“Tuyên giáo” – cầu nối phát triển các ngành công nghiệp văn hóa quận Long Biên

Thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội, Quận ủy Long Biên đặt mục tiêu phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, trong đó đầu tư phát triển một số lĩnh vực tiềm năng như du lịch sinh thái vùng bãi, du lịch tâm linh kết hợp làng nghề và ẩm thực, công viên chuyên đề, không gian đi bộ, hình thành và phát triển trung tâm sáng tạo khởi nghiệp, thời trang…

Lan tỏa Nghị quyết của Thành ủy về phát triển công nghiệp văn hóa tới mọi tầng lớp

Thông tin trên được ông Nguyễn Thế Thạch, Trưởng ban Tuyên giáo Quận ủy Long Biên, chia sẻ tại “Hội nghị tổng kết công tác tuyên giáo Thành phố năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024” do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức, sáng 28/12/2023.

a-thach.jpg
Ông Nguyễn Thế Thạch, Trưởng ban Tuyên giáo Quận ủy Long Biên (Hà Nội) tham luận tại “Hội nghị tổng kết công tác tuyên giáo Thành phố Hà Nội năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024”.

Theo ông Nguyễn Thế Thạch, sau 20 năm thành lập, quận Long Biên đã trở thành quận có hệ thống hạ tầng được đầu tư theo quy hoạch khá đồng bộ, hiện đại, có hệ thống thương mại phát triển, các thiết chế văn hóa, di tích được tu bổ, hình thành một số lĩnh vực, ngành nghề có thế mạnh. Đồng thời, quận Long Biên có vùng bãi diện tích lớn có thể tổ chức các sự kiện du lịch văn hoá quy mô, hệ thống giáo dục được đầu tư bài bản, nhiều di tích có giá trị lịch sử văn hóa và giá trị tâm linh. Bên cạnh những thuận lợi, quận Long Biên cũng xác định còn một số hạn chế ảnh hưởng đến quá trình phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trên địa bàn.

Trên cơ sở phân tích những tiềm năng, lợi thế lẫn hạn chế, Quận ủy Long Biên đặt mục tiêu phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, trong đó tập trung đầu tư phát triển một số lĩnh vực tiềm năng như du lịch sinh thái vùng bãi, du lịch tâm linh kết hợp làng nghề và ẩm thực, công viên chuyên đề, không gian văn hóa, hình thành và phát triển trung tâm sáng tạo khởi nghiệp, thời trang… đảm bảo phát triển bền vững, trở thành những ngành kinh tế dịch vụ quan trọng, cả về quy mô, chất lượng, có giá trị đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế – xã hội của quận. Đồng thời đáp ứng nhu cầu sáng tạo, quảng bá hình ảnh, chất lượng sản phẩm phục vụ du lịch hướng vào nhu cầu thụ hưởng, tiêu dùng của người dân và khách du lịch; góp phần quảng bá hình ảnh Long Biên; xây dựng các thương hiệu sản phẩm, dịch vụ văn hóa phù hợp với thực tiễn của Quận và từng giai đoạn cụ thể.

Trên cơ sở Kế hoạch đã ban hành, Ban Tuyên giáo Quận ủy Long Biên đã tham mưu Ban Thường vụ Quận ủy chỉ đạo việc học tập, quán triệt Nghị quyết 09 – NQ/TU của Thành ủy về phát triển công nghiệp văn hoá trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 gắn với kế hoạch tổ chức thực hiện của quận tới cán bộ đảng viên và tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân bằng nhiều hình thức.

“Các kênh thông tin, tuyên truyền được triển khai đồng bộ như: đăng tải trên cổng thông tin điện tử quận, phường, trường học; Bản tin nội bộ quận, Zalo và trang Fanpage chính quyền điện tử của quận, trên hệ thống đài truyền thanh phường… Ngoài ra công tác tuyên truyền còn được triển khai tại các hội nghị tổ dân phố, công cộng trực quan gắn với thực hiện chủ để công tác năm của quận.

Qua học tập, quán triệt Nghị quyết của Thành ủy, kế hoạch của Quận ủy đã giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa, tầm quan trọng, những nội dung cơ bản, những giải pháp cụ thể của Quận ủy trong xây dựng ngành công nghiệp văn hóa đối với nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn”, Trưởng ban Tuyên giáo Quận ủy Long Biên, cho biết.

tinh-quag.jpg
Các em học sinh khối 3 tại quận Long Biên đang được nghe giảng về sự ra đời, kiến trúc độc đáo của đình Tình Quang (phường Giang Biên).

Thu về nhiều “trái ngọt”

Sau 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 09 – NQ/TU của Thành ủy, quận Long Biên đã đạt được mốt số kết quả cụ thể. Đó là đã triển khai kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cho đội ngũ công chức làm công tác văn hóa về việc thực hiện Nghị quyết 09 – NQ/TU trên địa bàn. Chỉ đạo các trường học đưa nội dung hoạt động ngoại khóa tham quan, tìm hiểu, giáo dục lịch sử truyền thống của địa phương tới các đối tượng học sinh khối 3 cấp Tiểu học và khối 6 cấp THCS với tổng số trên 1,2 vạn lượt học sinh đến tham quan tại các di tích tiêu biểu.

