Văn hóa công vụ- Những đổi thay từ thực tiễn

Thành ủy Hà Nội xác định xây dựng và phát triển văn hóa là nhiệm vụ quan trọng thường xuyên của cả hệ thống chính trị; phải chú trọng xây dựng văn hóa từ trong Đảng, trong bộ máy cơ quan nhà nước; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, phát triển toàn diện, hình thành hệ giá trị văn hóa phù hợp với xu thế thời đại gắn với phát huy những giá trị văn hóa sâu sắc của Thăng Long – Hà Nội… Đáng chú ý, trong các cơ quan, đơn vị của Hà Nội, Bộ Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc Thành phố với mục đích định hướng cho cán bộ các chuẩn mực trong giải quyết công việc với tổ chức và công dân, trong gia đình và xã hội và góp phần giữ gìn và phát triển truyền thống văn hóa tốt đẹp của Thủ đô và đất nước, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

 

Thanh lịch là nét đẹp đặc trưng mang tính truyền thống, tạo nên giá trị cốt lõi của văn hóa Thủ đô ngàn năm văn hiến. Với người cán bộ công chức, viên chức điều này lại càng phải được đặt lên hàng đầu. Như lời Bác Hồ đã từng dạy, cán bộ đảng viên phải biết cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Hiểu rộng ra, cán bộ, đảng viên phải có trách nhiệm nêu gương, không chỉ trong cơ quan tổ chức mình tham gia làm việc mà còn phải nêu gương cho toàn nhân dân. Người cán bộ phải là người tiêu biểu về đạo đức cách mạng để trở thành chỗ dựa và niềm tin cậy của nhân dân. Và muốn làm tốt điều này thì nhất thiết phải là người có văn hóa.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hà Đình Đức – Nhà nghiên cứu văn hóa Hà Nội, trong quá trình phát triển của đất nước, sự va đập, giao thoa văn hóa là điều không thể tránh khỏi, song với Thăng Long – Hà Nội thì luôn có sự tinh lọc. Sự tinh lọc đó không làm mất đi vẻ đặc sắc của Hà Nội mà nét văn hóa người Tràng An, đặc biệt là trong mỗi cán bộ công chức, viên chức ở mỗi giai đoạn khác nhau lại có thêm những điểm mới để phù hợp với quy luật phát triển chung.

Thực tế cũng chỉ ra, đã có không ít tấm gương cán bộ gần dân, sát dân; sẻ chia với người nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn; không ít tấm gương cán bộ công an giúp đỡ người dân khi gặp hoạn nạn… Gần đây nhất, ngày 1/8/2022, tấm gương 3 cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy, hy sinh khi làm nhiệm vụ cứu người trong vụ cháy quán karaoke ở đường Quan Hoa (quận Cầu Giấy) đã cho thấy tinh thần không tiếc tất cả, vì dân phục vụ, là tấm gương sáng làm lan tỏa tinh hoa văn hóa người Hà Nội.

Việc đưa ra các bộ quy tắc ứng xử để người dân nhìn vào mà “trông theo” là việc rất tốt. Những quy chuẩn Thành phố đưa ra, dù không có tính xử phạt nhưng đối với cán bộ, công chức có tác dụng rất lớn, bởi nhìn vào đó họ phải tự ý thức được bản thân họ làm ở vị trí này, công tác kia trong bộ máy Nhà nước, do đó không thể ăn nói bừa bãi, kể cả ngoài giờ làm việc. Và theo thời gian, ý thức về chuyện ăn nói, về văn hóa ứng xử sẽ được nâng lên.

PHÓ GIÁO SƯ, TIẾN SĨ HÀ ĐÌNH ĐỨC

NHÀ NGHIÊN CỨU VĂN HÓA HÀ NỘI

Bên cạnh những nét đẹp đẽ khó mờ phai đó, đâu đó vẫn còn những “con sâu làm rầu nồi canh”, khiến hình ảnh người cán bộ công bộc của dân bị hoen mờ. Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Quốc hội, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội chia sẻ, mặt trái của nền kinh tế thị trường khiến nhiều hành vi ứng xử thiếu văn hóa của một bộ phận cư dân sinh sống ở Hà Nội chưa thực sự được chuẩn mực. Đó là những nhà hàng sẵn sàng mắng, chửi khách không tiếc lời, thậm chí còn “đốt vía” nếu khách vô tình mở hàng mà không mua. Đi ra đường, một va chạm dù nhỏ, người ta cũng dễ dàng nổi khùng, chửi bới, dẫn đến xô xát. Chiếm dụng vỉa hè, công viên cây xanh thành nơi bán hàng, bàn ghế ngổn ngang, cản trở người đi lại…

Với môi trường công sở, tiến trình hội nhập quốc tế đã mang lại cho chúng ta rất nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít thách thức. Đó là hiện tượng một số cán bộ lãnh đạo chủ chốt dễ bị sa ngã, bị cám dỗ trước đồng tiền, quyền lực, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Nhiều vụ việc vi phạm phải xử lý kỷ luật đối với cán bộ rơi vào những lãnh đạo có vị trí chủ chốt trong các cơ quan, đơn vị, địa phương, do tham nhũng, lãng phí, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm trái quy định, vi phạm về đạo đức, lối sống. Điều này khiến những người dân yêu Hà Nội đã không khỏi cảm thấy đau lòng.

