Từ nguồn lực văn hóa đến tiềm năng sáng tạo

Trong chiến lược phát triển của mình, thành phố Hà Nội luôn xác định du lịch là một thế mạnh cần tập trung khai thác bởi những lợi thế sẵn có. Đây được coi là một ngành kinh tế tổng hợp, có tính dịch vụ, liên ngành cao và chứa đựng hàm lượng văn hóa sâu sắc. Những sản phẩm du lịch cùng chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị sẽ nhanh chóng đem đến nguồn thu, tạo hiệu quả tốt hơn so với các lĩnh vực khác trong ngành công nghiệp văn hoá.

 

Saleem Hammad, chàng trai người Palestine, đến Hà Nội và lập tức bị thu hút bởi vẻ đẹp cổ kính, trầm mặc, thanh lịch của thành phố này. 10 năm trước, lần đầu tiên anh đặt chân đến Hà Nội, rồi theo học Khoa Việt Nam học tại trường Đại học Hà Nội. Suốt thời sinh viên, Saleem Hammad thường theo bạn bè tụ tập “trà chanh chém gió” ở khu phố cổ, một phần vì muốn giao lưu làm quen với người Việt nhiều hơn để rèn luyện tiếng Việt, nhưng một phần khác chính là ham muốn khám phá của tuổi trẻ, nhất là trước vẻ đẹp lãng mạn của Hà Nội.

Saleem Hammad kể: “Tôi thường thích lái xe máy lượn lờ phố xá và cũng chính vì thế tôi có thể thuộc được hết đường phố Hà Nội. Năm thứ tư đại học, tôi được học về lịch sử Việt Nam và rất bất ngờ khi biết rằng tên những con phố ấy chính là tên của những vị anh hùng dân tộc như: Hai Bà Trưng, Võ Thị Sáu, Quang Trung… Có lẽ do ở quê hương tôi không có hồ nước nên đến với Hà Nội – một thành phố với rất nhiều hồ đã khiến tôi bị choáng ngợp và yêu ngay từ lần gặp đầu tiên. Tôi yêu Hồ Gươm vốn mang tính biểu tượng, là trung tâm của Thủ đô, nơi có câu chuyện lịch sử gắn liền với hình ảnh Tháp Rùa. Tôi yêu Hồ Tây, là một điểm đến lãng mạn, lồng lộng gió chiều với cảnh hoàng hôn khiến ai cũng phải thổn thức và thốt lên rằng: “Ôi! Tuyệt đẹp làm sao!”. Được ngồi cà phê bên con đường ven Hồ Tây để chuyện trò và ngắm cảnh, cảm giác thật gần gũi với thiên. Có đôi khi tôi lại thích ngồi một mình ở một góc hồ, chẳng làm gì cả, chỉ ngồi đó bên trái dừa tươi mát lành, đưa mắt ngắm nhìn toàn cảnh và cảm nhận cuộc sống diễn ra xung quanh, với tôi điều đó cũng thú vị vô cùng”.

Có những lúc cảm giác tồi tệ như nuốt chửng tâm trí, Saleem Hammad thường xuống chân cầu Long Biên, ngồi bên bờ sông Hồng, ngắm nhìn những ánh đèn của các tòa nhà cao tầng phía bên kia sông, nhìn những dòng xe trên cầu đi lại. Có hôm anh được ngắm cả đoàn tàu chạy vút qua cây cầu trăm tuổi, rồi nhìn vào dòng nước cuộn trôi, nghe tiếng sóng vỗ bờ dào dạt. “Dường như Hà Nội đang hiểu tôi muốn gì và đã dành tặng riêng tôi một không gian riêng tư và tuyệt vời đến thế!”, Saleem Hammad bộc bạch.

Saleem Hammad đến Hà Nội và lập tức bị thu hút bởi vẻ đẹp cổ kính, trầm mặc, thanh lịch của thành phố này.

