Vẽ tranh bằng bút bi: Khai mở lối đi mới trong hội họa

Dù được đào tạo vẽ với chì, màu bột, màu nước, sơn dầu, lụa, khắc gỗ… nhưng họa sĩ Lê Vinh lại chọn cho mình một cách thể hiện khác, đó là vẽ tranh bằng bút bi. Với đôi bàn tay tài hoa và trí tưởng tượng phong phú, anh đã tạo ra hơn 300 bức tranh hết sức độc đáo, thú vị về nhiều đề tài trong cuộc sống.

but-bi-3.jpg

Họa sĩ Lê Vinh.

Sức hấp dẫn kỳ lạ từ bút bi

Sinh năm 1979 tại huyện Ba Vì, Hà Nội, ngay từ bé Lê Vinh đã yêu thích hội họa. Sống trong vùng quê nghèo, phải lo ăn từng bữa, nhưng anh vẫn quyết tâm chọn con đường nghệ thuật bởi tình yêu lớn dành cho hội họa. Thời gian theo học tại khoa Mỹ thuật Trường Cao đẳng Sư phạm Nhạc họa Trung ương (nay là Trường Đại học Sư phạm nghệ thuật Trung ương), lúc rảnh rỗi anh thường ký họa, lúc đầu bằng bút chì, sau tiện có thì vẽ luôn bằng bút bi. Cũng nhờ cái sự “tiện” ngẫu nhiên này mà dần dần việc sử dụng bút bi để vẽ khiến anh mê mẩn, anh nhận ra màu mực bút bi có cái gì đó vừa thân thuộc, gần gũi vừa vô cùng cuốn hút, hấp dẫn.

Bức tranh bút bi đầu tiên của họa sĩ Lê Vinh là bức anh vẽ bố mình – một thương binh 1/4 với chòm râu dài để tặng ông nhân dịp kỷ niệm Ngày Thương binh liệt sĩ 27-7. Bức vẽ đơn sắc bằng mực bi xanh nhưng vô cùng sống động, hấp dẫn và rất có hồn. Bức vẽ này từng được trưng bày ở nhiều cuộc triển lãm khác nhau và được giới hội họa đánh giá rất cao về chất liệu cũng như cách thể hiện. Như được tiếp thêm động lực, các tác phẩm được anh vẽ bằng bút bi xanh, sau vẽ thêm bằng bút bi đen và rồi bằng bút bi màu… xuất hiện ngày càng nhiều.

Cánh cửa sáng tạo với bút bi đã mở ra trong anh chân trời mới. Quan điểm nghệ thuật là phải mới lạ, phải khác với những người đi trước đã dẫn dụ, thôi thúc anh đi sâu vào thế giới sáng tạo. “Tranh vẽ bằng bút bi đòi hỏi độ chỉn chu, tập trung cao vì bút bi không thể tẩy xóa. Nếu vẽ hỏng hoặc bị dính mực thì sẽ phải vẽ lại từ đầu. Màu bút bi cũng không đa dạng như màu bột, chủ yếu chỉ có đỏ, vàng, xanh, đen, lục, tím… nên hạn chế về sắc độ. Đầu bút bi lại nhỏ nên để có thể tô màu phủ kín bức tranh thì mất rất nhiều thời gian và công sức. Họa sĩ cũng không thể đứng giá vẽ vì mực bi sẽ không thể chảy xuống ngòi mà buộc phải cúi nghiêng trên mặt phẳng khi vẽ… Từng ấy khó khăn nhưng càng gian nan thì ý chí chinh phục trong tôi lại càng mạnh mẽ”, anh Vinh chia sẻ.

but-bi-2.jpg

Là một trong những người tiên phong sáng tạo với cây bút bi nên anh đã phải mày mò tìm hiểu, sáng tạo ra cách vẽ, phối màu, tạo khối cho tác phẩm. Nhận ra những nhược điểm của cây bút bi, nên khi vẽ anh quan tâm nhiều tới bố cục để tạo chiều sâu, đan các nét vẽ với lực bút mạnh, nhẹ khác nhau nhằm tạo độ đậm, nhạt và sự đa dạng về màu sắc. Với anh, vẽ tranh bằng bút bi là cơ hội để rèn luyện đức tính tỉ mỉ, nhẹ nhàng, tĩnh tâm bởi có những bức tranh anh phải vẽ hàng tháng, thậm chí hàng năm mới hoàn thành.