Chính vì vậy, để phát huy những giá trị tốt đẹp, những ưu điểm và hạn chế nhược điểm của cán bộ, đảng viên, thời gian qua việc thực hiện Bộ Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc Thành phố hay bộ Quy tắc ứng xử nơi công cộng như một “ba-rem” hình thành lối ứng xử chuẩn mực trong văn hóa. Từng bước ngăn chặn, đẩy lùi hiện tượng tham nhũng, tiêu cực, suy thoái về tư tưởng, đạo đức lối sống. từng bước làm lối ứng xử giữa người với người trở nên tốt đẹp hơn.

Lấy ví dụ cho sự chuyển biến tích cực, sự thấm sâu của Quy tắc ứng xử trong mỗi cán bộ công chức, viên chức, Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức thông tin, phường Liễu Giai (quận Ba Đình) bộ mặt của cơ quan hành chính đã đổi thay rất nhiều ít năm gần đây. Sự thay đổi đến ngay từ từ cách bài trí bàn ghế đón tiếp dân, đến cung cách chào hỏi, nội quy ứng xử đều được dán quy định và thực hiện. Cán bộ cũng niềm nở hơn khi tiếp xúc với dân.

Thực tế, trong quá trình khảo sát tại các cơ quan, đơn vị, người viết nhận thấy tại các xã, phường trên địa bàn Hà Nội, cán bộ công chức, viên chức đã có ý thức hơn trong chấp hành nghiêm quy định về thời gian làm việc, sắp xếp, sử dụng thời gian làm việc khoa học, hiệu quả. Cụ thể, tại phường Phú Lãm (quận Hà Đông), khi đón tiếp công dân, trang phục của đội ngũ cán bộ đều thể hiện nét công sở lịch sự; nơi làm việc ngăn nắp gọn gàng; đeo thẻ tên trong quá trình thực hiện công vụ. Nơi bộ phận “một cửa” những cán bộ tiếp dân đều có thái độ thân thiện; Quy tắc ứng xử khi tiếp công dân như “Khách đến được chào hỏi, khách ở luôn tươi cười…” được niêm yết trực diện trước cửa ra vào, số điện thoại của lãnh đạo phường cũng được niêm yết công khai để người dân có thể phản ánh khi có nhu cầu.

Tại Sơn Tây, thực hiện Chương trình số 06-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội khóa XVII về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh giai đoạn 2021-2025; Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22/02/2022 của Thành ủy Hà Nội về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22/02/2022 của Thành ủy Hà Nội về “phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, thị xã đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Dễ thấy nhất là phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần giữ gìn và phát huy tốt những phong tục tập quán lành mạnh, giáo dục tư tưởng, tình cảm, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Hệ thống thiết chế văn hóa được xây dựng và ngày một hoàn thiện phủ khắp các thôn, tổ dân phố. Phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng, thể dục – thể thao ngày càng đa dạng, phong phú thu hút được đông đảo nhân dân tham gia. Công tác giáo dục, đào tạo nghề, giải quyết việc làm có chuyển biến tích cực, phát huy hiệu quả các nguồn lực văn hóa góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội, giữ vững an ninh, quốc phòng ở địa phương.

Chia sẻ thêm về những kết quả đạt được từ việc thực hiện phong trào “Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thi đua thực hiện văn hóa công sở và nơi công cộng” gắn với thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh”… ông Vũ Dư Hùng, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin thị xã Sơn Tây cho biết: Sơn Tây đã thực hiện tuyên truyền quán triệt quy tắc ứng xử trong cơ quan nhà nước đến 100% cán bộ, công chức viên chức, người lao động trong các cơ quan, đồng thời ký cam kết thực hiện.

Đến nay, nhận thức và thái độ giao tiếp, tinh thần phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức viên chức, người lao động trong các cơ quan nhà nước đã có sự chuyển biến mạnh mẽ. Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội và quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thị xã Sơn Tây đã thành nề nếp và đem lại những hiệu quả rõ rệt, về cơ bản tiếp tục được duy trì rộng rãi đến các phòng, ban, ngành, đoàn thể và 15 xã, phường.

Số rác thải thu lọc được từ chương trình sau khi tập kết sẽ được sàng lọc để lấy những vật dụng còn dùng được, tái chế thành những chậu trồng hoa trưng bày trên các con đường hoa thanh niên làm đẹp cảnh quan môi trường; hoặc thành những đồ chơi ở trường học; đồ dùng trong gia đình. Số còn lại được bán để lấy tiền mua các vật dụng thân thiện với môi trường đổi cho người dân.

