Nhân lên niềm tự hào về Hà Nội
Sáng 13/7, gia đình bà Nguyễn Thị Hương 68 tuổi ở phường Kim Mã, quận Ba Đình, Hà Nội đã có mặt từ sáng sớm tại lễ mít tinh kỉ niệm Hà Nội 20 năm Thành phố vì hòa bình. 6 người trong gia đình bà mặc đẹp, trên tay cầm những cành hoa tươi thắm để chúc mừng Hà Nội. Bà Hương chia sẻ: “Tôi cảm thấy vô cùng tự hào khi được sinh ra và lớn lên tại Thủ đô ngàn năm văn hiến. Hôm nay, tôi cùng các con, các cháu của mình tham dự buổi lễ với lòng biết ơn, tự hào vô cùng. Tôi hi vọng rằng mình sẽ lan tỏa được tình yêu, lan tỏa được những việc làm có ích để xây dựng Hà Nội thực sự văn minh, thanh lịch”.
Dưới cái nắng nóng của những ngày tháng 7, không chỉ có gia đình bà Hương mà rất nhiều người dân Hà Nội khác cũng háo hức có mặt ở khu vực hồ Hoàn Kiếm để chào mừng ngày kỉ niệm Thành phố vì hòa bình. Hòa nhập vào không khí nơi đây, không khó để có thể nhận thấy tiếng nói cười rộn ràng của nhiều miền đất nước và nhiều nơi trên thế giới đã về đây hội tụ. Ai nấy đều hào hứng, tươi vui, phấn khởi thưởng thức những tiết mục, chương trình đặc sắc, rất đông người dân đứng xem và cổ vũ cho đoàn diễu hành trong lễ mít tinh. Không chỉ có thế, hàng trăm các bà, các chị mặc áo dài rực rỡ thể hiện niềm vui trong ngày đầy ý nghĩa của Thủ đô.
Chia sẻ về điều này, chị Lê Thanh Hằng (Hàng Bông) cho rằng đây cũng chính là dịp người dân Hà Nội cùng nhìn lại, cùng nhau tự hào về Thủ đô qua các thời kì xây dựng và phát triển. Chị Hằng cũng cho biết thêm, điều ấn tượng nhất với chị thông qua hoạt động kỷ niệm này chính là việc người dân Thủ đô đã ý thức hơn trong việc giữ gìn, bảo vệ môi trường, cư xử văn minh hơn trong những hoạt động thường ngày. “Ngay vừa nãy thôi, tôi thấy một bà mẹ dặn cậu con trai 5 tuổi không được vứt rác bừa bãi ngoài đường, tôi thấy một bà cụ đã 72 tuổi nhặt vỏ chai nhựa cho vào thùng rác, tôi thấy hàng chục người dân Thủ đô không xô lấn, chen ngang mà trật tự xếp hàng, nhường nhịn, cùng nhau khám phá các hoạt động về nền văn hóa tại khu vực “Làng Hữu nghị…”, chị Hằng cho hay.
Có thể thấy, thời gian gần đây, người dân Thủ đô đã thực sự ý thức hơn trong việc giữ gìn nét đẹp của Hà Nội, cùng nhau xây dựng một Hà Nội ngày càng đẹp đẽ, văn minh hơn trong mắt bạn bè quốc tế. Điều đó còn được minh chứng bằng việc họ dành niềm quan tâm đặc biệt tới hoạt động trưng bày triển lãm “Vì một Hà Nội thanh lịch, văn minh” tại Nhà thông tin triển lãm (số 45 phố Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm).
