Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương trả lời báo chí tại Lễ phát động Chiến dịch truyền thông phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới. |
Lý giải thêm về việc chuyển đổi thông điệp phòng, chống dịch mới, ông Nguyễn Đình Anh, Vụ trưởng Vụ Truyền thông và Thi đua, khen thưởng, Bộ Y tế chia sẻ, thông điệp 5K (khẩu trang-khử khuẩn-khoảng cách-không tụ tập-khai báo y tế) được Bộ Y tế đưa ra từ giai đoạn đầu đại dịch Covid-19 bùng phát là một trong những giải pháp truyền thông hữu hiệu, giúp tình hình dịch Covid-19 nhanh chóng được kiểm soát.
Việt Nam đang bước vào giai đoạn mới “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” nhưng thời gian gần đây, cả nước vẫn ghi nhận trung bình hơn 2.000 ca mắc mới mỗi ngày. Nhiều địa phương đã ghi nhận các ca mắc các biến thể mới của Omicron với khả năng lây nhanh hơn biến chủng gốc. Các biến thể phụ mới xuất hiện được cơ quan chức năng theo dõi, đánh giá và phối hợp với các tổ chức quốc tế kiểm soát hiệu quả, thường xuyên đánh giá nguy cơ.
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Việt Nam là một trong số những quốc gia có số liều vắc xin được sử dụng và tỷ lệ tiêm chủng cao trên thế giới, góp phần hiệu quả trong việc hạn chế sự lây nhiễm trong cộng đồng, giảm nguy cơ mắc bệnh nặng và tử vong do Covid-19.
“Từ thực tế trên, khi chúng ta kiểm soát được dịch bệnh, tỷ lệ tiêm vắc xin tăng lên và chuyển sang trạng thái thích ứng, an toàn, linh hoạt, tập trung phát triển kinh tế-xã hội, đòi hỏi phải điều chỉnh các biện pháp cho phù hợp, linh hoạt, do vậy, các biện pháp khoảng cách, không tụ tập và khai báo y tế thời điểm này không còn phù hợp”- ông Nguyễn Đình Anh phân tích.
Mùa đông sắp đến, nguy cơ các bệnh đường hô hấp bùng phát, trong đó có dịch Covid-19 nên để ứng phó với dịch bệnh trong tình hình mới, Bộ Y tế triển khai chiến dịch truyền thông 2K+vắc xin+thuốc+điều trị+công nghệ+ý thức người dân và các biện pháp khác nhằm bảo vệ sức khỏe người dân.
“Trong trường hợp xuất hiện biến chủng mới của vi rút SARS-CoV-2 nguy hiểm, dịch lây lan mạnh trên diện rộng, vượt qua khả năng đáp ứng của ngành Y tế: Đề xuất tiếp tục sử dụng thông điệp 5K và các biện pháp khác, như: Vắc xin+thuốc+điều trị+công nghệ+ý thức người dân”, Vụ trưởng Vụ Truyền thông và Thi đua, khen thưởng Nguyễn Đình Anh thông tin thêm.
Nhân viên y tế khám sàng lọc sức khoẻ cho học sinh trước khi tiêm vắc xin phòng Covid-19. |
Cũng theo Vụ trưởng Vụ Truyền thông và Thi đua, khen thưởng Bộ Y tế, thời gian qua, Bộ Y tế đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, yêu cầu các đơn vị trong và ngoài ngành Y tế cần quán triệt thực hiện quan điểm tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, không để dịch bùng phát trở lại.
Đối với thông điệp mới trong phòng chống dịch này, Bộ Y tế mong muốn cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể tại Trung ương và địa phương tăng cường chỉ đạo tổ chức hưởng ứng Chiến dịch “Vì một Việt Nam vững vàng và khỏe mạnh” với thông điệp 2K+ để tăng cường hiệu quả công tác truyền thông phòng, chống dịch giúp người dân nâng cao ý thức phòng dịch, chủ động thực hiện các hành vi có lợi cho sức khỏe.
Việc mỗi người dân cần tuân thủ các biện pháp đeo khẩu trang, khử khuẩn mà ngành Y tế đã khuyến cáo không chỉ góp phần phòng chống Covid-19 mà còn giảm nguy cơ mắc các bệnh về đường hô hấp khác nhất là giai đoạn chuyển mùa như hiện nay.
Cùng đó, các chuyên gia y tế cũng khuyến cáo người dân đi tiêm vắc xin phòng Covid-19 mũi 3, mũi 4 cho các đối tượng theo hướng dẫn của Bộ Y tế; cha mẹ, người giám hộ tích cực đưa con em mình đi tiêm vắc xin đủ 2 liều cơ bản cho trẻ trong độ tuổi từ 5 – dưới 12 để bảo vệ trẻ đến trường, vui chơi an toàn.
“Chúng tôi cho rằng, việc mỗi người dân tuân thủ thực hiện thông điệp phòng chống dịch của Bộ Y tế không chỉ bảo vệ sức khoẻ của bản thân mà còn bảo vệ sức khoẻ của gia đình và cả cộng đồng để chúng ta cùng nhau sống an toàn trong đại dịch”- Vụ trưởng Vụ Truyền thông và Thi đua, khen thưởng Bộ Y tế cho biết thêm.