Tự chủ bệnh viện và bài toán cho “thì tương lai”

 Việc cả hai bệnh viện tuyến cuối và được đánh giá là “xương sống của bệnh viện công” là Bạch Mai và K đều xin rút không triển khai mô hình tự chủ toàn diện sau khi hết thời gian thí điểm, khẳng định rằng việc thí điểm đã thất bại. Theo các chuyên gia y tế, chủ trương tự chủ bệnh viện là đúng đắn, nhưng việc thực hiện tự chủ theo mô hình nào đi nữa thì cũng cần phải có một hành lang pháp lý cụ thể.

Tồn tại nhiều khó khăn, bất cập

Theo Nghị quyết 33/NQ-CP ngày 15/9/2019 của Chính phủ về thí điểm tự chủ toàn diện thì có 4 bệnh viện thuộc Bộ Y tế sẽ thực hiện chính sách này gồm Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện K, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Việt Đức. Đến nay, mới có 2 bệnh viện thực hiện thí điểm là Bệnh viện K và Bệnh viện Bạch Mai. Thế nhưng, thiếu cơ chế, thiếu hành lang pháp lý là một trong những nguyên nhân khiến cho việc triển khai thí điểm tại 2 bệnh viện còn gặp nhiều khó khăn.

Tự chủ bệnh viện và bài toán cho
Các bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai thực hiện phẫu thuật cho bệnh nhân.

Hai năm thí điểm tự chủ toàn diện cho thấy bệnh viện “hụt hơi” và gặp nhiều bất cập, nhất là về tài chính, đây là một trong những nguyên nhân khiến Bệnh viện Bạch Mai xin rút chưa thực hiện tự chủ toàn diện trong thời điểm này. Cụ thể, tại buổi làm việc khi Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cùng đoàn công tác của Bộ Y tế đến thăm và làm việc tại Bệnh viện Bạch Mai, Tiến sĩ, bác sĩ Dương Đức Hùng – Chủ tịch Hội đồng quản lý Bệnh viện Bạch Mai cho biết, một trong những lý do đơn vị xin dừng thí điểm tự chủ toàn diện là do chưa có cơ chế để thực hiện tự chủ.

“Từ năm 2020, Bệnh viện Bạch Mai được giao làm thí điểm tự chủ. Tuy nhiên, qua thời gian thí điểm, Bệnh viện Bạch Mai mạnh dạn đề xuất chuyển đổi theo mô hình thực hiện theo Nghị định 60 theo nhóm 2 – tức là đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên, để phù hợp với tình hình của Bệnh viện”- Tiến sĩ Dương Đức Hùng cho biết.

Còn theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đào Xuân Cơ – Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho hay, trong 2 năm thực hiện tự chủ hoàn toàn, Bệnh viện gặp rất nhiều khó khăn. Theo Phó Giáo sư Đào Xuân Cơ phân tích, nếu thực hiện cơ chế tự chủ, nguồn tài chính là một trong yếu tố quyết định hoàn thành mục tiêu của Đề án tự chủ toàn diện. Giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế theo quy định hiện hành của Bộ Y tế mới tính 4/7 yếu tố cấu thành giá. Về giá dịch vụ y tế theo yêu cầu, Bộ Y tế chưa ban hành giá trần dịch vụ khám, chữa bệnh.

Đặc biệt, do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, số lượng bệnh nhân đến khám, chữa bệnh giảm. Nguồn thu của Bệnh viện năm 2020, 2021 giảm 2.000 tỷ mỗi năm, ảnh hưởng đến đời sống của cán bộ, viên chức và người lao động. Nhiều máy móc hiện đại trong các đề án liên doanh, liên kết đang dừng hoạt động dẫn tới thiếu thiết bị phục vụ người bệnh. Ngoài ra, việc khó khăn, vướng mắc trong công tác đấu thầu, mua sắm dẫn tới tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế…

Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cũng chỉ rõ khi bệnh viện triển khai thí điểm tự chủ đúng lúc dịch bệnh diễn biến phức tạp do đó nguồn thu của đơn vị giảm sâu, việc trích lập quỹ, phân bổ tài chính bệnh viện theo các tỷ lệ cố định của các văn bản hiện hành, ảnh hưởng tính chủ động về nguồn đầu tư, mua sắm… Về giá dịch vụ y tế, giá dịch vụ khám, chữa bệnh là nguồn thu chính của bệnh viện cũng đang gặp khó khăn, vướng mắc rất lớn.

Đại diện Bệnh viện Bạch Mai cũng đề cập vấn đề chi tiền lương. Theo đó, đại dịch Covid-19 tác động mạnh đến nguồn thu của bệnh viện khiến nguồn thu giảm trong khi bệnh viện không được thực hiện quyền tự chủ về giá khám bệnh theo yêu cầu. Điều này dẫn đến việc bệnh viện chưa đủ cơ sở để tính đúng, tính đủ thực hiện được việc xác định Quỹ lương trên doanh thu, hoặc quỹ lương khoán trong chi phí hợp lệ để tính thuế thu nhập.

Trước thực trạng nói trên, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai đề xuất chưa nên thực hiện tự chủ ở các bệnh viện tuyến cuối, vì đây là bệnh viện đầu ngành, nơi điều trị tất cả bệnh nhân trong cả nước. “Nếu tự chủ chắc chắn phải tăng doanh thu, lúc đó sẽ gây khó khăn cho bệnh nhân nghèo” – Phó Giáo sư Đào Xuân Cơ nhấn mạnh.

