Tự hào chiến thắng vẻ vang

Chúng ta đang sống trong những ngày tháng 12 lịch sử, Thủ đô và cả nước nghiêng mình kỷ niệm 50 năm chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” (tháng 12/1972 – tháng 12/2022). Cùng với người dân Thủ đô và cả nước, càng tự hào về quá khứ, người lao động Thủ đô càng không ngừng nỗ lực, học tập, hăng say lao động sản xuất để góp phần xây dựng Thủ đô, đất nước đẹp giàu.

Tự hào về lịch sử dân tộc

Cách đây tròn nửa thế kỉ, năm 1972, do thất bại trên chiến trường miền Nam, đế quốc Mỹ đã điên cuồng leo thang chiến tranh đánh phá trở lại miền Bắc, Việt Nam. Ngày 14/12/1972, Tổng thống Mỹ RJ.Nixon phê chuẩn chiến dịch quân sự mang mật danh Linebacker II đánh phá ồ ạt bằng không quân vào Hà Nội, Hải Phòng…

Chúng đã huỷ diệt nhiều phố xá, làng mạc, phá sập hàng nghìn ngôi nhà, nhà máy, xí nghiệp, trường học, bệnh viện, nhà ga… Thủ đô Hà Nội, nơi hứng chịu bom đạn của chiến tranh khiến đất rung, ngói tan, gạch nát nhưng bằng tình yêu và niềm tin mãnh liệt, quân và dân Hà Nội đã bám đất, bám nhà, bám từng hào giao thông để biến “Mỗi làng xóm là một pháo đài, mỗi người dân là một chiến sĩ”; với tinh thần quyết chiến, quyết thắng: “Nhà cửa có thể sập nhưng có một thứ không thể sập được đó là con người”…

Tự hào chiến thắng vẻ vang
Tự vệ Nhà máy in Tiến Bộ luyện tập sẵn sàng chiến đấu (1972). Ảnh: TTXVN

50 năm đã qua đi nhưng chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” mãi mãi là niềm tự hào bất diệt, một biểu tượng rực rỡ của hào khí Thăng Long – Hà Nội ngàn năm văn hiến, anh hùng. Truyền thống “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, quyết đánh, quyết thắng, đã đánh là thắng của quân và dân Thủ đô mà bao thế hệ cha anh đã dày công xây đắp mãi được Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và lực lượng vũ trang Hà Nội khắc ghi.

Những ngày này, nhiều tuyến phố, con đường, trụ sở các cơ quan, đơn vị trên địa bàn Hà Nội như được “khoác áo mới” với rực rỡ cờ hoa, khẩu hiệu và tranh cổ động. Các tuyến phố chính như Tràng Thi, Điện Biên Phủ, Trần Phú, Kim Mã, Vạn Phúc… cũng được trang trí với nhiều băng rôn tuyên truyền, phản ánh không khí dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không”.

Song song với việc tuyên truyền, nhiều hoạt động trọng điểm với hình thức đa dạng, phong phú, thiết thực như hội thảo khoa học, triển lãm tranh ảnh, hiện vật, các chương trình văn hóa, nghệ thuật… cũng được các cơ quan, đơn vị, quận, huyện tổ chức để kỷ niệm 50 năm chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không”.

Chị Nguyễn Thị Thủy (30 tuổi, phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cùng gia đình đi xem một số triển lãm về chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” đang được tổ chức thời điểm này. Chị Thủy cho biết: “Tuy mình không sống trong thời chiến nhưng qua những lần đi bảo tàng, những buổi triễn lãm, mình lại thấy thêm trân quý và biết ơn sự hy sinh của ông cha ta. Nền độc lập có được ngày hôm nay đều là từ máu xương của những chiến sĩ đã ngã xuống. Cũng chính từ ý nghĩa đó, tôi tự cảm thấy bản thân mình phải luôn cố gắng, nỗ lực trong công việc, góp phần xây dựng và bảo vệ đất nước”.

Không ngừng nỗ lực xây dựng Thủ đô

Có thể thấy, vượt qua hủy diệt trước làn mưa bom, bão đạn của kẻ thù, cuộc sống lại tiếp tục hồi sinh. Chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” chứng minh sức mạnh vô địch của chiến tranh nhân dân Việt Nam, bắt nguồn từ đường lối đúng đắn và sự lãnh đạo sáng suốt của Trung ương Đảng, khẳng định sự lớn mạnh vượt bậc của lực lượng vũ trang 3 thứ quân của nhân dân Việt Nam, đặc biệt là quân và dân Thủ đô Hà Nội anh hùng.

Từ trong lòng Hà Nội xưa, một Hà Nội mới ra đời, vẫn ghi dấu bởi sự đau thương, mất mát và sự tự hào của mỗi người, đã từng trải qua những năm tháng đau thương, gian khổ, oai hùng của toàn dân tộc. 50 năm đã trôi qua, nhưng ý nghĩa lịch sử của chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” vẫn còn nguyên giá trị.

