Ứng dụng công nghệ thông tin, công khai, minh bạch trong đấu giá tài sản

Đảm bảo công khai, minh bạch, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong đấu giá tài sản (ĐGTS)… là các vấn đề lớn được đưa ra tại phiên họp thẩm định Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật ĐGTS, do Bộ Tư pháp vừa tổ chức.

Người tham gia đấu giá có thể xem tài sản qua mạng

Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp, Bộ Tư pháp Lê Xuân Hồng cho biết, trong quá trình soạn thảo và lấy ý kiến đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật ĐGTS, về cơ bản các ý kiến đều nhất trí với sự cần thiết ban hành và những nội dung chính của dự án Luật.

Tuy nhiên, trong trường hợp người có tài sản lựa chọn hình thức trực tuyến để tổ chức ĐGTS công thì còn ý kiến khác nhau. Có ý kiến cho rằng, khi lựa chọn hình thức đấu giá trực tuyến để đấu giá tất cả các loại tài sản (gồm tài sản công, tài sản thi hành án, tài sản giao dịch bảo đảm và tài sản thuộc sở hữu của cá nhân, tổ chức) thì tổ chức ĐGTS có thể lựa chọn sử dụng Trang thông tin đấu giá trực tuyến quốc gia hoặc Trang thông tin đấu giá trực tuyến của các tổ chức ĐGTS để thực hiện việc đấu giá.

Ứng dụng công nghệ thông tin, công khai, minh bạch trong đấu giá tài sản
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng chủ trì phiên họp thẩm định.

Bên cạnh đó, ý kiến khác lại cho rằng, khi lựa chọn hình thức đấu giá trực tuyến để đấu giá đối với tài sản công thì tổ chức ĐGTS phải sử dụng Trang thông tin đấu giá trực tuyến quốc gia (thuộc Cổng thông tin ĐGTS quốc gia) để tổ chức việc đấu giá.

Phát biểu tại cuộc họp, ông Vũ Văn Mạnh, Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ băn khoăn nếu vận hành thống nhất Cổng Thông tin ĐGTS quốc gia thì các Trang Thông tin đấu giá trực tuyến của các tổ chức ĐGTS có còn hoạt động?

Theo Cục trưởng Cục Bổ trợ Tư pháp Lê Xuân Hồng, Cổng Thông tin ĐGTS quốc gia đã được vận hành từ năm 2020, nhiều tổ chức ĐGTS đã đăng tải thông báo lên Cổng. Dự thảo Luật chỉ bổ sung quy định tích hợp hình thức đấu giá trực tuyến vào Cổng và đăng thông báo công khai về đấu giá nên không ảnh hưởng tới việc vận hành của Cổng, sẽ không gây chậm trễ trong việc đăng thông báo. Hiện nay, Bộ Tư pháp đang xây dựng Đề án để nâng cấp Cổng, trong đó có thể quy định thêm về việc bán hồ sơ trực tuyến qua Cổng và người tham gia đấu giá có thể xem tài sản qua mạng.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số

Đại diện Trung tâm dịch vụ ĐGTS Hà Nội góp ý, hiện nay tất cả các hình thức đấu giá đều phải có giá khởi điểm, nếu chưa xác định được giá khởi điểm thì không thể thực hiện đấu giá. Do đó, quy định tại Khoản 1 Điều 39 về “trường hợp chưa xác định được giá khởi điểm của tài sản đấu giá hoặc giá khởi điểm của tài sản đấu giá không xác định bằng tiền thì tiền đặt trước được xác định theo quy định của pháp luật chuyên ngành áp dụng đối với loại tài sản đó” cần phải nghiên cứu, cân nhắc thêm…

Ứng dụng công nghệ thông tin, công khai, minh bạch trong đấu giá tài sản
Website Cổng thông tin điện tử quốc gia về đấu giá tài sản.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng đồng tình với hướng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong ĐGTS, và lưu ý cần đưa vào Luật sửa đổi những nội dụng chọn lọc, thật sự cần thiết sửa đổi để khắc phục được 5 nhóm hạn chế được nêu ra tại dự thảo Tờ trình, đặc biệt là tình trạng thông đồng, dìm giá.

Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp, thực tế cho thấy việc bán hồ sơ đấu giá hiện nay còn rất nhiều vấn đề nhằm hạn chế quyền của người tham gia đấu giá; việc niêm yết thông báo đấu giá thời gian còn ngắn, chưa hiệu quả, do vậy nếu việc bán hồ sơ qua mạng giúp giúp tăng tính minh bạch thì hoàn toàn có thể quy định.

Cũng liên quan đến Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật ĐGTS, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), sau khi tham vấn doanh nghiệp và chuyên gia, vừa góp ý vào dự thảo Luật này.

Theo VCCI, Báo cáo tổng kết thi hành Luật hiện chưa làm rõ tác động tích cực của việc thực hiện Luật ĐGTS. Vì vậy, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung một số thông tin như số lượng, tổng giá trị tài sản đã được đấu giá trong 5 năm qua, chia theo các loại tài sản (công sản, thi hành án dân sự, quyền sử dụng đất, giao dịch bảo đảm, phá sản, khoáng sản…), và tỷ lệ số tiền trúng đấu giá vượt giá khởi điểm như thế nào…

Bên cạnh đó, theo VCCI, hiện nay, trong trường hợp đấu giá không thành thì mỗi loại tài sản có cách xử lý khác nhau. Đối với tài sản thi hành án, Điều 104.5 của Luật Thi hành án dân sự cho phép mỗi lần đấu giá sau sẽ được giảm giá không quá 10% giá khởi điểm của lần đấu giá trước đó.

Trong khi đó, các loại tài sản khác lại không được áp dụng cơ chế này mà vẫn phải đấu giá lại với giá khởi điểm giữ nguyên. Điều này có thể khiến việc xử lý tài sản này kéo dài mà không hiệu quả. Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo tổng kết kinh nghiệm của việc giảm giá 10% của tài sản thi hành án, nếu phù hợp có thể áp dụng rộng rãi cho các loại tài sản khác…

Theo Bộ Tư pháp, sau hơn 5 năm triển khai thực hiện, Luật ĐGTS (ĐGTS) đã đạt nhiều kết quả cụ thể, nâng cao tính công khai, minh bạch, hiệu quả trong việc xử lý tài sản, đặc biệt là tài sản công. Số lượng các cuộc ĐGTS ngày càng tăng, nhiều cuộc đấu giá được tổ chức thành công với giá trị tài sản bán được cao hơn nhiều lần so với giá khởi điểm, nộp ngân sách nhà nước đạt giá trị lớn; các hình thức đấu giá được áp dụng phong phú, đa dạng… Hiện nay, cả nước có gần 600 doanh nghiệp ĐGTS, trong đó có 58 Trung tâm dịch vụ ĐGTS tại các tỉnh, thành phố.

 

Phương Thảo
https://laodongthudo.vn/ung-dung-cong-nghe-thong-tin-cong-khai-minh-bach-trong-dau-gia-tai-san-157774.html