Có dịp ghé thăm làng nghề Vạn Phúc (Hà Nội), không ít người bị thu hút bởi “căn phòng” nhỏ, trưng bày những bức tranh dân gian bằng vải sinh động, đầy màu sắc. Đó là địa chỉ làm việc của hợp tác xã Vụn Art – nơi những người khuyết tật ngày ngày sáng tạo, tỉ mỉ cắt ghép lụa vụn tạo lên những sản phẩm thủ công độc đáo, chất lượng cao.
Các nhân viên “đặc biệt “của Vụn Art. |
Hợp tác xã Vụn Art được thành lập, điều hành bởi một người khuyết tật giàu nghị lực – anh Lê Việt Cường (sinh năm 1977), Chủ tịch Hội người khuyết tật quận Hà Đông. Anh Cường cho biết, năm 1998, sau khi tốt nghiệp đại học, về công tác tại Viện Châm cứu Trung ương, anh được tiếp xúc với nhiều người khuyết tật đến điều trị. Quá trình làm việc tại đây giúp anh nhận thấy, điều trị bằng y học giúp người khuyết tật phục hồi chức năng, kích thích sự sáng tạo, nhưng khi chưa có việc làm, thu nhập để làm chủ cuộc sống, thì họ vẫn thiếu tự tin để hòa nhập xã hội. Từ đó, anh Cường nung nấu ý tưởng tạo việc làm cho người khuyết tật.
Chủ động quan sát thị trường, bền bỉ tích lũy kinh nghiệm, nguồn vốn, năm 2013, anh Lê Việt Cường và một số người khuyết tật cùng chí hướng thành lập Công ty Kym Việt, chuyên sản xuất thú nhồi bông, tạo việc làm cho hàng chục lao động khuyết tật.
“Năm 2017, có một người anh xuống thăm Kym Việt và ngồi ghép những mảnh vải vụn lại với nhau. Anh chia sẻ gia đình anh cũng có một người con bị chậm phát triển trí tuệ và muốn dạy nghề ghép vải vụn thành tranh cho các bạn tự kỷ, khuyết tật về trí tuệ. Nhận thấy đây là công việc phù hợp với sức khỏe của lao động khuyết tật, lại tận dụng được nguồn nguyên liệu sẵn có tại làng lụa Vạn Phúc nên tôi đã cùng bắt tay với người anh đó triển khai Vụn Art và hoạt động đến tận bây giờ”, anh Cường chia sẻ.
Các nhân viên “đặc biệt” của Vụn Art đang miệt mài cắt, ghép các sản phẩm”. |
Anh Cường cho biết thêm, để có nguồn nhân lực phù hợp, anh đã tổ chức các lớp dạy nghề cho người khuyết tật, rồi nhận họ vào làm việc. Việc đào tạo cho người khuyết tật gặp rất nhiều khó khăn và tốn kém, song không vì thế mà anh Cường từ bỏ. Sau 7 năm đi vào hoạt động, Vụn Art đã tạo việc làm, mang đến cơ hội hòa nhập cho hơn 20 lao động.
Trong đó có thể kể đến trường hợp của Bùi Thu Dung (trú tại phường Vạn Phúc, quận Hà Đông). Trước đây, Dung là một người lành lặn, sau một vụ tai nạn, cô không may bị khuyết tật trí tuệ và liệt nửa người. Từ một người thiếu tự tin vào bản thân, khả năng nhận thức kém, hiện nay, Dung tự tin, hoạt bát, đảm nhiệm khâu xếp và cắt giấy trong quy trình làm ra sản phẩm. Được biết, thu nhập hiện tại của Dung là khoảng 2.5 triệu đồng/tháng, số tiền này đã giúp Dung trang trải được những nhu cầu cơ bản trong cuộc sống.
“Đến với Vụn Art, em có nhiều bạn bè, trở nên cởi mở và tự tin hơn, dù thu nhập không quá cao, nhưng nó giúp em cảm thấy cuộc sống của mình có giá trị và ý nghĩa. Em muốn gửi lời cảm ơn chú Cường và Vụn Art vì đã mở ra một cuộc đời mới cho em”, Thu Dung chia sẻ.
Nâng cao giá trị sản phẩm để thu hút khách hàng
Theo tìm hiểu, nguồn nguyên liệu chính để làm ra sản phẩm của Vụn Art là vải vụn, vải thừa tận dụng từ làng nghề lụa Vạn Phúc. Dùng phương pháp thủ công (cắt, ghép, dán…), qua đôi bàn tay khéo léo của những người thợ khuyết tật, những tác phẩm nghệ thuật dần hình thành. Đó là những bức tranh vải, túi vải thời trang, bưu thiếp… đủ màu sắc, mang đậm nét văn hóa dân gian với họa tiết của dòng tranh Đông Hồ hay biểu tượng Khuê Văn Các, chùa Một Cột, Hồ Gươm, làng cổ Đường Lâm, làng lụa Vạn Phúc… Những sản phẩm thân thiện với môi trường, lại có giá trị thẩm mỹ nên được nhiều người tiêu dùng đón nhận.
