Từng bước phát triển toàn diện vùng dân tộc thiểu số Thủ đô

Diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 làm ảnh hưởng không nhỏ tới sản xuất, kinh doanh cũng như đời sống sinh hoạt của người dân nói chung và đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nói riêng, song tình hình kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS Hà Nội vẫn cơ bản ổn định. Đó chính là nền tảng và điểm tựa tinh thần để Hà Nội tự tin thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2021 – 2030.

Một góc vùng DTTS huyện Ba Vì.

Chủ động từ bước xây dựng kế hoạch

Với vai trò chủ trì, Ban Dân tộc thành phố Hà Nội đã phối hợp với các sở, ngành, địa phương có liên quan “chắp bút” cho Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2021 – 2030.

Trưởng ban Dân tộc thành phố Hà Nội Nguyễn Tất Vinh chia sẻ: Hà Nội có nhiều ưu thế để chủ động thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng DTTS. Thành phố hiện có khoảng 55.000 người DTTS sống quần cư ở 119 thôn thuộc 14 xã của 5 huyện Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Mỹ Đức, Chương Mỹ. Hiện nay, 100% xã vùng dân tộc, miền núi của Hà Nội đã hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới.

Một trong những thuận lợi lớn khi thực hiện chương trình này, đó là Hà Nội là địa phương tự cân đối được ngân sách, thế nên ngay sau khi Nghị quyết 88/2019/QH14 và Nghị quyết 120/2020/QH14 của Quốc hội ban hành, UBND Thành phố đã trình HĐND Thành phố tại kỳ họp cuối năm 2020 phê duyệt danh mục 69 dự án với tổng kinh phí 500 tỷ đồng để đầu tư phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi năm 2021.

Đến tháng 9-2021, Thành phố tiếp tục bổ sung 243 tỷ đồng đầu tư cho 30 dự án. Các dự án thực hiện trong năm 2021 được tích hợp vào các dự án đầu tư của Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2021 – 2030. Do đó, mặc dù Kế hoạch chưa ban hành nhưng các dự án đầu tư đã được triển khai thực hiện ngay trong năm 2021.

Cũng phải nói rằng, thành quả và kinh nghiệm tích lũy qua 5 năm thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững, chương trình xây dựng nông thôn mới và Kế hoạch 138/KH-UBND ngày 15-7-2016 về phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS Thủ đô (2016 – 2020) chính là “điểm tựa” vững chắc để Ban Dân tộc thành phố Hà Nội cùng các địa phương lập danh mục các công trình, dự án đưa vào Kế hoạch.

Thế nên đến ngày 11-11-2021, UBND Thành phố đã ban hành Kế hoạch 253/KH-UBND về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2021 – 2030 với tổng vốn đầu tư gần 2.145 tỷ đồng, trong đó, nguồn vốn xây dựng cơ bản trên 1.647 tỷ đồng. Căn cứ vào Nghị quyết 88/2019/QH14 của Quốc hội khóa XIV và đặc thù vùng đồng bào DTTS Thủ đô, Kế hoạch đề ra 9 nội dung thực hiện để phát triển toàn diện kinh tế – xã hội vùng DTTS Hà Nội. Nghị quyết 88 nêu 10 dự án, song riêng dự án “Đầu tư phát triển nhóm dân tộc rất ít người, nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn”, Hà Nội không thực hiện vì Thành phố không có đối tượng thuộc diện này.

Sát thực tế và phù hợp với điều kiện của Thủ đô

Dù dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp nhưng chỉ 1 tháng sau khi ban hành Kế hoạch 253/KH-UBND, Thành phố đã tổ chức hội nghị trực tuyến tại 41 điểm cầu để quán triệt, triển khai và giao nhiệm vụ cụ thể đến các sở, ngành, các huyện, các xã, thôn vùng DTTS. 5 huyện có đồng bào DTTS sinh sống là Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức đã tập trung, khẩn trương triển khai thực hiện kế hoạch ngay khi được Thành phố cấp kinh phí thực hiện các dự án từ nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản.