Tương tự, Bệnh viện K cũng rơi vào “vòng xoáy” thiếu cơ chế khi triển khai thí điểm tự chủ toàn diện. Chia sẻ với báo chí, Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Quảng Giám đốc Bệnh viện K cho biết: Bệnh viện K là bệnh viện tuyến cuối điều trị bệnh nhân ung thư thì việc tự chủ toàn diện theo Nghị quyết 33 cũng có những bất cập tương tự như Bệnh viện Bạch Mai.

Theo Giám đốc Bệnh viện K, Nghị quyết 33 là Nghị quyết của Chính phủ có tính chất là thí điểm đề án và hiện nay mới có Bệnh viện K, Bệnh viện Bạch Mai thực hiện, nhưng hành lang pháp lý hướng dẫn cụ thể để thực hiện Nghị quyết này thì đang được soạn thảo, chưa hoàn thiện. Thời gian qua, việc tự chủ mua sắm trang thiết bị là một trở ngại khó khăn đối với bệnh viện thực hiện tự chủ toàn diện. Về vấn đề này, Giáo sư Lê Văn Quảng cho rằng đối với ngành Y tế, việc có đầy đủ máy móc, thiết bị rất quan trọng trong công tác khám chữa bệnh. Hơn nữa, các máy móc, thiết bị phục vụ việc chẩn đoán, điều trị bệnh nhân ung thư thường rất đắt tiền.

Liên quan đến giá dịch vụ y tế, Giáo sư Lê Văn Quảng cho rằng, hiện nay, giá dịch vụ y tế chưa được tính đúng, tính đủ. Hơn nữa, giá dịch vụ theo yêu cầu phải theo khung giá nhưng đến nay khung giá cũng chưa được ban hành. Việc tính giá dịch vụ y tế phải theo quy định nên việc bệnh viện tự xây dựng giá là khó thực hiện và cần có cơ quan chức năng xây dựng, hướng dẫn cho bệnh viện…Bên cạnh đó, là đơn vị tuyến cuối về chuyên khoa ung thư, Bệnh viện K cũng phải thực hiện chức năng đào tạo, chỉ đạo tuyến. Nếu tự chủ toàn diện thì kinh phí phục vụ cho nhiệm vụ này cũng sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Cần đánh giá lại cơ chế tự chủ

Đề cập vấn đề khúc mắc hiện nay của ngành Y tế là tự chủ bệnh viện, phát biểu tại “Hội nghị Nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân; chủ động thích ứng linh hoạt, góp phần phục hồi nhanh, phát triển bền vững” sáng 21/8, Giáo sư, Tiến sĩ Lê Quang Cường, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Y khoa Quốc gia cho rằng, tự chủ bệnh viện là cần thiết nhưng phải có chế tài quy định. Đừng nghĩ rằng tự chủ là khoán đứt, mà tự chủ là tận dụng tối đa năng lực của bệnh viện, Chính phủ vẫn phải đứng đằng sau hỗ trợ…

Cũng tại hội nghị này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã đề nghị Bộ Y tế đánh giá lại việc thực hiện cơ chế tự chủ tại các bệnh viện công.Hiện nay, chi phí giá dịch vụ y tế chưa được tính đúng tính đủ, nghĩa là một số mức thu chi chưa được đưa vào. Vậy việc tự chủ có ảnh hưởng tới các bệnh viện không? Phải xây dựng lại định mức, xây dựng lại đơn giá… Đây là trách nhiệm của Bộ Y tế chỉ đạo.

Đồng thời, cần đánh giá sắp xếp lại các bệnh viện công lập theo Nghị định 60/2021/NĐ-CP. Nếu đơn vị nào tự chủ được 100% thì cho phép thực hiện tự chủ, nếu cơ sở nào tự chủ một phần (chi thường xuyên) thì thực hiện sắp xếp theo Nghị định 60, nếu không làm được thì dừng lại.

Theo Nghị quyết 33, Bệnh viện K và Bệnh viện Bạch Mai đã hoàn thành thí điểm tự chủ bệnh viện. Hai bệnh viện này có tiếp tục không hay quay trở lại tự chủ một phần? “Hai bệnh viện này là “xương sống của bệnh viện công” của ngành Y tế, nếu để các bác sĩ đi sang hệ thống tư nhân thì chúng ta sẽ thất bại, trong khi một trụ cột chính trong vấn đề an sinh xã hội chính là y tế”- Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết./.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, Bộ Y tế phải đánh giá lại và sắp xếp hợp lý. Nếu chưa tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế, Nhà nước sẽ đầu tư trang thiết bị để phục vụ nhân dân. Đây là vấn đề lớn, Bộ Y tế cần phải khẳng định sớm, nếu muộn thì sẽ phải mất 3 năm nữa mới làm được, vì hiện nay Bộ Tài chính đang lập ngân sách cho năm 2023, tháng 10 tới sẽ trình Quốc hội. Khi đó, nếu vấn đề này không nằm trong dự toán ngân sách thì phải đến năm 2026 mới có thể bàn lại vấn đề này.
Minh Khuê
https://laodongthudo.vn/tu-chu-benh-vien-va-bai-toan-cho-thi-tuong-lai-145290.html