Chị Trần Quỳnh Hoa (Phú Diễn, Nam Từ Liêm) một khách hàng thân thiết của Vụn Art cho biết: “Lần đầu tiên tôi biết đến Vụn Art là do bạn bè giới thiệu. Sau khi đặt mua một số sản phẩm, tôi khá bất ngờ vì chất lượng sản phẩm tốt, cảm giác được làm rất cẩn thận, tỉ mỉ và quyết định ủng hộ lâu dài”.
Anh Lê Việt Cường chia sẻ về sản phẩm mà Vụn Art được các công ty lớn đặt hàng. |
Thật đặc biệt, khi năm 2019, sản phẩm của Vụn Art được thành phố Hà Nội thẩm định đánh giá OCOP 4 sao – hàng thủ công đạt chất lượng xuất khẩu, đại diện cho thương hiệu Quốc gia. Do nhu cầu của thị trường, ngoài tranh ghép vải Vụn Art đã phát triển thêm những dòng sản phẩm mới phục vụ đời sống, du lịch, quà tặng như: túi vải, áo phông, áo dài, ví vải… đủ sức đáp ứng về chuyên môn và kỹ thuật cho những đơn hàng quốc tế.
Ngoài sản phẩm, Vụn Art còn tổ chức hoạt động trải nghiệm sáng tạo vừa để quảng bá vừa để truyền bá giá trị di sản và giao thoa văn hóa với các nước được tổ chức thường xuyên cùng với sản xuất đã làm tăng ý nghĩa xã hội của Vụn Art. Những hoạt động này là một cách để người khuyết tật hòa nhập với cộng đồng.
Năm 2019, Vụn Art đã ký kết hợp đồng đưa khách nước ngoài đến thăm quan trải nghiệm tại Làng lụa Vạn Phúc với Công ty du lịch như: Miền Á Đông, AURORA, EVIVA. Rất tiếc, do dịch bệnh Covid-19 nên hoạt động này bị gián đoạn từ tháng 2/2020.
Các sản phẩm của Vụn Art độc đáo, có tính nghệ thuật cao. |
Chia sẻ về định hướng phát triển trong thời gian tới, anh Cường cho biết, Vụn Art đang nỗ lực mở rộng mô hình, vươn lên phát triển theo hướng bền vững. Đẩy mạnh các kênh thương mại, tận dụng và ứng dụng công nghệ vào sản xuất, kinh doanh, cá nhân hóa từng sản phẩm và luôn luôn đổi mới, sáng tạo trên từng sản phẩm.
Vụn Art mong rằng Nhà nước sẽ có thêm những cơ chế, chính sách hỗ trợ về vốn cho những doanh nghiệp, hợp tác xã giải quyết việc làm cho những người yếu thế gắn với nền kinh tế tuần hoàn, cũng như khuyến khích tiêu thụ sản phẩm tái chế mang đậm tính văn hoá, góp phần bảo vệ môi trường giống như các sản phẩm của Vụn Art. Để từ đó doanh nghiệp, hợp tác xã có thể phát triển bền vững, chinh phục được thị trường trong nước và quốc tế. Trước mắt Vụn Art mong muốn sẽ được Nhà nước hỗ trợ địa điểm làm việc rộng rãi, thuận lợi hơn vì hiện tại các cơ sở của Vụn đang bị phân tán vì không có địa điểm phù hợp
“Năm nay, Vụn hướng tới việc cá nhân hóa các sản phẩm lấy cảm hứng mỹ thuật dân gian. Ngoài túi xách, tranh, chúng tôi sản xuất thêm các mẫu áo phông độc đáo mang chủ đề Rồng, hay các mẫu đồ chơi như tranh ghép, bàn cờ cá ngựa bằng vải”, anh Cường nói.
Ngoài sản xuất, Vụn Art luôn mở cửa chào đón các đoàn khách trong nước và quốc tế tới tham quan và trải nghiệm trực tiếp công việc ghép tranh từ vải vụn. Trong năm 2024, Vụn Art dự định mở rộng mặt bằng để tạo ra mô hình nhà xưởng kết hợp với một quán trà trưng bày các sản phẩm. Đáng lưu ý, nhiệm vụ vận hành mô hình mới này sẽ do các lao động khuyết tật đảm nhận dưới sự hỗ trợ của những người bình thường để tạo sự gắn kết, phát triển bền vững hơn.