Tuyên giáo Thủ đô đóng góp quan trọng vào sự phát triển của Thành phố

 Hòa chung những kết quả Ngành Tuyên giáo của Đảng, trong những năm qua, hệ thống tuyên giáo Thủ đô đã tham mưu, chỉ đạo, phối hợp tổ chức tốt các nhiệm vụ được giao. Điều này góp phần tạo sự thống nhất cao trong toàn Đảng bộ, sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân và tạo tiền đề quan trọng đưa nghị quyết vào cuộc sống, góp phần tạo động lực xây dựng, phát triển Thủ đô và đất nước.

Những chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng

Tháng 3/1929, Chi bộ Cộng sản đầu tiên được thành lập ở Hà Nội và tháng 6/1930, Thành ủy Hà Nội chính thức ra đời. Thực hiện chủ trương của Xứ ủy Bắc kỳ, Thành ủy Hà Nội đã tổ chức Đội tuyên truyền xung phong nhằm tuyên truyền, giáo dục lý tưởng cách mạng của Đảng trong các tầng lớp Nhân dân. Đây chính là tổ chức tiền thân của Ban Tuyên giáo Thành ủy sau này.

Hệ thống Tuyên giáo đóng góp quan trọng vào sự phát triển Thủ đô
Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tham mưu và phối hợp tổ chức tốt Hội nghị trực tuyến toàn Thành phố học tập, quán triệt và triển khai thực hiện 10 Chương trình công tác toàn khóa của Thành ủy

Đến ngày 3/3/1949, Thành ủy ra Nghị quyết số 18/NQ/TU tách Ban Tuyên huấn ra khỏi Ban Đảng vụ. Từ đó, ngày 3/3/1949 đi vào lịch sử, đánh dấu sự ra đời của cơ quan Tuyên huấn, nay là Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội.

Dù trải qua các giai đoạn cách mạng, những năm tháng chiến tranh của đất nước và nhiều lần tách hợp, đổi tên nhưng các cán bộ tuyên giáo của Đảng bộ thành phố Hà Nội vẫn luôn phát huy phẩm chất cách mạng, trung thành với Đảng, tận tụy với Nhân dân; Đồng thời, luôn bám sát nhiệm vụ chính trị từng thời kỳ để tuyên truyền, vận động, giác ngộ quần chúng đi theo sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc mà Đảng, Bác Hồ đã lựa chọn.

Từ năm 2001 – 7/2008, đất nước bước vào vận hội và thách thức mới về mặt kinh tế – xã hội, trong đó công tác chính trị tư tưởng có vai trò quan trọng. Ban Tuyên giáo Thành ủy, đã tiếp tục quán triệt sâu sắc phương hướng “Giữ vững và tăng cường bản chất giai cấp công nhân của Đảng; Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”. Qua đó, góp phần tạo sự thống nhất cao trong Đảng bộ, sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân Thủ đô. Đó là cơ sở để các cấp, các ngành thực hiện những nhiệm vụ về mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên các lĩnh vực sao cho ngang tầm với nhiệm vụ cách mạng, phấn đấu thực hiện thắng lợi mục tiêu do Đảng đề ra.

Hệ thống Tuyên giáo đóng góp quan trọng vào sự phát triển Thủ đô
Công tác tuyên truyền đóng góp quan trọng vào việc tổ chức thành công cuộc bầu cử trên địa bàn Thủ đô

Đặc biệt, trong 10 năm gần đây, kể từ dấu mốc Hà Nội điều chỉnh địa giới hành chính theo Nghị quyết số 15/2008/QH12 của Quốc hội Khóa XII (từ năm 2008 – 2018), Ban Tuyên giáo Thành ủy đã đạt được nhiều kết quả nổi bật.

Theo đó, Ban Tuyên giáo Thành ủy đã tham mưu giúp Ban Thường vụ Thành ủy đổi mới việc tổ chức, quán triệt các nghị quyết, chỉ thị của Đảng. Làm tốt công tác tham mưu nhằm đẩy mạnh và đưa nội dung học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI, XII) trở thành công việc thường xuyên, nền nếp.

Ban Tuyên giáo các cấp của Thành phố đã chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, quận, huyện tổ chức tuyên truyền sâu rộng, có hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội Thủ đô…

Hệ thống Tuyên giáo Thủ đô cũng kịp thời nắm bắt tình hình dư luận về các vấn đề liên quan đến các chủ trương, chính sách lớn cũng như các vấn đề đột xuất phát sinh trên địa bàn Thành phố. Các cán bộ Tuyên giáo Thủ đô nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của đảng viên và nhân dân; Định hướng tư tưởng, hướng dẫn dư luận; Xử lý hiệu quả những vấn đề phức tạp nảy sinh; Đấu tranh, đẩy lùi mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, góp phần mang lại sự bình yên cho Thủ đô ngàn năm văn hiến…

Đáng chú ý, trong thời gian dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống, hệ thống tuyên giáo từ Thành phố đến cơ sở đã tích cực tham mưu cấp ủy, chính quyền đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh.