Cũng giống rất nhiều người khác, anh lặng đi khi Hà Nội vào thu, không khí mùa thu ở Hà Nội đặc biệt lạ thường, không giống nơi nào trên cả nước. Tiết trời mùa Thu tuyệt đẹp, dễ chịu, thanh mát khiến lòng người cũng nhẹ nhàng, tươi vui, hương hoa sữa nồng nàn trong gió thoảng như khơi gợi và mang chút hoài niệm từ quá khứ trở về. Anh tâm sự: “Càng gắn bó lâu với Hà Nội, tôi lại càng thấy yêu mùa thu thật nhiều, càng có thể cảm nhận rõ nét sự độc đáo chỉ có ở mùa thu Hà Nội. Trong không khí mùa thu mà được dạo bước trên thảm lá vàng phố Phan Đình Phùng, ngắm những tia nắng sớm, những chiếc xe hoa rực rỡ quả thực là một cảm giác hoàn hảo và thật khó để diễn tả bằng lời…”.

Sống ở Hà Nội đã lâu, Saleem Hammad chẳng lạ gì bài hát “Hà Nội – Mười hai mùa hoa” của nhạc sĩ Giáng Son. Là người rất yêu hoa và thường mua hoa về cắm trong nhà hàng tuần, anh nhận ra điểm thú vị ở Hà Nội là mỗi mùa lại có một loài hoa đặc trưng, được thể hiện rõ trong lời bài hát “Hà Nội – Mười hai mùa hoa”.

“Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An” là hai câu thơ tiêu biểu nói về sự thanh lịch của người Hà Thành, mà Saleem Hammad có thể cảm nhận rõ nhất là trong giọng nói. Hơn 10 năm sinh sống tại Hà Nội và cũng từng được trải nghiệm rất nhiều nơi ở Việt Nam, Saleem Hammad có thể phân biệt được giọng nói vùng miền, địa phương và giọng nói của người Hà Nội gốc. Âm điệu nhẹ nhàng, dịu dàng, êm ái, thanh âm tình cảm, rõ ràng “tròn vành rõ chữ” là những gì anh có thể cảm nhận được sự khác biệt giữa người Hà Nội gốc và người địa phương khác.

Về ẩm thực, với trường hợp của anh là người theo đạo Hồi thì khó lòng có thể thưởng thức được hết đặc sản tiêu biểu của Hà Nội. Thế nhưng, sự hấp dẫn của các món ăn bản địa đã thôi thúc anh phải “sáng tạo” để thưởng thức.

“Tôi biết nem rán là một món ăn truyền thống được nhiều người Hà Nội cũng như bạn bè quốc tế ưa chuộng, nhưng do nem có thành phần thịt lợn nên tôi không thể ăn ngoài hàng quán, vì thế tôi đã nghĩ ra cách tự chế biến ở nhà và thay thế thịt lợn bằng thịt bò. Thưởng thức món nem được chế biến khá kỳ công, tôi cảm nhận được vị thơm ngậy, ngon ngọt đậm đà của nem rán Hà Nội. Ngoài ra, tôi cũng thường ghé phố Bát Đàn để ăn bún riêu cua, đến phố Phùng Hưng để ăn phở bò, rồi ăn phở gà trộn ở phố Hàng Hòm, nộm bò khô ở phố Hồ Gươm hay tụ tập bạn bè đến phố Thi Sách để quây quần bên nồi lẩu bò nhúng dấm. Một đặc sản khác gắn liền với đời sống của người nông dân Hà Nội mà tôi rất ấn tượng, đó chính là Cốm – một món quà của đồng nội. Cốm có cái vị rất đồng điệu với một món ăn ở quê hương tôi, khác một điều là Cốm được làm từ lúa (nước) non, còn món ăn ở quê tôi lại được làm từ lúa mì non, nhưng đều có cái vị thơm thơm, dẻo dai, ngọt béo. Quả thật, Hà Nội “nhỏ nhưng có võ” với bao nhiêu đặc sản như níu giữ vị giác của con người, khiến thực khách khi đã ăn là sẽ không thể nào quên được”, Saleem Hammad tâm sự.

