Một góc Thủ đô Hà Nội. Ảnh: Phương Ngân |
Tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 5 mới đây, vấn đề thử nghiệm có kiểm soát trong dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được các đại biểu thảo luận sôi nổi.
Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (Đoàn tỉnh Lạng Sơn) đánh giá cao quy định tại Điều 25 dự thảo Luật về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị tiếp cận theo hướng thận trọng, bảo đảm kiểm soát tốt, giới hạn cụ thể một số lĩnh vực được phép thử nghiệm.
“Theo kinh nghiệm quốc tế, các lĩnh vực được áp dụng cơ chế thử nghiệm sẽ do thị trường quyết định là chính, nhưng thường là lĩnh vực tài chính, ngân hàng (Fintech), lĩnh vực giáo dục (Aptech) hoặc lĩnh vực y tế (Medtech).
Dự thảo Luật chủ yếu tập trung quy định đầu vào của cơ chế thử nghiệm mà chưa quy định về đầu ra, như việc rút khỏi cơ chế thử nghiệm như thế nào, hậu quả pháp lý khi kết thúc cơ chế thử nghiệm ra sao. Vì vậy, đề nghị xem xét bổ sung các nội dung này trong dự thảo Luật”, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa đề nghị.
Cùng quan tâm đến nội dung này, đại biểu Trần Văn Khải (Đoàn tỉnh Hà Nam) cho biết, trên thế giới có 73 nước có quy định liên quan đến việc thử nghiệm có kiểm soát, tập trung vào công nghiệp và công nghệ số đưa vào các lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội.
Đại biểu băn khoăn khi dự thảo Luật định nghĩa về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát, trong đó có nêu một số ý lớn như quy định về phạm vi thử nghiệm, quyền hạn quyết định giới hạn không gian, thời gian, đối tượng, thủ tục có tính chất bao quát như một luật chuyên ngành. Quy định như vậy chỉ áp dụng cho Thủ đô hay có thể trở thành mẫu cho luật chuyên ngành về sau, vì định nghĩa chung, thủ tục chung, không phải là đặc thù hay ưu tiên quyền hạn cho Thủ đô?
Tại điểm 5 Điều 25 dự thảo Luật quy định “Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội có quyền quyết định cho miễn trừ áp dụng một số quy định của luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ, thông tư của bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi, giới hạn thử nghiệm phù hợp với yêu cầu, mục đích thử nghiệm”.
Đại biểu Trần Văn Khải cho rằng, quy định về quyền quyết định miễn trừ áp dụng quy định của Luật cho Hội đồng nhân dân Thành phố là quy định vượt thẩm quyền, cần có các điều kiện cụ thể, lĩnh vực cụ thể mới được thực hiện, tránh áp dụng tùy tiện hay tạo ra cách hiểu, cách áp dụng pháp luật thiếu thống nhất.
“Cần sửa Điều 25 phù hợp với yêu cầu và thực tế áp dụng ở Việt Nam, theo hướng quy định cơ chế, phạm vi, điều kiện giới hạn theo từng lĩnh vực phù hợp với điều kiện đặc thù, không nên quy định chung để có thể áp dụng tràn lan, dễ sơ hở”, đại biểu Trần Văn Khải nêu rõ.
Phải có cơ chế để khuyến khích, thúc đẩy
Đại biểu Trịnh Xuân An (Đoàn tỉnh Đồng Nai) bày tỏ đồng tình với phân tích của đại biểu Trần Văn Khải. Theo đại biểu Trịnh Xuân An, thử nghiệm có kiểm soát hiện nay mới đang dự kiến áp dụng cho Fintech. Tuy nhiên, trong dự thảo Luật phạm vi tương đối rộng.
Nhấn mạnh thử nghiệm sẽ gắn với rủi ro, gắn với rủi ro phải loại trừ một số trách nhiệm, đại biểu đề nghị rà soát lại để có thể đưa một số loại trừ trách nhiệm trong thử nghiệm này, phải có tiêu chí. Về lĩnh vực thử nghiệm, đại biểu nêu ví dụ như lĩnh vực tài chính, trong chuyển đổi số, trong AI hoặc trong bán dẫn, một số cái gắn trực tiếp với sự phát triển kinh tế – xã hội của Thủ đô và xu hướng, chứ không nên rộng quá.
“Tôi thấy có những điều mà việc kiểm soát, cơ chế hướng dẫn kiểm soát chặt quá, dẫn đến việc rất khó thử nghiệm. Tại khoản 7 Điều 25 phần kiểm soát nếu viết như thế này khó có doanh nghiệp, cá nhân nào dám thử nghiệm, bởi vì phần kiểm quá chặt. Tôi đề xuất rà soát lại để làm sao thử nghiệm phải có cơ chế để khuyến khích, thúc đẩy”, đại biểu Trịnh Xuân An nói.
Đại biểu Nguyễn Hải Dũng (Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định) đánh giá cao những quy định tại Điều 25 dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Góp ý trực tiếp vào điểm e khoản 7 Điều 25 về “Cơ quan hướng dẫn và kiểm soát quá trình thử nghiệm có quyền yêu cầu tạm dừng thử nghiệm hoặc đề xuất Ủy ban nhân dân Thành phố quyết định chấm dứt thử nghiệm”, đại biểu cho rằng, sẽ dẫn đến hậu quả pháp lý là cơ quan tổ chức đề xuất thử nghiệm phải dừng hoạt động thử nghiệm của mình.
Theo đại biểu, có hai vấn đề đặt ra. Thứ nhất là khi đó tổ chức và doanh nghiệp đề xuất thử nghiệm có được quyền khiếu nại hoặc khởi kiện tại Tòa án hay không? Trong dự thảo Luật cũng chưa quy định tổ chức và doanh nghiệp đề xuất thử nghiệm này có được quyền khởi kiện tại Tòa án hoặc khiếu nại đến Ủy ban nhân dân Thành phố. “Đề nghị quy định ngay trong Luật này để bảo đảm tính minh bạch của quy định”, đại biểu nói.
Vấn đề thứ hai theo đại biểu Nguyễn Hải Dũng là liên quan đến việc xét xử của Tòa án. Khi Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội xét xử, có được lấy quy chế thử nghiệm do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành để làm căn cứ pháp lý ra phán quyết hay không?
“Nếu Tòa án thành phố Hà Nội vẫn căn cứ vào những quy định pháp lý hiện hành để xử lý đối với những khởi kiện này, tôi nghĩ không hợp lý. Có lẽ cần phải lấy quy chế của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành để làm căn cứ ra phán quyết của mình, tôi nghĩ sẽ phù hợp với việc thử nghiệm khó kiểm soát ở đây”, đại biểu nêu quan điểm.
Đại biểu đoàn Nam Định cũng cho rằng, trên thực tế cũng có những thử nghiệm có kiểm soát như xem xét ứng dụng công nghệ của Nhật Bản để xử lý nước sông Tô Lịch. Trong tương lai, nếu như sự phát triển của thế giới thì có lẽ sẽ phải triển khai đến việc dùng drone để vận chuyển, ship hàng đến các địa điểm. Theo đại biểu, trong tương lai, Hà Nội cũng có thể thử nghiệm thực tế hình thái này…
Phương Thảo
Xây dựng cơ chế “thử nghiệm có kiểm soát”: Để Hà Nội phát triển bền vững (laodongthudo.vn)