Tại đây, 200 bức ảnh được trưng bày triển lãm đã tái hiện một cách sống động và đa chiều những hoạt động rất đỗi đời thường của nhân dân Thủ đô. Qua đó, toát lên vẻ đẹp thanh tao của người dân nơi đây. Nét thanh lịch của người Hà Nội được biểu hiện trên nhiều lĩnh vực từ ẩm thực, cho đến sự nhẹ nhàng, tinh tế trong cách giao tiếp, ứng xử và cả đoan trang trong từng trang phục. Sự thanh lịch, nền nã đó trở thành một nét rất riêng, thu hút du khách thập phương mỗi khi đến với mảnh đất Thanh Long nghìn năm tuổi. Cụ Đinh Thị Hiền (80 tuổi) ở phố Đinh Tiên Hoàng đã xúc động chia sẻ, buổi triển lãm làm bà nhớ lại về một Hà Nội thanh lịch xưa và bà cũng bất ngờ khi nét thanh lịch đấy lại được gìn giữ cho đến bây giờ. Chỉ mong sao sự thanh lịch ấy sẽ được phát triển và vun vén đến tận sau này…
Lan tỏa một Hà Nội thanh lịch, văn minh
Con người ở những mảnh đất có bề dày văn hóa lịch sử thường có chiều sâu tâm hồn. Và ở Hà Nội, đó là nét văn hóa ứng xử thanh lịch, văn minh đã hình thành qua quá trình phát triển lâu dài. Dẫu cuộc sống có những đổi thay, nét đẹp văn hóa Hà Nội cũng trải qua những khúc thăng trầm. Tuy nhiên ngày nay, những vị khách khi đến Hà Nội vẫn cảm nhận được sự thân thiện của người dân bằng nụ cười.
Sự thanh bình trong nét cổ kính còn thu hút cả những vị khách đặc biệt. Cách đây không lâu, người Hà Nội tự hào với câu chuyện Tổng thống Hoa Kỳ ăn bún chả tại một quán bình dân, dừng chân trò chuyện với người đi đường ở Mễ Trì (năm 2016); hay chuyện Tổng thống Pháp đi bộ, bắt tay chào hỏi người dân Hà Nội rồi rẽ vào quán cà phê trên phố cổ Hà Nội (năm 2016)… Mới đây nhất, công chúa kế vị Thụy Ðiển cũng ghé vào một quán ăn bình dân trên phố Kim Mã Thượng để thưởng thức món bún bò. Những câu chuyện tưởng như giản dị, nhưng đã thể hiện Hà Nội là một thành phố thanh bình và rất đỗi mến khách .
Truyền thống thanh lịch, văn minh được thành phố coi là một di sản quý và cần phát huy trong cuộc sống đương đại. Trong Chương trình số 04, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh được xem là nội dung trọng yếu. Thành phố đã có nhiều hoạt động khác nhau trong xây dựng văn hóa người Hà Nội. Ðó là việc xây dựng các mô hình Gia đình văn hóa, Làng văn hóa, Tổ dân phố văn hóa trong cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; các tổ chức chính trị xã hội như: Hội Phụ nữ, Ðoàn Thanh niên cũng có các chương trình xây dựng văn hóa thanh niên, văn hóa thương mại, văn minh công sở…
Ðặc biệt, từ khi Hà Nội ban hành Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Quy tắc ứng xử nơi công cộng đã tạo những chuyển biến lớn trong văn hóa ứng xử, góp phần phát huy nét đẹp thanh lịch, văn minh trong thời kỳ hiện đại. Và chính văn hóa Hà Nội, từ di sản vật thể, phi vật thể cho đến văn hóa ứng xử đang trở thành nguồn lực để thu hút ngày một nhiều khách du lịch trong nước, quốc tế đến Thủ đô.
Một điều quan trọng không kém đó là mỗi người Hà Nội hãy luôn ghi nhớ mình là công dân Thủ đô. Mọi việc làm, hành động, suy nghĩ của mình đều có thể ảnh hưởng tới hình ảnh của Hà Nội trong mắt nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế. “Để Hà Nội ngày càng văn minh, việc cụ thể mà dễ dàng nhất là bắt đầu từ mỗi gia đình. Khi ông bà, cha mẹ, anh chị có ý thức thể hiện những nét đẹp văn hóa trước mặt con cháu một cách tự nhiên thì chắc chắn điều đó được duy trì thành nếp nhà”, cụ Đinh Thị Hiền chia sẻ.
P.Ngân – K.Tiến