Sau khi tốt nghiệp Khoa Việt Nam học của trường Đại học Hà Nội vào tháng 6 năm 2016, anh đã quay trở về Palestine để làm việc, nhưng chín tháng ở quê nhà, tâm hồn Saleem Hammad như chia làm hai nửa, một nửa ở Palestine và một nửa ở Hà Nội. Sau những ngày tháng nhớ Hà Nội da diết, anh nhận ra tình yêu mình dành cho Hà Nội lớn đến nhường nào. Do vậy, anh đã quyết định quay lại và dự định gắn bó với Hà Nội lâu hơn nữa. Hiện Saleem Hammad đang làm việc cho Đại sứ quán Qatar. Trong công việc, anh cũng được giao lĩnh vực du lịch của Hà Nội và nhận thấy Hà Nội có tiềm năng rất lớn để thu hút khách du lịch đến với nơi đây.

“Đến thời điểm hiện tại, tôi có thể khẳng định rằng: Hà Nội chính là quê hương thứ hai của mình”, Saleem Hammad chia sẻ.

Những tâm sự chân thành và đầy tình cảm của Saleem Hammad là minh chứng thuyết phục nhất về những lý do mà một người nước ngoài đã “phải lòng Hà Nội”. Hà Nội hoàn toàn có tiềm năng để thu hút khách du lịch phương xa đến và gắn bó lâu dài với nơi này bằng vẻ cổ kính xen lẫn hiện đại.

Theo định hướng đến năm 2025, ngành du lịch sẽ tiếp tục trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Thủ đô, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết phát triển công nghiệp văn hoá với mục tiêu phát triển đạt tỷ lệ đóng góp tổng hợp ngành du lịch vào GRDP Thành phố phấn đấu đạt trên 10%.

Trong hệ thống các nhiệm vụ, giải pháp liên quan đến lĩnh vực du lịch văn hóa; ngành du lịch Hà Nội xác định tập trung xây dựng thương hiệu du lịch văn hóa Hà Nội. Thương hiệu du lịch văn hoá Hà Nội được xây dựng dựa trên những giá trị văn hóa đặc sắc, trọng tâm là các giá trị di sản và giá trị văn hóa ẩm thực, thông qua đó hình thành hệ thống các điểm đến, sản phẩm du lịch đặc trưng, có tính chuyên nghiệp, chất lượng, giá trị cao.

Trong đó, việc xây dựng đa dạng và chuyên nghiệp các sản phẩm du lịch đang là giải pháp được nhiều di tích, điểm đến bắt tay với doanh nghiệp lữ hành tại Hà Nội triển khai nhằm thu hút, níu chân và khiến du khách “mở hầu bao” nhiều hơn. Đặc biệt, không chỉ sôi động ban ngày, Hà Nội về đêm sở hữu nhiều tiềm năng và thuận lợi để phát triển kinh tế. Đây cũng được coi là “đòn bẩy” cho du lịch Hà Nội khi dịch Covid-19 được khống chế. Việc đa dạng các sản phẩm, dịch vụ du lịch ban đêm tạo cơ hội cho du khách có thêm nhiều trải nghiệm thú vị và tham gia các hoạt động vui chơi giải trí lành mạnh, góp phần tăng thời gian lưu trú, tăng mức chi tiêu của du khách là những nỗ lực để khôi phục ngành công nghiệp không khói cho Thủ đô.