Phòng Văn hóa và Thông tin thị xã đã tham mưu Ủy ban nhân dân thị xã Kế hoạch số 352/KH-UBND ngày 10/6/2022 về tổ chức cuộc thi “Giữ gìn đường, phố xanh – sạch – đẹp” thị xã Sơn Tây năm 2022 với mục đích tạo không khí thi đua sôi nổi giữa các xã, phường, thôn, tổ dân phố trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường, tạo cảnh quan đường, phố xanh – sạch – đẹp. Phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể chính trị – xã hội trong việc vận động, kêu gọi mỗi người dân nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc bảo vệ, giữ gìn vệ sinh đường, phố nơi mình sinh sống, cải tạo cảnh quan môi trường sống xanh – sạch – đẹp. Đảm bảo các hoạt động thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm và bền vững nhằm vận động nhân dân tích cực tham gia tổng vệ sinh môi trường, phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh, thu gom rác thải (kể cả rác thải xây dựng) tồn đọng tại các tuyến đường, phố trên địa bàn.

Duy trì nề nếp tổng vệ sinh đường làng, ngõ, phố vào sáng thứ Bảy hàng tuần. Huy động các nguồn lực xã hội hóa để trang hoàng đường, phố bằng cờ, hoa, cây xanh, vẽ tranh tường, quét vôi ve, sơn lại cửa, lắp thêm đèn trang trí… Ra quân đảm bảo trật tự đô thị, xử lý vi phạm về việc lấn chiếm lòng đường, vỉa hè; treo – dán – sơn quảng cáo rác gây mất mỹ quan đô thị.

Tại Ba Vì, ông Phương Văn Liểu – Bí thư Đảng ủy xã Tản Hồng bày tỏ quan điểm, đời sống văn hóa luôn tồn tại hai mảng đối lập tốt – xấu, nếu con người được chăm lo tốt, xã hội sẽ tốt đẹp hơn, con người văn minh hơn. Ngược lại, nếu thờ ơ, không chăm lo, cái xấu sẽ lấn át cái tốt, sự giả dối sẽ lấn át sự thật. Giống như một mảnh vườn ươm, nếu buông thả thì cỏ dại mọc nhiều, vườn tược xấu xí. Chính vì thế, dù đã gặt được nhiều trái ngọt nhưng “mảnh vườn văn hóa” vẫn cần được tiếp tục “vun trồng”.

Hơn hết, để xây dựng văn hóa ứng xử đòi hỏi phải có quá trình, thường xuyên, lâu dài, trong đó rất cần sự nêu gương của cán bộ lãnh đạo, đặc biệt là vai trò gương mẫu của người đứng đầu. “Tôi cho rằng hai bộ Quy tắc ứng xử của Thành phố rất thiết thực, rất gần gũi với đời sống của người dân. Chỉ cần mỗi ngày điều chỉnh hành vi một chút kết quả sẽ rất khả quan. Tuy nhiên những người đảng viên cần tích cực hơn nữa để nêu gương, để làng nước theo sau”, ông Phương Văn Liểu chia sẻ.

Ở trên góc độ tổ chức Công đoàn, ông Ngô Minh Hoàn – Phó Chủ tịch Công đoàn ngành Giao thông vận tải Hà Nội cho rằng, trong môi trường làm việc năng động và chuyên nghiệp như hiện nay, bên cạnh việc sáng tạo để tìm ra những cách riêng giúp làm việc nhanh hơn và đạt hiệu quả cao hơn thì có một cách khá tốt để xây dựng giá trị bản thân đó là hình thành những thói quen, lề lối làm việc, phương cách ứng xử cùng hành vi văn minh, lịch sự chốn công sở. Với lối ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, để thực hiện hiệu quả, khơi gợi những mặt tốt đẹp thì cần khéo léo lồng ghép với các phong trào thi đua.

Chẳng hạn, Công đoàn ngành đã thường xuyên tổ chức các phong trào, hội thi, đẩy mạnh tuyên truyền “Văn hóa giao tiếp và kỹ năng ứng xử nơi công sở” cho đoàn viên của Công đoàn; chủ động phối hợp với Ban an toàn giao thông Thành phố tổ chức hội thi lái xe mô tô giỏi, an toàn, tổ chức tuyên truyền về văn hóa giao thông và văn hóa ứng xử khi tham gia giao thông; triển khai khai nội dung cán bộ công chức, viên chức nói không với tiêu cực, nghiêm chỉnh chấp hành 2 bộ quy tắc ứng xử Thành phố ban hành.

Hà Nội là nơi hội tụ bốn phương, hội tụ văn hóa của các vùng miền, nên việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh đòi hỏi phải rất công phu, kiên trì, bền bỉ. Quy tắc ứng xử không thể một sớm một chiều đi vào cuộc sống, nhưng người dân Hà Nội vẫn đang rất nỗ lực để phát huy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, trách nhiệm, tâm huyết, có lối sống lành mạnh, tinh thần tương thân tương ái, làm những việc có ích. Đó cũng là nhân tố bảo đảm cho Bộ Quy tắc ứng xử nơi công cộng, nơi công sở của Hà Nội nhanh chóng phát huy giá trị trong cuộc sống.