Theo thống kê của Ban Dân tộc thành phố Hà Nội, đến nay Thành phố đã bố trí 983 tỷ đồng cho 5 huyện đầu tư xây dựng các công trình thuộc lĩnh vực y tế, giáo dục, giao thông, thủy lợi… Các địa phương đã tích cực triển khai kế hoạch và giải ngân được 58% tổng vốn đã bố trí. Điển hình như huyện Ba Vì đã ban hành Kế hoạch 400/KH-UBND ngày 29-11-2021 để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS của huyện. Với 384,5 tỷ đồng bố trí cho 29 dự án (9 dự án giáo dục, 6 dự án thủy lợi, 14 dự án giao thông), tính đến thời điểm này, huyện đã giải ngân được 248,5 tỷ đồng, đạt gần 65% tổng vốn đã bố trí. Hay huyện Mỹ Đức với 159,5 tỷ đồng được bố trí cho 12 dự án (3 dự án thủy lợi, 7 dự án giao thông, 1 dự án văn hóa và 1 dự án khác), thời điểm này đã giải ngân 107 tỷ đồng, đạt 67% kế hoạch…

Dẫu vậy, nguồn lực của Thành phố mới chỉ đáp ứng được khoảng 1/3 nhu cầu các dự án đề xuất của các huyện, một số dự án đã được bố trí vốn thì lại ẩn chứa những bất cập cần điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp. Rồi các dự án từ nguồn vốn sự nghiệp mới có danh mục mà chưa có dự án được phê duyệt. Chính vì thế, tại buổi làm việc của Ủy ban Dân tộc và UBND thành phố Hà Nội với Ban Dân tộc thành phố và huyện Ba Vì mới đây (ngày 25-2-2022), rất nhiều ý kiến tâm huyết được đưa ra, gợi ý nhiều giải pháp phát triển cơ sở hạ tầng, cơ chế khuyến khích phát triển kinh tế – xã hội đặc thù, chính sách đặc thù hỗ trợ cán bộ công chức cấp xã, cán bộ người DTTS… Trong đó, nhiều ý kiến đề cập đến việc bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống; phát triển du lịch cộng đồng, du lịch tâm linh; kêu gọi, thu hút đầu tư xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất, phát triển làng nghề…

Mục tiêu mà Hà Nội đang hướng tới trên hành trình 2021-2030 là phát triển nhanh, toàn diện kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, đưa mức sống và thu nhập của người dân vùng dân tộc, miền núi sớm ngang bằng vùng nông thôn ngoại thành Hà Nội. Thế nên, đúng như Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền bày tỏ: Hà Nội sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất, bổ sung các cơ chế chính sách để triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia sao cho phù hợp với thực tiễn và điều kiện thực tế của Thủ đô, nhằm đưa các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ đi vào cuộc sống của đồng bào DTTS.

 

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh:

“Cách triển khai thực hiện chính sách dân tộc, lồng ghép nguồn lực thực hiện các chương trình, dự án của Hà Nội là kinh nghiệm quý cho các địa phương khác. Giai đoạn này, Hà Nội nên tiếp tục xác định, lựa chọn việc triển khai tổ chức thực hiện chính sách dân tộc là trọng tâm, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia là trọng điểm. Các sở, ban, ngành của Thành phố tiếp tục tăng cường phối hợp với Ban Dân tộc triển khai thực hiện Chương trình, chú trọng nâng cao vai trò, trách nhiệm, sự tham gia của người dân trong triển khai các chương trình, dự án; tăng cường biểu dương, tôn vinh những tấm gương điển hình tiên tiến, những việc làm hay; phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; xây dựng làng bản kiểu mẫu, tăng thu nhập cho bà con; phát huy vai trò của người có uy tín…”.

Nhật Minh

https://nhipsonghanoi.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/thoi-su/826396/tung-buoc-phat-trien-toan-dien-vung-dan-toc-thieu-so-thu-do