Là mô hình thí điểm du lịch đêm thành công và có sức lan tỏa, tour “Đêm thiêng liêng” vào các tối cuối tuần do Hanoitourist phối hợp với Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò thực hiện. “Có nơi nào như đất nước chúng ta/Viết bằng máu cả ngàn chương sử đỏ…”. Những câu thơ rất đỗi tự hào nhưng cũng đầy bi thương về dân tộc nhỏ bé mà kiên cường đã nhiều lần vang lên trong mỗi đêm thiêng liêng tại đây. Với không gian buổi tối, du khách có thể cảm nhận chân thực sự khắc nghiệt của chế độ nhà tù thực dân, càng thêm khâm phục hơn ý chí kiên cường, sự hy sinh anh dũng của các anh hùng, liệt sĩ, chiến sĩ cách mạng mà tên tuổi của họ đã trở thành một phần của lịch sử dân tộc.

Chị Nguyễn Minh Trang, một du khách tham gia tour chia sẻ: “Mình đã khóc trong gần như một nửa hành trình dài hai tiếng đồng hồ này. Gần 100 con người đủ mọi độ tuổi, lớn tuổi nhất chắc cũng 70-80 tuổi, nhỏ nhất khoảng 6-7 tuổi. Không gian di tích khá nhỏ, chỗ ngồi san sát nhau lại di chuyển liên tục nhiều vị trí nhưng tuyệt nhiên ai ai cũng lặng lẽ, trật tự, chăm chú, và dâng trào nhiều cảm xúc. Đây là một tour mình đánh giá thực sự có chất lượng thể hiện và khả năng tạo ra những cung bậc xúc cảm cho người xem tương đương hoặc thậm chí hơn nhiều các tour của những bảo tàng, khu di tích nổi tiếng trên thế giới. Chương trình kết hợp giữa giọng kể trầm ấm của người dẫn dắt, cùng âm thanh, ánh sáng, các hoạt cảnh do những diễn viên sân khấu chuyên nghiệp nhập vai, xen kẽ các trải nghiệm đa giác quan như đi qua đường cống ngầm của nhà lao, ngồi lặng im cảm nhận không gian, âm thanh và hoà mình vào không khí trang nghiêm, xúc động tại khu tưởng niệm…

Hà Nội sẽ xây dựng thí điểm một số mô hình phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn.

Ấn tượng cuối cùng và cũng lưu lại rất lâu với du khách còn là bữa ăn nhẹ khi kết thúc chương trình. Một chiếc mẹt tre với các thức quà từ cây bàng trăm tuổi tại chính Nhà tù Hoả Lò: Bánh lá bàng, thạch lá bàng, trà lá bàng. Ngay cả chiếc dĩa cũng là dĩa gỗ, mộc mạc, gần gũi. Du khách bị thuyết phục bởi ý tưởng sáng tạo và sự chỉn chu trong quá trình vận hành, triển khai chương trình này.

Trưởng Ban Quản lý di tích Nhà Tù Hoả Lò Nguyễn Thị Bích Thuỷ cho biết, để tăng sức hấp dẫn cho tour khám phá mới, đơn vị cho thắp nến, đèn chiếu sáng ở lối đi kết hợp cùng tiếng động, âm nhạc để du khách có thêm trải nghiệm khác biệt. Do giới hạn về không gian nên mỗi tối chỉ đón được 85 – 100 khách, dù cầu đang vượt quá cung. Vé trải nghiệm tour thường bán hết rất sớm. Để đáp ứng yêu cầu của khách, Di tích Nhà tù Hỏa Lò đang xây dựng chương trình “Lửa thanh xuân”, dự kiến ra mắt trong vài tháng tới.

Một tour cũng ấn tượng không kém là trải nghiệm Hoàng thành Thăng Long về đêm. Hành trình trải nghiệm của tour đêm này kéo dài 90 phút với lộ trình bắt đầu từ cửa Đoan Môn – cửa dẫn vào Cấm thành, nơi ở và làm việc của nhà vua xưa kia tới Khu khảo cổ 18 Hoàng Diệu. Khác với những chuyến du lịch thông thường, tour đêm khám phá Hoàng thành Thăng Long là chương trình du lịch trải nghiệm đặc biệt, du khách được trải nghiệm không gian Hoàng thành xưa, thưởng thức điệu múa hoàng cung ngay trên những dấu tích khảo cổ độc đáo, chiêm ngưỡng những hiện vật, cổ vật quý giá được tìm thấy tại Hoàng thành Thăng Long trong nhà trưng bày với chủ đề “Thăng Long Hà Nội – Lịch sử nghìn năm từ lòng đất”… Khép lại hành trình trải nghiệm là trò chơi giải mã bí mật Hoàng thành dành cho du khách. Trong phần này, một số hiện vật tiêu biểu của Hoàng thành sẽ được trình chiếu bằng laser trên các nền móng dấu tích khảo cổ hoặc trên dòng sông cổ, để du khách tìm hiểu và giải đáp.

