Ứng xử nơi công cộng: Lan tỏa nét đẹp văn hóa người Hà Nội

Xây dựng văn hóa người Hà Nội là một chủ trương lớn được UBND Thành phố Hà Nội quan tâm đẩy mạnh thực hiện trong nhiều năm qua, và thể hiện rõ nét qua bộ Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn Thành phố được ban hành từ năm 2017.

Chẳng thơm cũng thể hoa nhài

Sau gần 7 năm triển khai thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng, việc xây dựng nếp sống văn hóa của người dân Thủ đô đã có nhiều chuyển biến tích cực. Nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo nhằm đưa văn hóa ứng xử vào trong đời sống cộng đồng dân cư đã xuất hiện, được nhân rộng. Những mô hình, cách làm hay được thực hiện từ tổ dân phố, khu dân cư đã giữ vai trò quan trọng trong phát huy sức mạnh của nhân dân tham gia xây dựng và lan toả nét đẹp trong văn hóa ứng xử văn minh, thanh lịch của người Tràng An.

Phó Giám đốc Sở Nội vụ Đinh Mạnh Hùng cho biết, thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn Thành phố góp phần bồi đắp thêm nét thanh lịch, văn minh và hồn cốt văn hoá của người Tràng An – Hà Nội.

Còn theo Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình (Sở VHTT Hà Nội) Bùi Minh Hoàng, qua các đợt kiểm tra, công tác tuyên truyền, vận động, nhân rộng mô hình đã trở thành những hình thức hữu hiệu trong thực hiện hệ thống Quy tắc ứng xử nơi công cộng với mục tiêu phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; góp phần tạo chuyển biến tích cực trong thói quen sinh hoạt của người dân Thủ đô.

Theo báo cáo của UBND quận Cầu Giấy, người dân đã tích cực giữ gìn và tham gia bảo vệ các công trình công cộng, đóng góp phát huy giá trị các công trình văn hóa công cộng, di tích lịch sử cũng như có ý thức gìn giữ vệ sinh môi trường, cảnh quan đô thị. Các tầng lớp nhân dân trên địa bàn quận tích cực thực hiện nếp sống văn minh đô thị, trật tự an toàn giao thông. Thông qua quá trình thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng góp phần quan trọng trong việc thực hiện Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Đặc biệt, 100% các trường khối giáo dục đã thực hiện lồng ghép việc tuyên truyền Quy tắc ứng xử nơi công cộng tới giáo viên, học sinh thông qua các tiết học ngoại khóa, các buổi sinh hoạt của toàn trường, các cuộc thi, sinh hoạt chuyên đề cho học sinh.

Lan toả sâu rộng những “bông hoa đẹp” về quy tắc ứng xử

Bên cạnh công tác triển khai, đánh giá, kiểm tra, giám sát các địa phương thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng của Thành phố, thời gian qua, Sở Văn hoá và Thể thao rất quan tâm tới công tác biểu dương, khen thưởng các tập thể và cá nhân thực hiện tốt Quy tắc ứng xử.

z4886617469795_7f56ec2a97b9ccb7bd85db85cf126828.jpg
Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình (Sở VHTT Hà Nội) Bùi Minh Hoàng tham dự Hội nghị và trao thưởng cho các cá nhân thực hiện tốt Quy tắc ứng xử của huyện Đông Anh

Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình (Sở VHTT Hà Nội) Bùi Minh Hoàng đề nghị, công tác kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện 02 bộ Quy tắc ứng xử của Thành phố nhằm phát hiện và tuyên truyền những mô hình hay, cách làm sáng tạo trong triển khai từ thực tiễn của cơ sở. Các đơn vị cần quan tâm tới công tác thi đua, khen thưởng để kịp thời động viên, khích lệ các cá nhân và tập thể thực hiện tốt hơn nữa bộ Quy tắc ứng xử của Thành phố.

Huyện Đông Anh là một trong những điểm sáng về thực hiện Quy tắc ứng xử của Thành phố trong đó có Quy tắc ứng xử nơi công cộng. Để đạt được những kết quả đáng khích lệ đó, một phần nhờ vào việc huyện thường xuyên quan tâm tới việc tuyên dương các tập thể và cá nhân tiêu biểu trong quá trình triển khai thực hiện nhằm lan toả các phong trào thi đua sâu rộng trong cộng đồng dân cư trên địa bàn huyện.

Theo báo cáo sơ kết 05 năm thực hiện Quy tắc ứng xử và Đề án Văn hoá công vụ trên địa bàn huyện Đông Anh từ 2019 đến nay, UBND huyện, Hội đồng Thi đua – Khen thưởng huyện Đông Anh đã đề xuất Hội đồng Thi đua – Khen thưởng thành phố Hà Nội tặng Bằng khen cho 05 tập thể, 07 cá nhân của huyện Đông Anh có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thi đua thực hiện văn hóa công sở và nơi công cộng”. Hàng năm, UBND huyện Đông Anh trong đánh giá, tổng kết công tác thi đua đều đưa tiêu chí về thực hiện Quy tắc ứng xử và Đề án Văn hoá công vụ trong tiêu chí bình xét các tập thể lao động xuất sắc, tập thể lao động tiên tiến, các cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động chuyên môn, cá nhân đạt danh hiệu Chiến sỹ thi đua cơ sở.

Trong thời gian tới, huyện Đông Anh tiếp tục xây dựng các mô hình cụ thể để tập trung tổ chức thực hiện, phổ biến và nhân rộng, tạo điểm nhấn, sức lan tỏa. Quan tâm xây dựng các điển hình cá nhân tiêu biểu, tạo sức thuyết phục của phong trào thi đua đến đông đảo cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Bên cạnh đó, huyện luôn coi trọng việc đánh giá sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm, biểu dương, khen thưởng kịp thời đối với các gương điển hình tiêu biểu trong thực hiện Quy tắc ứng xử với các hoạt động khác trên địa bàn huyện.

Ly Ly

Ứng xử nơi công cộng: Lan tỏa nét đẹp văn hóa người Hà Nội (nguoihanoi.vn)