Sáng tạo là không có giới hạn

Tính đến nay, họa sĩ Lê Vinh đã sở hữu hơn 300 bức tranh vẽ bút bi. Nhiều bức đã được rất nhiều đơn vị, nhà sưu tầm ở trong và ngoài nước tìm kiếm. Điều đặc biệt, nhân vật chính trong các tác phẩm của anh chủ yếu là thiếu nữ và các em nhỏ vùng cao trong trang phục dân tộc. Để có chất liệu thực tế, anh đã tới các bản làng ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa, như: Cao Bằng, Sơn La, Lạng Sơn, Hà Giang, Yên Bái, Lào Cai… Càng đi, anh càng thấy mình có nhiều “khoảng trống” trong sáng tạo nghệ thuật. Bởi có những hình ảnh, khoảnh khắc chỉ có bút bi mới làm sáng rõ để tạo sự hấp dẫn cho người xem, như ánh mắt đượm buồn của em bé vùng cao hay vẻ hồn nhiên, căng đầy sức sống của những thiếu nữ xinh đẹp nơi núi rừng…

but-bi-4.jpg

Qua hơn chục năm sáng tạo với cây bút bi, họa sĩ Lê Vinh hiểu rằng vẽ bút chì dễ hơn, bởi vì khi vẽ anh có thể xóa hoặc thêm bớt, còn bút bi thì khi bắt đầu đặt bút xuống là người vẽ đã phải định sẵn những gì mình định thể hiện. Nếu vẽ gần xong tác phẩm mà bị hỏng, bị rơi mực hoặc sai thì đều phải bỏ, phải vẽ lại. Vì thế, mọi công đoạn phải kỳ công, tỉ mỉ. “Họa sĩ phải có tính kiên trì, vẽ với cây bút bi thì phải kiên trì nhiều hơn nữa. Nhưng rồi càng kiên trì chúng ta sẽ thấy bức tranh vẽ bằng bút bi có ấn tượng riêng, không lẫn với các chất liệu khác”, họa sĩ Lê Vinh nhấn mạnh.

Là người trong nghề, họa sĩ Bùi Trọng Dư có cái nhìn sâu sắc và đầy tin tưởng vào sự sáng tạo của Lê Vinh. Họa sĩ Bùi Trọng Dư cho rằng, nghệ thuật là vô cùng và họa sĩ Lê Vinh đã biến bút bi thành chất liệu hội họa – đây là điều cần được khuyến khích. Mặc dù chủ đề không thực sự mới nhưng chất liệu đã làm cho tranh của Lê Vinh mang dáng dấp mới mẻ và trở thành một cái tên rất “hot” trong giới hội họa. “Mỗi họa sĩ đều cần có khả năng sáng tạo. Nhiều họa sĩ đi sâu tìm tòi về chủ đề, đề tài nhưng Lê Vinh lại đi khai phá chất liệu. Bút bi xưa nay chỉ để viết nhưng giờ đây đã trở thành chất liệu phục vụ hội họa. Điều này cho thấy sự sáng tạo không ngừng của giới họa sĩ”, họa sĩ Bùi Trọng Dư nhấn mạnh.

but-bi-5.jpg

Họa sĩ Nguyễn Quốc Thắng cho rằng, thế giới sáng tạo của giới họa sĩ không bị bó hẹp và một người trẻ như Lê Vinh đã tìm ra một con đường đi riêng, đó là điều đáng quý. “Suy cho cùng, hội họa là để phục vụ nhân dân và việc Lê Vinh sử dụng bút bi đã mang đến sự tò mò thú vị cho người xem. Theo tôi, đó là thành công của Lê Vinh”, họa sĩ Nguyễn Quốc Thắng nhận xét.

Mong muốn tranh bút bi được đón nhận nhiều hơn

Hiện tại, ở Việt Nam cũng có một số bạn trẻ vẽ tranh bằng bút bi. Họ vẽ theo phong trào hay vẽ theo sở thích và thường vẽ tranh khổ nhỏ để tặng nhau chứ chưa mang tính chuyên nghiệp, chưa được đầu tư, nghiên cứu chuyên sâu. Bởi thế, họa sĩ Lê Vinh mong muốn tranh vẽ bằng bút bi sẽ được công chúng đón nhận ngày càng nhiều hơn. “Muốn bút bi trở nên thông dụng trong hội họa thì mỗi họa sĩ phải dám chấp nhận thử thách. Trong khả năng của mình, tôi sẽ cố gắng lan tỏa nhiều hơn niềm đam mê loại hình tranh vẽ bằng bút bi đến các bạn trẻ”, họa sĩ Lê Vinh chia sẻ.

but-bi-1.jpg

Trong tương lai, họa sĩ Lê Vinh muốn đi sâu vào nhiều đề tài khác nhau, bởi anh cho rằng, có thể với đề tài nào đó đã trở nên quen thuộc nhưng dưới góc nhìn qua nét vẽ bằng bút bi sẽ trở nên lấp lánh, ẩn chứa nhiều điều thú vị, hấp dẫn. “Tôi sẽ không chỉ vẽ người phụ nữ và em nhỏ người dân tộc thiểu số mà đi vào những đề tài cuộc sống xung quanh chúng ta. Rồi đây, người ta sẽ nghĩ về bút bi không chỉ để viết mà còn để vẽ, để tô điểm cho những ý tưởng sáng tạo tuyệt vời của các họa sĩ. Tôi quan niệm, chất liệu chỉ là phương tiện, chủ đề chỉ là cái cớ, điều quan trọng nhất là tác phẩm hội họa ra đời đi đúng, trúng yêu cầu, mong muốn, sở thích của công chúng”, họa sĩ Lê Vinh bộc bạch.

Mai Sơn

Vẽ tranh bằng bút bi: Khai mở lối đi mới trong hội họa (hanoimoi.vn)