Bà Nguyễn Thị Yến – Trưởng phòng Thuyết minh – Tuyên truyền, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long Hà Nội cho biết, trung bình mỗi đêm trung bình có khoảng 80 – 90 lượt du khách tham gia trải nghiệm sản phẩm du lịch mới mẻ này. Đây là con số đáng kỳ vọng, nhất là tại thời điểm du lịch Việt Nam nói chung cũng như du lịch Hà Nội nói riêng vừa mới bước đầu quá trình phục hồi sau hơn 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Qua những câu chuyện sinh động trên cho thấy, du lịch Hà Nội đang hội tụ đầy đủ cơ hội để có thể “cất cánh” nếu được triển khai bài bản, chuyên nghiệp. Cụ thể, từ đầu năm đến hết tháng 7, tổng khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 10,62 triệu lượt khách, tăng gấp 3,6 lần so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khách du lịch quốc tế ước đạt 425,9 nghìn lượt khách, khách du lịch nội địa ước đạt 10,2 triệu lượt khách, tăng 3,5 lần so với cùng kỳ năm trước. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 31,9 nghìn tỷ đồng, tăng 3,9 lần so với cùng kỳ năm 2021. Lượng khách du lịch đến Hà Nội hồi phục kéo theo các hoạt động khác trở nên sôi động. Từ đầu năm đến nay, công suất sử dụng phòng trung bình khối khách sạn 1-5 sao ước đạt khoảng 31.7%, tăng 7.8% so với cùng kỳ năm 2021. Riêng tháng 7/2022, lượng khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 1,94 triệu lượt, gồm 1,8 triệu lượt khách nội địa và 141 nghìn lượt khách quốc tế.

Bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho biết, thời gian tới, Sở Du lịch Hà Nội tiếp tục chỉ đạo các đơn vị lữ hành, điểm đến xây dựng các sản phẩm du lịch hấp dẫn, độc đáo tập trung vào các sản phẩm thế mạnh của Thành phố như du lịch văn hóa, trải nghiệm, du lịch thể thao, MICE. Tập trung đầu tư xây dựng thí điểm một số mô hình phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn tại làng cổ Đường Lâm, làng nghề Hồng Vân, mô hình du lịch trang trại nông nghiệp tại huyện Đan Phượng, làng nghề dệt huyện Mỹ Đức, mô hình du lịch trang trại hữu cơ huyện Thạch Thất.

Đặc biệt, khuyến khích, phát triển các sản phẩm du lịch mới, độc đáo, tập trung phát triển các sản phẩm theo từng vùng và thế mạnh của địa phương như sản phẩm du lịch mạo hiểm, bay khinh khí cầu ở Ba Vì, bay dù lượn ở Chương Mỹ gắn với đối tượng khách du lịch trẻ, năng động thích trải nghiêm khám phá; du lịch nghỉ dưỡng kết hợp chăm sóc sức khỏe, du lịch homestay tại khu vực Ba Vì, Sơn Tây, Sóc Sơn… để khai thác hết tiềm năng mũi nhọn kinh tế này.

Bài viết: Bùi Minh Phương
Đồ họa: Đức Hà
Coder: Hoàng Anh

https://laodongthudo.vn/modules/frontend/themes/laodongthudo/article_media/143986/page-1.html