Về Chàng Sơn xem nghề làm quạt

Cách trung tâm Thủ đô Hà Nội 30km về phía Tây Bắc, xã Chàng Sơn (huyện Thạch Thất) được biết đến với nhiều nghề truyền thống nổi tiếng, trong đó có nghề làm quạt xuất hiện từ thế kỷ XIX. Giờ đây, chiếc quạt giấy không còn là vật dụng thiết yếu nhưng người Chàng Sơn vẫn nỗ lực cải thiện hình thức, chất lượng nhằm bảo tồn và quảng bá văn hóa Việt Nam, đồng thời gắn với phát triển du lịch của địa phương.

  • Về Chàng Sơn xem nghề làm quạt
Bà Nguyễn Thị Tuấn bên không gian trưng bày quạt của gia đình tại “Lễ hội văn hóa dân gian trong đời sống đương đại Hà Nội 2020”.

 

Độc đáo nghề làm quạt

Sở hữu hệ thống làng nghề phong phú và đa dạng, huyện Thạch Thất có nhiều điều kiện để phát triển loại hình du lịch làng nghề gắn với việc bảo tồn các nghề thủ công truyền thống, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Những năm qua, nhiều hộ dân ở Chàng Sơn có thu nhập ổn định, thậm chí làm giàu từ nghề làm quạt truyền thống.

Bà Nguyễn Thị Tuấn, chủ cơ sở sản xuất quạt ở Chàng Sơn cho biết, gia đình bà đã có ba đời làm nghề. Từ nhỏ, bà phụ giúp gia đình làm quạt và gắn bó cho đến nay. Con trai của bà là một kiến trúc sư, ngoài công việc chính luôn hỗ trợ mẹ mình và bà con trong làng xây dựng website, thiết kế mẫu mã mới để quạt Chàng Sơn thêm hấp dẫn và được nhiều người biết tới. “Du khách trong và ngoài nước rất yêu thích quạt Chàng Sơn, họ sẵn sàng trả giá cao cho những sản phẩm quạt nghệ thuật độc đáo. Trước khi dịch Covid-19 xảy ra, gia đình tôi nhận được đơn đặt hàng từ Pháp, Hàn Quốc và nhiều nước khác”, bà Tuấn chia sẻ.

Đến Chàng Sơn, du khách sẽ được nghe kể về nghệ nhân Dương Văn Mơ – người có công khôi phục nghề quạt truyền thống của làng. Vài chục năm trước, khi nghề làm quạt ở Chàng Sơn đứng trước nguy cơ thất truyền, phong trào khôi phục lễ hội truyền thống ở các xã quanh Chàng Sơn được đẩy mạnh. Nghệ nhân Dương Văn Mơ đã phục dựng chiếc quạt thờ bị mối mọt để dân làng Bùng (xã Canh Nậu) cúng tế trong lễ hội. Sau sự kiện đó, tên tuổi nghệ nhân Dương Văn Mơ được nhiều người biết đến.

Bên cạnh việc phục chế quạt, nghệ nhân Dương Văn Mơ còn được nhiều công ty du lịch, đơn vị nghệ thuật, các công ty tổ chức sự kiện đặt hàng sản phẩm quạt thủ công mỹ nghệ, quạt tranh để trang trí và biểu diễn. Hiện, nghệ nhân Dương Văn Mơ đã mất nhưng con trai của ông là nghệ nhân Dương Văn Đoàn vẫn chuyên tâm nối nghiệp cha, nổi tiếng với dòng quạt nghệ thuật. Chú ý tới việc đổi mới mẫu mã nhưng nghệ nhân Dương Văn Đoàn không quên giữ những nét tinh xảo đặc trưng của quạt Chàng Sơn. Nhờ vậy, trước khi dịch Covid-19 xảy ra, nhiều du khách quốc tế đã tìm đến gia đình ông để trải nghiệm và mua sản phẩm. Sau khi về nước, họ trở thành đối tác thường xuyên của gia đình ông.

Về Chàng Sơn xem nghề làm quạt
Người dân làng Chàng Sơn thực hiện các công đoạn làm quạt.

 

Tăng cường đầu tư để thu hút khách

Điều thú vị nhất khi về với làng nghề làm quạt truyền thống Chàng Sơn là du khách được cùng nghệ nhân tự tay làm ra những chiếc quạt nan, quạt giấy xinh xắn. Chị Lê Lan Anh, du khách đến từ quận Tân Bình (thành phố Hồ Chí Minh) vui vẻ chia sẻ: “Mỗi lần có dịp ra Hà Nội, tôi đều ghé thăm các làng nghề truyền thống. Lần đầu tiên đến Chàng Sơn, được trải nghiệm và tự tay làm quạt giấy, tôi rất hứng thú. Đây là trải nghiệm thực sự ấn tượng, khó quên”. Anh Nguyễn Văn Hùng, khách du lịch đến từ quận Sơn Trà (Đà Nẵng) bày tỏ: “Đến Chàng Sơn, tôi thích nhất là được ngắm khung cảnh hai bên đường làng với rất nhiều vật liệu được phơi để làm quạt. Đó là những hình ảnh rất đẹp và yên bình. Tôi cũng ấn tượng với không gian, nhịp sống và con người Chàng Sơn. Nhất định tôi sẽ trở lại đây khi có dịp”.

Theo ông Nguyễn Trường Giang, Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện Thạch Thất, thời gian qua, huyện đã tăng cường đầu tư cho cơ sở hạ tầng giao thông, mở rộng các tuyến đường tới các làng nghề, các tuyến liên xã, liên huyện… nhằm tạo điều kiện cho việc trao đổi hàng hóa, dịch vụ, tạo cảnh quan xanh – sạch – đẹp, góp phần nâng cao hình ảnh du lịch huyện Thạch Thất. Những năm qua, nhiều làng nghề được đầu tư mở rộng, tạo đà cho loại hình du lịch làng nghề phát triển; đồng thời duy trì, phát triển nghề thủ công truyền thống để người dân cùng tham gia làm du lịch theo phương châm “mỗi người dân là một hướng dẫn viên giỏi”.

Bên cạnh đó, Thạch Thất cũng định hướng phát triển du lịch gắn với việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc theo hướng bền vững. Nhằm đẩy mạnh phát triển du lịch làng nghề, thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục tổ chức các hội chợ triển lãm, giới thiệu sản phẩm làng nghề truyền thống tại các sự kiện; biên soạn, phát hành các ấn phẩm, tờ rơi, tờ gấp giới thiệu các làng nghề và sản phẩm đặc trưng; tăng cường kết nối với các doanh nghiệp lữ hành nhằm hình thành các tour tuyến, thu hút du khách đến với các làng nghề…

HN/nguoihanoi.com.vn