Những cây chè cổ thụ
Mất hơn một giờ đồng hồ từ trung tâm Hà Nội dọc theo Đại lộ Thăng Long, chúng tôi tìm về thôn Giếng Cốc (xã Hạ Bằng, huyện Thạch Thất, Hà Nội) – nơi có làng chè cổ thụ với những cây chè hơn trăm năm tuổi.
Vườn nhà ông Nguyễn Văn Dũng (thôn Giếng Cốc) có khoảng hơn chục gốc chè với tuổi đời hơn trăm năm. Ảnh: P.T |
Nói đến cây chè, nhiều người nghĩ ngay đến những cây chè Suối Giàng (Yên Bái) hay chè Shan Tuyết (Hà Giang) với dáng thân rất mập, các nhánh tủa ra xung quanh và cao không quá đầu người. Cũng nức tiếng gần xa, nhưng những cây chè ở Giếng Cốc lại mang dáng thân cây cao, khẳng khiu. Thậm chí có những “cụ” chè gần 200 tuổi, cao chừng 5-7m, hơn ngôi nhà một tầng. Gốc cây có đường kính khoảng 30cm, mốc thếch và nhuốm màu rêu phong.
Những cây chè cổ thụ này không biết có từ bao giờ. Người thì bảo từ giống chè Mộc Châu, người thì bảo là chè hoang được các cụ trồng lâu năm. Có lẽ, chẳng ai trong số những bậc cao niên trong làng nhớ được chính xác nguồn gốc cây chè, bởi sinh ra đã có cây chè rồi. Gia đình ông Nguyễn Văn Dũng (thôn Giếng Cốc) đã có 4 đời gắn liền với cây chè. Vườn nhà ông có khoảng hơn chục gốc chè với tuổi đời lên tới trăm năm.
Rót chén chè tươi mời chúng tôi, ông Dũng cho biết, cách đây tầm 50-60 năm, vào những năm 60-70 của thế kỷ trước, hầu hết các gia đình ở đây đều trồng chè nên ngoài tên gọi Giếng Cốc, thôn còn có tên gọi khác là Đồi Chè hoặc Đồi Cốc. Người dân dựa vào cây chè để làm kinh tế, nhà nào trong vườn cũng có vài chục cây, thậm chí nhà nhiều còn có hàng trăm cây.
Theo ông Dũng, chè Giếng Cốc được trồng bằng hạt chứ không chiết cành như một số vùng trồng chè chuyên canh khác. Những hạt chè to, chắc, mẩy được ngâm trong nước nửa ngày rồi đem đi gieo. Trong cả quá trình lớn lên của chè, người trồng không phải chăm bón bất kỳ loại chất dinh dưỡng nào. Cây chè cứ tự nhiên thế mà sống, lớn lên chứ không cần chăm bón. “Có lẽ do chất đất nên chè ở đây rất dễ trồng, nhưng vị chè lại rất ngon, đậm đà. Vì thế, dân ở đây không chịu uống thứ chè nào khác, nếu cây trong sân nhà không đủ lá thì sang hàng xóm xin chứ không dùng loại chè gói để hãm nước đãi khách” – ông Dũng tâm sự.
Theo ông Dũng, có lẽ do chất đất nên chè ở đây rất dễ trồng, nhưng vị chè lại rất ngon, đậm đà. Ảnh: P.T |
Những cây chè cổ thụ không chỉ có giá trị kinh tế mà còn mang cốt cách, bản lĩnh của một vùng quê từ thuở khai thiên lập địa. Giống chè nơi đây lúc mới uống vào có vị đắng, chát nhưng khi nuốt xong thì lưu lại vị ngọt, thơm trong khoang miệng. Lá chè khi nấu đến nước thứ 2, thứ 3 vẫn thơm tròn vị. Ở vùng này, ly nước chè xanh là thứ không thể thiếu. Đó là ly nước giải khát xua tan mệt mỏi cho những người nông dân sau khi lao động vất vả tăng gia sản xuất; đó cũng là hương vị quen thuộc không thể thiếu sau mỗi bữa cơm nhà; là vị rất riêng của tuổi thơ khi con cháu quây quần bên bàn trà lắng nghe các cụ ông, cụ bà kể về quá khứ… Tất cả những điều đó đã làm nên một hương vị riêng, không thể trộn lẫn, ăn sâu vào tiềm thức những người Giếng Cốc. |
Chè ở đây cũng có nét lạ. Lạ ở chỗ người ta chỉ bẻ cành, vặt lá chứ không sử dụng dao kéo. Theo kinh nghiệm của người dân Giếng Cốc, chè khi chuyển lá sang màu xanh thẫm, già màu thì có thể hái vào để hãm nước. Khi hái, nếu khi thử bẻ ngang chiếc lá, thấy phát ra tiếng kêu “tách” một tiếng là được. Riêng phần lá bánh tẻ, lá chè non và búp chè thì không mấy ai uống vì vị không ngon, chát hơn nhiều. Đặc biệt, khi hãm chè cũng cần phải chú ý, phải rửa sạch lá qua mấy lượt nước, sau đó vò nhẹ rồi cho vào ấm theo tỷ lệ lá chè chiếm 1/3 thể tích ấm nước. Tiếp đó, nước đun sôi 100 độ C rót vào ấm, lắc qua lắc lại rồi đem đổ bỏ toàn bộ nước đó đi, rót nước nóng tiếp vào và để ủ trong 3 tiếng là có thể đem ra thưởng thức.
