Việc làm nhỏ tạo nên sức mạnh lớn

Thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, các cấp ủy Đảng, chính quyền Thành phố Hà Nội đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ, từ đó đạt được những kết quả tích cực. Hơn hết, học tập, quán triệt và tổ chức thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW không phải là những việc làm quá cao xa mà bình dị ngay trong những hoạt động, nghĩa cử thường ngày như dạy miễn phí cho trẻ tự kỷ, đào tạo nghề miễn phí cho người khuyết tật…

Những cống hiến thầm lặng

Nhắc đến ông Nguyễn Đình Mùa – Bí thư Chi bộ, Trưởng ban công tác Mặt trận thôn Xuân Linh, xã Thuỷ Xuân Tiên (huyện Chương Mỹ) ai cũng tấm tắc khen đó là một tấm gương cán bộ Mặt trận “dân vận khéo”, luôn gương mẫu, tận tụy, tâm huyết, hết mình với công việc, với nhân dân. Xuân Linh có 407 hộ dân với khoảng 1.900 nhân khẩu. Người dân trong thôn với nhiều ngành nghề như: Sản xuất nông nghiệp, kinh doanh thương mại dịch vụ… Để các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước thấm sâu và đi vào cuộc người dân, thông qua các cuộc họp ở thôn, ông Nguyễn Đình Mùa và lãnh đạo thôn tích cực tuyên truyền một cách cụ thể, sát với nhân dân nhất.

Bài cuối: Việc làm nhỏ tạo nên sức mạnh lớn
Đường làng ngõ xóm được chỉnh trang, sáng, đẹp tại xã Tản Hồng, huyện Ba Vì.

Ông Mùa chia sẻ, để vận động nhân dân tích cực phát triển kinh tế, tham gia các phong trào của các cấp phát động, bản thân ông cùng các đồng chí trong cấp ủy thống nhất cách làm và yêu cầu đảng viên gương mẫu thực hiện trước… Ông luôn tâm niệm rằng, có dân vận khéo tới đâu, mà không có thực tế, gương mẫu thì khó để thuyết phục được nhân dân. Đáng chú ý, để người dân chung sức xây dựng quê hương, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng các mô hình trang trại chăn nuôi, trồng cây ăn quả mang lại hiệu quả kinh tế cao, ông Nguyễn Đình Mùa đã khéo léo nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân, từ đó có sự truyền đạt khéo léo đến cấp ủy, chính quyền địa phương. Với tinh thần cầu nối ý Đảng – lòng dân, những đóng góp thầm lặng của ông Mùa đã góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương. Hiện thôn Xuân Linh có hàng chục trang trại chăn nuôi lợn, gà, thỏ, cây ăn quả. Đặc biệt, thôn luôn giữ vững danh hiệu làng văn hóa, người dân mạnh dạn chung sức xây dựng, phát triển quê hương.

Luôn tâm niệm với lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, cựu chiến binh Lê Xuân Mói, xã Khánh Hà (huyện Thường Tín) suốt nhiều năm nay luôn gương mẫu đi đầu trong mọi việc để thúc đẩy phong trào, tuyên truyền, vận động mọi người làm theo. Cho đến nay, người dân thôn Đan Nhiễm vẫn nhớ như in hình ảnh người cựu chiến binh chỉ còn một chân vẫn bền bỉ chống nạng đến từng nhà để vận động hiến đất, mở rộng đường.

Khoảng tháng 5/2016, thôn Đan Nhiễm được Nhà nước đầu tư làm con đường giữa làng. Đường có chiều dài 145m và rộng 2,5m. Ông Lê Xuân Mói khi đó là Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh thôn Đan Nhiễm đã cùng Ban Vận động của xóm đã đến từng hộ dân để tuyên truyền, giải thích về những lợi ích khi con đường được mở rộng. Nhờ sự kiên trì này, bà con địa phương bên cạnh việc đồng thuận còn nhiệt tình tham gia đóng góp số tiền 100 triệu đồng.

Đặc biệt, ông Lê Xuân Mói đã kiên trì vận động gia đình ông Lê Văn Cận và Lê Văn Hải tự nguyện phá bỏ gần 10m tường rào để con đường được thẳng và rộng, thuận tiện hơn cho việc đi lại của nhân dân. Theo ông Mói, dân vận chính là vận động bằng cái tâm. Người đi vận động chỉ vì mục đích chung, không được xen vào cái lợi cá nhân và phải làm sao để người được vận động thấy rõ lợi ích của họ trong đó. Chỉ như thế họ mới đồng tình và tự nguyện.

