Ứng xử đẹp với di tích và danh lam thắng cảnh

Việc xây dựng văn hóa ứng xử văn minh tại các di tích, danh lam thắng cảnh góp phần thể hiện sự trân trọng với các di sản và đưa các di tích, danh lam trở thành điểm đến hấp dẫn.

Hà Nội là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng di tích có trên địa bàn. Cụ thể, toàn thành phố Hà Nội hiện có 5.922 di tích được kiểm kê; trong đó có 1 di sản văn hóa thế giới, 21 cụm di tích quốc gia đặc biệt, 1.160 di tích quốc gia, 1.456 di tích cấp thành phố. Nổi tiếng với nhiều di tích danh thắng.

Tuy nhiên, cái đẹp đó chưa thể trọn vẹn khi ở đâu đó vẫn còn xảy ra tình trạng di tích bị xâm hại bởi những hành vi thiếu ý thức của một bộ phận người dân, khách tham quan như việc viết, vẽ, khắc bậy lên di tích; ăn mặc hở hang, không phù hợp khi đến các di tích có tính tôn nghiêm như đình, chùa; văng tục chửi bậy; sẵn sàng gây gổ đánh nhau; chen lấn, không xếp hàng; xả rác bừa bãi tại các điểm tham quan, du lịch…

Ứng xử đẹp với di tích và danh lam thắng cảnh
Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Nội tổ chức Tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm triển khai mô hình “Danh lam thắng cảnh/Di tích lịch sử kiểu mẫu” trong thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng. (Ảnh: Thanh Thanh)

Các hành vi này không chỉ gây mất mỹ quan, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến giá trị của các di tích, cảnh đẹp, gây lãng phí tài sản văn hóa quý giá. Với di sản được kiến tạo tự nhiên, hành vi phá hoại của con người mang lại hậu quả vô cùng nặng nề, vì khả năng hồi phục nguyên trạng cho di sản là rất khó, hoặc không thể.

Tại Tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm triển khai mô hình “Danh lam thắng cảnh/Di tích lịch sử kiểu mẫu” trong thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng, do Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Hà Nội tổ chức sáng nay (16/5), bà Phạm Thị Thanh Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội cho biết, tại Thủ đô Hà Nội, sau 5 năm triển khai thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố gắn với xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh đã và đang mang đến những thay đổi rõ nét.

Thông điệp về văn hóa ứng xử được lan tỏa mọi lúc, mọi nơi, góp phần đẩy lùi những hành vi ứng xử thiếu văn hóa; đồng thời, khích lệ sự ra đời ngày càng nhiều những việc làm vì đời sống văn hóa cộng đồng, trong đó có việc ươm mầm, nhân rộng các mô hình điểm từ thành phố tới cơ sở.

Mô hình điểm “Danh lam thắng cảnh/Di tích lịch sử kiểu mẫu” được triển khai thí điểm tại một số địa điểm như: Khu di tích Đền – Chùa Bà Tấm, Đền Gióng, Làng Gốm Bát Tràng (huyện Gia Lâm); Khu Di tích Đền Sóc và Tượng đài Thánh Gióng (huyện Sóc Sơn); Đền Cổ Loa (huyện Đông Anh); Đền Nội Bình Đà (Thanh Oai).

Bên cạnh đó, nhiều đơn vị, các cơ sở Hội trực thuộc đã chủ động nghiên cứu, triển khai, ra mắt mô hình tại địa bàn như: Thanh Trì (Chùa Hưng Long, Chùa Linh Quang); Hoài Đức (Chùa Hưng Phúc); Đan Phượng (Đền thờ Tô Hiến Thành; Chùa Đôi Hồi).

Ứng xử đẹp với di tích và danh lam thắng cảnh
Hà Nội là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng di tích. (Ảnh: Thanh Thanh)

Sau quá trình triển khai thực hiện mô hình điểm (từ tháng 12/2022 đến tháng 6/2023), Hội LHPN thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị tọa đàm nhằm đánh giá lại kết quả, những thuận lơi, khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện điểm tại 2 huyện cũng như tìm ra những giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện trong thời gian tới.

Chia sẻ kinh nghiệm thực tế về triển khai mô hình, Ban Quản lý di tích Đền – Chùa Bà Tấm cho biết, Ban Quản lý cùng với Hội LHPN xã đã triển khai một số mô hình đặt tại khu di tích như thùng rác phân loại với câu slogan nhắc nhở khách viết trên thùng rác; giỏ hoa tái chế từ các can nhựa đã qua sử dụng với thông điệp vì môi trường xanh. Cán bộ, hội viên phụ nữ cũng thường xuyên lao động dọn dẹp làm sạch khu di tích.

Phía ngoài cổng tam quan, Ban Quản lý di tích cho in và treo biển Quy tắc ứng xử nơi công cộng nhằm từng bước xây dựng và hình thành những chuẩn mực văn hóa của cá nhân khi đến tham quan hoặc kinh doanh lại khu di tích, điểm du lịch. Hội LHPN xã phân công 5 cán bộ, hội viên là hướng dẫn viên tại di tích, hỗ trợ phục vụ các đoàn tham quan khi có nhu cầu nghe giới thiệu thuyết minh về di tích.

Ứng xử đẹp với di tích và danh lam thắng cảnh
Sau 5 năm triển khai thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố gắn với xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh đã và đang mang đến những thay đổi rõ nét. (Ảnh: Thanh Thanh)

Còn đại diện Hội LHPN huyện Thanh Trì chia sẻ, trên cơ sở rà soát thực trạng các khu Di tích lịch sử được xếp hạng quốc gia trên địa bàn huyện Thanh Trì, được sự nhất trí của Thường trực Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện, Hội LHPN huyện đã cho ra mắt một số công trình kiểu mẫu tại các điểm di tích. Đồng thời vận động hội viên tham gia 10 đợt tổng dọn vệ sinh, trồng và chăm sóc cây xanh, hoa cây cảnh tại khu di tích; vận động các hộ dân kinh doanh xung quanh khu di tích thực hiện các nội dung quy tắc ứng xử nơi công cộng.

Ủy ban nhân dân huyện Gia Lâm cho rằng, cần tuyên truyền sâu rộng hơn nữa để việc thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng gắn với thực hiện nếp sống văn minh trong quản lý di tích và lễ hội, trở thành thói quen, thành nếp sống của mỗi người dân, du khách khi đến di tích, lễ hội. Bảng quy tắc ứng xử nơi công cộng, nội quy, quy định dành cho nhân dân, du khách đến tham quan đều được đặt ở nơi dễ nhìn, dễ thấy giúp thực hiện tốt, góp phần giữ gìn văn hóa, thực hiện nếp sống văn minh tại di tích…

Đồng thời, các đại biểu cũng đề xuất các giải pháp như: Tuyên truyền, vận động các hộ kinh doanh tại di tích, danh lam thắng cảnh thực hiện tốt quy tắc ứng xử nơi công cộng; tổ chức ra quân vệ sinh môi trường, thu gom rác thải sau lễ hội; tăng cường bảo đảm an ninh, trật tự tại lễ hội, di tích; tổ chức thêm nhiều hoạt động trải nghiệm để người dân, du khách tham quan hiểu hơn về di tích…

Bảo Thoa

Ứng xử đẹp với di tích và danh lam thắng cảnh (laodongthudo.vn)