Cùng với chặng đường lịch sử của dân tộc, những ngày ngày, người lao động Thủ đô trên bất cứ lĩnh vực nào đã và đang thể hiện rõ sức mạnh đấu tranh dũng cảm và lao động sáng tạo, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ, đóng góp to lớn vào thắng lợi chung của toàn Thành phố.

Tự hào chiến thắng vẻ vang
Người lao động Thủ đô trên bất cứ lĩnh vực nào cũng đã và đang thể hiện rõ sức mạnh đấu tranh dũng cảm và lao động sáng tạo, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ, đóng góp to lớn vào thắng lợi chung của toàn Thành phố.

Có thể kể đến là Bệnh viện Bạch Mai, một trong những đơn vị bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong trận chiến “Điện Biên Phủ trên không”. 50 năm qua đi, lịch sử đã sang trang mới, lớp lớp các thế hệ cán bộ y tế Bệnh viện Bạch Mai từ trong đổ nát của chiến tranh đã từng bước xây dựng lại bệnh viện. Bệnh viện Bạch Mai là bệnh viện đầu tiên trong cả nước được công nhận là bệnh viện đa khoa hạng đặc biệt.

Mới đây, báo cáo với đoàn công tác của Thành ủy Hà Nội tại buổi thăm, tặng quà các đơn vị, cá nhân tiêu biểu, nhân dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không”, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Đào Xuân Cơ tự hào chia sẻ: Trong thời gian qua, các thế hệ cán bộ, nhân viên bệnh viện vẫn luôn tiếp nối truyền thống lịch sử vẻ vang của bệnh viện. Đặc biệt là trong đại dịch Covid-19, từng đoàn quân áo trắng với hàng nghìn cán bộ, bác sĩ, điều dưỡng của bệnh viện đã lên đường hỗ trợ miền Nam chống dịch.

Trong thời bình, các chiến sĩ của Bạch Mai đã tiếp nối truyền thống cha ông, cũng xẻ dọc đất nước, tham gia trên mọi trận tuyến để chiến đấu với kẻ thù vô hình – giặc Covid-19. Bên cạnh đó, trước những khó khăn trong thực hiện các cơ chế chính sách, thiếu thốn trang thiết bị, vật tư y tế, tập thể cán bộ, nhân viên bệnh viện vẫn luôn cố gắng, nỗ lực khắc phục khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân, nhất là người dân trên địa bàn Thủ đô.

Không chỉ trên lĩnh vực y tế, thời gian qua, thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, Nhà nước, phát huy những thành tựu của cha ông để lại, người lao động Thủ đô đang tiếp tục nỗ lực, cần cù, sáng tạo, sản xuất ngày càng nhiều sản phẩm hàng hóa, dịch vụ cho xã hội và xuất khẩu với chất lượng và hiệu quả ngày càng cao.

Đặc biệt, thời điểm này, sau đại dịch Covid-19, dù phải giải quyết một khối lượng công việc lớn và khó nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đã có nhiều cách làm năng động, sáng tạo, đạt được những thành tựu quan trọng trong phục hồi và phát triển kinh tế.

Tự hào chiến thắng vẻ vang
Chính quyền và nhân dân Thủ đô đã có nhiều cách làm năng động, sáng tạo, đạt được những thành tựu quan trọng trong phục hồi và phát triển kinh tế.

Theo báo cáo, trong năm 2022, tăng trưởng GRDP của Thành phố ước tăng 8,89%. Công tác quy hoạch được đẩy nhanh tiến độ; quản lý, chỉnh trang và phát triển đô thị có nhiều chuyển biến tích cực; xây dựng Nông thôn mới tiếp tục được quan tâm, đẩy mạnh và đạt nhiều kết quả.

Các lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục được phát triển; an sinh xã hội được quan tâm, chăm lo; cải cách hành chính có nhiều chuyển biến; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, các sự kiện chính trị lớn trên địa bàn được tổ chức thành công và tuyệt đối an toàn… Thành quả đó có sự đóng góp chủ lực của đội ngũ công nhân viên chức lao động – những người trực tiếp làm ra của cải vật chất cho xã hội.

Nói về chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không”, tại buổi giao lưu, trao đổi với các nhân chứng lịch sử do phường Phương Mai (quận Đống Đa) tổ chức mới đây, Thượng tá Trịnh Thị Khuyến Lương – Phó Giám đốc Bảo tàng Chiến tranh B52 xúc động bày tỏ: “Là thế hệ được hưởng, được sống trong hòa bình, tự do và hạnh phúc, mỗi người dân Việt Nam chúng ta nói chung và mỗi người dân Thủ đô Hà Nội nói riêng cần tiếp tục phát huy những thắng lợi, hiểu được giá trị của sự mất mát, hi sinh của cha ông ta trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Từ đó, ra sức học tập, rèn luyện, lao động, công tác để xây đựng đất nước ta giàu đẹp hơn, sánh vai với các cường quốc năm châu bốn bề, như niềm hằng mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu lúc sinh thời”. 
K.Tiến