Các hình thức tuyên truyền được triển khai sáng tạo, đồng bộ, từ hệ thống loa truyền thanh, tuyên truyền lưu động, cổng thông tin điện tử, Zalo, fanpage, tọa đàm… đến các cơ quan báo chí Thành phố đã tăng cường số lượng, chất lượng tin bài để giúp người dân nhận thức đúng về sự nguy hiểm của dịch bệnh và nâng cao ý thức phòng, chống. Nhờ vậy Thủ đô đã từng bước kiểm soát, thích ứng an toàn, linh hoạt với tình hình dịch bệnh để bắt đầu trạng thái bình thường mới; góp phần thực hiện “mục tiêu kép” vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế – xã hội; giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Hệ thống Tuyên giáo đóng góp quan trọng vào sự phát triển Thủ đô
Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Bùi Huyền Mai trao tặng Giấy khen cho các tập thể có thành tích trong công tác tuyên truyền cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026

Bên cạnh đó, hệ thống Tuyên giáo Thủ đô đã chủ động thông tin, tuyên truyền và triển khai thực hiện học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ Thành phố và Đại hội XIII của Đảng đến 100% cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên với nhiều hình thức, linh hoạt theo tình hình dịch Covid-19; chủ động triển khai bài bản, hiệu quả công việc, nắm chắc tình hình, tăng cường các biện pháp đấu tranh, ngăn chặn và xử lý có hiệu quả những thông tin xấu độc trên không gian mạng… đóng góp quan trọng vào việc tổ chức thành công cuộc bầu cử trên địa bàn Thủ đô.

Chủ động triển khai bài bản, hiệu quả các nhiệm vụ

Theo báo cáo của Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, từ đầu năm 2022 đến nay, ngành Tuyên giáo tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò của mình trong hệ thống chính trị Thủ đô, triển khai hiệu quả trên các mặt công tác; đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số để đáp ứng với hoạt động tuyên giáo trong tình hình mới.

Xác định năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch 5 năm 2021-2025 theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội… Phát huy những thành tích đã đạt được, bám sát các nhiệm vụ và tình hình thực tiễn, trong những tháng cuối năm 2022, công tác Tuyên giáo Hà Nội sẽ tập trung vào 12 nhóm nhiệm vụ trọng tâm.

Trong đó, tăng cường công tác tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19; thông tin, tuyên truyền triển khai các đề án, nghị quyết, chuyên đề xây dựng Đảng về chính trị tư tưởng, cụ thể hóa nội dung Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ Thành phố và 10 chương trình công tác toàn khóa của Thành ủy.

Đồng thời, tiếp tục tham mưu chỉ đạo tổ chức hoạt động tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn, sự kiện chính trị quan trọng và thực hiện 2 Quy tắc ứng xử gắn với đẩy mạnh tuyên truyền các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội và nhiệm vụ chính trị. Tiếp tục triển khai Kết luận số 01-KL/TƯ ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TƯ ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Hệ thống Tuyên giáo đóng góp quan trọng vào sự phát triển Thủ đô
Công tác Tuyên giáo có đóng góp quan trọng trong hành trình xây dựng, phát triển Thủ đô và đất nước

Ngay sau khi Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được ban hành, ngành Tuyên giáo Thủ đô đã chủ động làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, quán triệt việc thực hiện một cách đồng bộ, thực chất, hiệu quả.

Đặc biệt, trong sáng nay (1/8), nhân kỷ niệm 92 năm ngành tuyên giáo của Đảng (1/8/1930 – 1/8/2022), Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội sẽ tổ chức Lễ phát động Hội thi tìm hiểu Nghị quyết này. Hội thi được tổ chức trực tiếp kết hợp với trực tuyến để Nghị quyết lan tỏa đến mọi người dân Thủ đô, sớm đi vào cuộc sống, góp phần tạo động lực xây dựng, phát triển Thủ đô và đất nước.

Dẫu trước mắt còn nhiều thử thách, song với tinh thần chủ động, đoàn kết, trách nhiệm, sáng tạo, ngành Tuyên giáo Thủ đô sẽ tiếp tục gặt hái thêm nhiều thắng lợi mới, ngày càng khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của mình, đóng góp nhiều hơn nữa vào công cuộc xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.

Trong quá trình xây dựng, phát triển và trưởng thành, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội đã được tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Lao động hạng Ba và nhiều phần thưởng cao quý khác của Đảng, Nhà nước, Thành phố trao tặng.
Hoàng Phúc