Miệng nói, tay làm, dân tin, dân sẽ làm theo

Gặp và tiếp xúc với bà Trần Thị Bích Được – Trưởng thôn Thượng, xã Đại Thịnh (huyện Mê Linh) mới thấy được việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh không quá cao xa mà rất đỗi giản dị. Đó là việc thầm lặng cống hiến, thầm lặng giúp đời, giúp người. Là đảng viên với hơn 25 năm tuổi Đảng, theo bà Trần Thị Bích Được, trong tất cả các phong trào cũng như đời sống thường nhật, đảng viên phải có tính tiên phong và gương mẫu. Quan điểm của bà Được là, dù làm bất kỳ việc gì cũng cần “mắt trông, tai nghe, chân đi”; phải sát thực tế, đến với nhân dân để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, giúp dân giải quyết các công việc cụ thể, đề xuất chính sách hoặc điều chỉnh chính sách cho phù hợp, vận động nhân dân thực hiện các chủ trương, chính sách. “Miệng nói, tay làm” là phong cách quan trọng nhất, không được nói một đằng, làm một nẻo, miệng thì vận động người khác nhưng mình thì không làm hoặc làm ngược lại.

Chẳng ở đâu xa, ngay trong các cuộc vận động của địa phương, đảng viên và gia đình đều là những cá nhân thực hiện đóng góp đầu tiên, sau đó mới đi vận động người làng, người xã. Bởi vậy, suốt nhiều năm nay, dù kinh tế không khá giả nhưng trong các cuộc vận động như xây dựng nhà văn hóa, xây dựng đình chùa, ủng hộ công tác phòng chống dịch… bà Trần Thị Bích Được và gia đình đều đi đầu và ủng hộ vật chất cũng như tinh thần, góp phần giúp công tác phát triển kinh tế, văn hóa xã hội tại địa phương được thành công.

Đặc biệt, bà Trần Thị Bích Được còn thầm lặng dạy miễn phí cho nhiều trẻ mắc chứng tự kỷ, Down, chậm phát triển, trong đó 32 cháu đã hòa nhập cộng đồng. Đầu tháng 10/2022 vừa qua, bà Được là một trong những gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt tiêu biểu của huyện Mê Linh được biểu dương, khen thưởng.

Cũng thầm lặng đóng góp, giúp đời, giúp người như bà Được, tại huyện Thường Tín, Chủ tịch Hội người khuyết tật huyện Thường Tín Hoàng Thị Khương nhiều năm liền cũng thầm lặng dạy nghề miễn phí cho những người nghèo, thanh thiếu niên mồ côi. Là người khuyết tật, bên cạnh việc truyền cảm hứng vượt lên nghịch cảnh cho không ít mảnh đời khiếm khuyết, bà Khương cho rằng điều cốt lõi là huy động sự vào cuộc của xã hội để nâng đỡ những mảnh đời bất hạnh. Nghĩ là làm, suốt từ năm 2004 đến nay, qua cơ sở thêu của mình, bà Hoàng Thị Khương đã dạy nghề cho nhiều thanh thiếu niên có hoàn cảnh khó khăn.

Còn tại làng nghề điêu khắc Nhân Hiền, xã Hiền Giang (huyện Thường Tín) ông Nguyễn Văn Trúc, Chủ tịch Hội điêu khắc gỗ thôn Nhân Hiền hàng chục năm nay đã thầm lặng nối nghề và dạy nghề miễn phí cho thanh niên địa phương. Theo đó, làng nghề điêu khắc Nhân Hiền được tỉnh Hà Tây (cũ) công nhận là làng nghề truyền thống năm 2005. Tuy nhiên, số lượng hộ theo nghề chưa chiếm đến một phần ba. Đau đáu với điều đó, nghệ nhân Nguyễn Văn Trúc luôn động viên con cháu trong họ cũng như thanh niên trong làng theo nghề, giữ nghề và phát triển làng nghề, ông dạy miễn phí cho từng người nếu có lòng đam mê. Đến nay, nghệ nhân Nguyễn Văn Trúc đã truyền nghề cho trên 200 người, trong đó nữ chiếm gần 10% và hầu hết tất cả số lao động qua đào tạo đều sống được bằng nghề. Không ít người đã mở xưởng tại các tỉnh như Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang…

Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Lấy gương người tốt, việc tốt để hằng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới”. Ở những tấm gương sáng song rất đỗi bình dị như ông Nguyễn Đình Mùa, bà Trần Thị Bích Được, Hoàng Thị Khương… dù cách thực hiện khác nhau nhưng điểm chung giữa họ là tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khơi dậy khát vọng, niềm tin, dẫn bước để họ học tập, làm theo bằng lối sống đẹp. Chính những việc làm, hành động tuy nhỏ của mỗi cán bộ, đảng viên nhưng lại tạo nên những giá trị lớn, sức mạnh tổng hợp để góp phần xây dựng, bảo vệ quê hương đất nước như cha ông ta đã đúc kết: “Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao”./.

Đinh Luyện – Phạm Thảo