Quận Long Biên triển khai công tác số hóa di tích, tạo lập cơ sở dữ liệu về di sản văn hóa. Hiện nay, một số di tích lớn trên địa bàn như đền Trấn Vũ, đình chùa Lệ Mật đã triển khai gắn mã QR, ứng dụng công nghệ thực tế ảo để giới thiệu, quảng bá di tích.

Đặc biệt về phát triển một số ngành công nghiệp văn hóa, trong đó du lịch sinh thái vùng bãi, quận Long Biên đã lập xong phương án, đưa vào khai thác vùng bãi theo hướng phát triển nông nghiệp gắn với du lịch đô thị sinh thái tại các phường Long Biên, Cự Khối, Bồ Đề, Giang Biên, Phúc Lợi với tổng diện tích gần 200ha. Bên cạnh đó, các di tích được xếp hạng xuống cấp, hàng năm được quận Long Biên rà soát và đưa vào kế hoạch đầu tư, tu bổ (từ năm 2021 đến nay đã tu bổ, tôn tạo 18 di tích bằng nguồn ngân sách, đã hoàn thiện và khánh thành 11 di tích với tổng kinh phí đầu tư 254,267 tỷ đồng).

Các sản phẩm làng nghề, các tiêu chí điểm du lịch theo quy định cũng được quận Long Biên chú trọng quan tâm. Gần đây, UBND Thành phố Hà Nội đã có quyết định công nhận làng nghề Lệ Mật là điểm du lịch của Thủ đô. Địa phương này cũng tổ chức kết nối thành công sự hợp tác giữa làng nghề Lệ Mật với trại rắn Đồng Tâm – Tiền Giang trong việc hỗ trợ phát triển du lịch.

Nhiều lễ hội gắn với các sự kiện xúc tiến thương mại tại quận Long Biên được tổ chức, tạo không khí vui tươi, phấn khởi, đưa vùng đất này thành điểm đến quen thuộc của các tổ chức, doanh nghiệp tại Thành phố và cả nước, thu hút được đông đảo người dân tham dự. Hiện nay, quận Long Biên có 2 công viên lớn (công viên Long Biên, công viên Ngọc Thụy), góp phần cải tạo cảnh quan môi trường, hình thành không gian vui chơi, giải trí của người dân và là cơ sở để địa phương triển khai xây dựng các không gian văn hóa trên địa bàn.

u1.jpg
Trình diễn nghệ thuật cồng chiêng Tây Nguyên tại Nhà máy xe lửa Gia Lâm (quận Long Biên) trong Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023.

“Chúng tôi cũng đã tích cực, chủ động tham gia tổ chức “Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023” từ việc lên ý tưởng tới triển khai thực hiện, với nhiều hoạt động đa dạng phong phú thu hút hơn 20 vạn lượt khách tham quan.

Quận Long Biên phối hợp với Hội Di sản văn hóa, Sở Văn hóa – Thể thao Hà Nội tổ chức Liên hoan, trình diễn di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại nghi lễ và trò chơi kéo co 2023, với sự tham dự và giao lưu của các tỉnh bạn như Lào Cai, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh; huyện Sóc Sơn, huyện Phú Xuyên, đặc biệt sự có mặt và tham dự của Đội kéo co Hàn Quốc. Triển khai và nhân rộng mô hình “con đường bích họa”, “tuyến đê bích họa” trên địa bàn quận, được nhân dân và các đơn vị, tổ chức trên địa bàn ủng hộ và nhiệt tình tham gia, tạo điểm nhấn cảnh quan trong dịp kỷ niệm 20 năm thành lập quận Long Biên.

Các hoạt động nêu trên được hệ thống tuyên giáo bám sát và tuyên truyền kịp thời hàng ngày. Đây thực sự là cách tuyên truyền hiệu quả, thuyết phục nhất, góp phần nâng cao nhận thức nhanh nhất, bởi đó là những sản phẩm rất cụ thể, lợi ích đem lại rất rõ nét”, Trưởng ban Tuyên giáo Quận ủy Long Biên Nguyễn Thế Thạch, chia sẻ.

Chúng tôi xác định, công tác tuyên truyền cần phải tiếp tục bám sát các chỉ tiêu nhiệm vụ đã đề ra, theo sát từng diễn biến, những kết quả đạt được, chú trọng tuyên truyền những mô hình hay, cách làm mới sáng tạo hiệu quả, những tập thể cá nhân điển hình trong thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TU của Thành ủy góp phần thực hiện có hiệu quả chủ trương lớn của Thành phố trong thời gian tới.

Trưởng ban Tuyên giáo Quận ủy Long Biên Nguyễn Thế Thạch

Quỳnh Chi

“Bí kíp” của quận Long Biên phát triển các ngành công nghiệp văn hóa (nguoihanoi.vn)