộc sống, thiên nhiên, con người thông qua hội họa, từ đó góp phần giúp các em hình thành nhân cách.

Theo cô Bình, Mỹ thuật là môn học có cách giao tiếp riêng, thấu hiểu riêng, khi vào giờ vẽ các em học sinh được hòa mình vào thế giới của màu sắc, nói lên tiếng nói của bản thân thông qua các bức vẽ và đặc biệt là được tĩnh tâm lại. Nhờ vậy, không ít các em học sinh từ tăng động giảm chú ý, tự kỷ đã tiết chế được cảm xúc của mình và cởi mở hơn trong học tập và giao tiếp.

Truyền tình yêu nghệ thuật hội họa đến trẻ tự kỷ
Học sinh được hòa mình vào thế giới màu sắc trong những tiết học Mỹ thuật.

Là một giáo viên trẻ, cô Bình luôn sáng tạo trong giờ dạy để trẻ cảm nhận được sự mới lạ, kích thích sự tò mò. Ngoài việc dạy vẽ bằng màu mực, giấy vẽ thông thường, cô Bình còn đưa vào giảng dạy trên nhiều chất liệu khác nhau như đất màu, lá cây khô, sợi thừng, nilon… Việc vẽ và tạo hình trên các chất liệu đa dạng đã tạo cho học sinh sự kết nối giữa giờ học với thiên nhiên, qua đó trân quý hơn những gì thiên nhiên ban tặng.

Với vai trò là giáo viên dạy Mỹ thuật, cô đã dìu dắt nhiều em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh đặc biệt cùng học tập, sáng tạo nghệ thuật và hòa nhập cùng các hoạt động khác. Dạy học sinh bình thường để các em có thể đam mê môn Mỹ thuật đã khó, nhưng phát hiện tài năng và khơi dậy niềm đam mê môn Mỹ thuật với học sinh khuyết tật còn khó hơn rất nhiều lần. Nhưng bằng tình thương yêu, cô Bình đã làm được điều này.

Cô Bình cho biết, hầu hết các em học sinh trong độ tuổi tiểu học đều rất hòa đồng, dễ chia sẻ, nhưng cũng có một số bạn do tính cách hoặc sức khỏe tinh thần không tốt, dẫn đến các con sống khép kín, thiếu hòa nhập và giảm tập trung nên khó khăn khi tiếp thu trong môn Mỹ thuật nói riêng và các môn học khác nói chung. “Vì vậy, phải bằng tình yêu thương và sự kiên trì mới có thể giúp được các em”, cô Bình chia sẻ.

Không chỉ là giáo viên trẻ, năng động, sáng tạo cô Bình còn được biết đến là một nhà giáo tận tâm với nghề và luôn nỗ lực vì học sinh thân yêu.

Truyền tình yêu nghệ thuật hội họa đến trẻ tự kỷ
Cô Bình và các em học sinh trong tiết học Mỹ thuật.

Mặc dù có hai con còn nhỏ, nhưng cô Bình vẫn dành thời gian vào mỗi cuối tuần để dạy vẽ miễn phí tại câu lạc bộ Mỹ thuật trường Tiểu học Tây Tựu A cho các học sinh có hoàn cảnh khó khăn, đồng thời hỗ trợ hoàn toàn chi phí họa phẩm cho các em. Lớp học được duy trì từ năm 2016 đến nay, mỗi năm cô Bình đã bồi dưỡng miễn phí cho 5-7 học sinh có năng khiếu với tổng số tiền lên đến 30.000.000 đồng.

Hướng dẫn, dìu dắt một số em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh khuyết tật cùng học tập, sáng tạo nghệ thuật, hòa nhập và tham gia các hoạt động với các bạn cùng lớp trong các năm học, điển hình như em Nguyễn Mạnh Hùng và em Chu Viết Sang lớp 2D (năm học 2017 – 2018); em Trần Ngọc Hà lớp 2D (năm học 2021 – 2022); em Đặng Trần Đức Anh lớp 2C, em Nguyễn Phan Thuỳ Linh lớp 3B, em Nguyễn Đăng Tuệ lớp 3D, em Hoàng Ngọc Bích, em Nguyễn Hữu Hải Đăng lớp 5A, em Nguyễn Thị Thục Quyên lớp 5D (năm học 2022- 2023).

Không dừng lại ở đó, cô còn dành nhiều thời gian và công sức cho việc vẽ trang trí tặng nhà trường. Cụ thể, năm 2022, cô Bình vẽ tranh tường trang trí 3 cầu thang, tường trước 4 nhà vệ sinh với tổng diện tích hơn 90m2, kinh phí tương đương 13.500.000 đồng.

Năm 2021, cô vẽ tặng trường tại các phòng học chức năng như phòng Mỹ thuật, Âm nhạc, Tin học, Tiếng Anh, phân viện thư viện với tổng diện tích hơn 18m2 với tổng số tiền hơn 2.700.000 đồng. Ngoài ra, cô còn kết hợp cùng đoàn viên nhà trường vẽ và trang trí dãy tường sau nhà C, vẽ trang trí toàn bộ ghế đá trong nhà trường.

Nhờ những nét vẽ, toàn bộ khuôn viên nhà trường được bao phủ bởi những màu sắc tươi vui, tạo cho các em học sinh niềm vui, sự hứng khởi khi bước chân vào trường học. Năm 2023, trường Tiểu học Tây Tựu A kêu gọi xã hội hóa xây dựng khuôn viên mở rộng nhà trường, mua dù che mưa nắng cho các em học sinh và lắp điều hòa ở các lớp học, cô Bình là một trong những mạnh thường quân đi đầu trong ủng hộ nhà trường và các em học sinh.

Truyền tình yêu nghệ thuật hội họa đến trẻ tự kỷ
Cô Hoàng Thị Bình đã được Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội tặng Danh hiệu “Người tốt, việc tốt” năm 2023.

Nhận xét về cô Bình, cô Nguyễn Thị Hạnh – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tây Tựu A cho biết: “Cô Bình là một giáo viên trẻ năng động, sáng tạo và rất quan tâm đến học sinh. Nghỉ hè, cô Bình dành toàn bộ thời gian để vẽ trang trí ghế đá và các khu hành lang nhà trường. Nhờ đó, khuôn viên nhà trường có những hình ảnh sinh động, trang trí mới lạ, bắt mắt giúp giảm áp lực sau giờ học và khuyến khích tính sáng tạo của các em học sinh”.

Với những nỗ lực và đóng góp của mình, cô Hoàng Thị Bình đã được Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội tặng Danh hiệu “Người tốt, việc tốt” năm 2023. Song, cô Bình cho rằng, việc làm của mình vẫn thật nhỏ bé, như hạt cát giữa đại dương bao la. Cô vô cùng xúc động khi được Ban Giám hiệu nhà trường tin tưởng, học sinh quý mến.

“Để đáp lại sự tin yêu đó, tôi sẽ cố gắng hơn nữa để nâng cao nghiệp vụ, trở thành một giáo viên giỏi, cùng với đồng nghiệp nhà trường chắp thêm những đôi cánh tri thức cho các em học sinh thân yêu”, cô Bình chia sẻ.

Thắm – Thảo