“Chè Giếng Cốc đặc biệt bởi nhiều thứ – như độ tuổi của cây, cách chế biến, vẻ ngoài của chè đến mùi hương mộc mạc, thanh tao. Tất cả những điều này kết hợp lại đã đánh thức vị giác của những người uống chè khó tính nhất” – ông Dũng chia sẻ.
Có đến tận nơi trải nghiệm mới thấy, khi được thưởng thức chè Giếng Cốc tôi có thể thỏa thuê ngắm sắc vàng sóng sánh cùng hương vị chan chát, nhưng sau đó lại ngọt thanh kéo dài nơi cổ họng. Người Giếng Cốc bảo, khi hãm chè nếu hãm được bằng chính nước giếng đá ong trong làng thì nước chè lại càng cho vị ngọt, thanh mát… thật khó quên. Chính vì chè là thức quà quê quý để đãi khách nên mỗi cây chè trong làng đều được người dân coi như báu vật. Khách đến nhà chơi không có gì ngoài chén nước chè tươi, thấm đượm tình cảm nồng hậu thôn quê.
Anh Nguyễn Văn Cường (thôn Giếng Cốc) cho biết, cả thôn hầu như nhà nào cũng trồng một vài cây chè, có cây trồng cách mấy chục năm, có cây từ hơn trăm năm trước. Dân họ trồng để lưu giữ truyền thống. Nhà anh hiện còn vài cây chè. Không biết có từ bao giờ, chỉ biết, khi mẹ anh sinh ra, cây chè đã được trồng ở đó, trong góc vườn.
Tài sản tinh thần vô giá
Sống và gắn bó với cây chè nhiều năm, người dân đã quen với văn hóa uống chè xanh, vui cũng ngồi nhâm nhi bên chén nước chè, tám chuyện với mọi người, khi buồn phiền cũng nhấp ngụm nước chè để ngẫm lại chuyện buồn đã qua. “Uống chè xanh ở đây đã trở thành văn hóa hàng ngày. Dân Giếng Cốc thiếu gì được chứ không thể thiếu chè trong cuộc sống thường ngày. Chè cổ pha với nước giếng đá ong thì ngon tuyệt” – ông Dũng chia sẻ.
Theo tìm hiểu, Giếng Cốc ngày xưa vốn nổi tiếng là vùng trồng chè, người dân sống nhờ chè. Nhưng những năm gần đây, cây chè không còn mang lại giá trị kinh tế nên nhiều gia đình đã chặt bỏ dần để chuyển sang trồng các cây ăn quả khác như vải, bưởi, mít, hồng bì… và chỉ để lại một vài cây lấy lá uống nước. Theo lời ông Dũng, những cây chè có tuổi thọ vài chục năm thì còn khá nhiều, còn những cây có tuổi đời hơn trăm năm thì chỉ còn khoảng vài chục cây.
Có lẽ chính điều ấy khiến cho mỗi một cây chè trở thành đáng quý. Mặc dù không mang lại giá trị kinh tế cao, nhưng cây chè đã gắn bó với người dân nơi đây từ đời này qua đời khác. Những cây chè ít ỏi còn sót lại được các gia đình chăm sóc và gìn giữ. Thậm chí, nhiều đại gia đến mua chè trả với giá cao ngất, họ cũng nhất định không bán. Bởi với người dân Giếng Cốc, những cây chè cổ thụ là tài sản tinh thần vô giá.
Khi tôi hỏi ông Dũng và nhiều vị cao niên trong làng về những mong muốn, ước vọng gửi gắm từ cây chè, không ít người đã gửi gắm hi vọng chính quyền địa phương sẽ khảo sát, vận động bà con phục hồi, giữ gìn những cây chè cổ thụ. Nếu được, sẽ xây dựng kế hoạch để làm nên thương hiệu chè Giếng Cốc, khai thác tối đa thế mạnh của các mặt hàng nông sản trên địa bàn.
Phạm Thảo / laodongthudo.vn