Bên cạnh đó, đại biểu Bùi Hoài Sơn (Đoàn thành phố Hà Nội) cho rằng, có nhiều vấn đề liên quan đến những khó khăn trong phát triển văn hóa, không chỉ đúng đối với văn hóa của Thủ đô mà còn đúng với văn hóa của cả nước.
Chính vì vậy, đại biểu mong muốn rằng một số chính sách, giải pháp đặc thù vượt trội cho phát triển văn hóa Thủ đô cũng sẽ được áp dụng cho các thiết chế, cho các hoạt động văn hóa của các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn Thủ đô.
Đại biểu Bùi Hoài Sơn (Đoàn thành phố Hà Nội). (Ảnh: Quốc hội) |
Cụ thể như ở Điều 39 là việc thực hiện đầu tư theo phương thức đối tác công tư của thành phố Hà Nội hay Điều 41 về quản lý, sử dụng tài sản công và khai thác công trình hạ tầng thì quy định cho các cơ quan, tổ chức của thành phố Hà Nội, trong đó có các hạ tầng về văn hóa, thể thao được ký hợp đồng nhượng quyền khai thác, quản lý với các nhà đầu tư, doanh nghiệp để khai thác công trình, hạng mục công trình trong một thời gian nhất định.
“Tôi mong rằng phạm vi áp dụng của những chính sách này sẽ được mở rộng hơn cho các dự án, các thiết chế văn hóa, thể thao của Trung ương ở Hà Nội để chúng ta có thể giải quyết được những vấn đề bức xúc ở các dự án các thiết chế văn hóa, thể thao như tại Khu Liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình, Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam hay một số các thiết chế văn hóa, thể thao khác”, đại biểu nói.
Đại biểu Phạm Văn Thịnh (Đoàn tỉnh Bắc Giang) cho rằng dự thảo Luật đã được tiếp thu các ý kiến đại biểu một cách rất chất lượng.
Đại biểu Phạm Văn Thịnh (Đoàn tỉnh Bắc Giang). (Ảnh: Quốc hội). |
“Với các cơ chế, chính sách này, tôi nghĩ thủ đô sẽ có một bước phát triển rất đột phá. Không riêng có ý nghĩa cho Thủ đô mà những cơ chế, chính sách này khi chúng ta nghiên cứu kỹ sẽ thấy được những kinh nghiệm cho các địa phương trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phát triển của mình có thể có những bài học cho riêng mình vận dụng vào cơ chế, chính sách này”, đại biểu nói.
Đại biểu Phạm Văn Thịnh bày tỏ đồng tình với ý kiến của đại biểu Bùi Hoài Sơn, cho rằng các cơ chế, chính sách về văn hóa không chỉ dành riêng cho các thiết chế thuộc thẩm quyền của các cấp chính quyền của thành phố Hà Nội quản lý, mà nên dành cơ chế này cho các thiết chế văn hóa do các bộ, ngành.
Xây dựng trung tâm công nghiệp văn hóa tại bãi sông
Đại biểu Nguyễn Thị Sửu (Đoàn tỉnh Thừa Thiên Huế) nhìn nhận, dự thảo Luật xác định yêu cầu xây dựng văn hóa người Hà Nội hào hoa, thanh lịch, nghĩa tình, văn minh tiêu biểu cho văn hóa lương tri và phẩm giá con người Việt Nam là thể chế hóa đúng tinh thần nghị quyết của Đảng và pháp luật Nhà nước.
Đại biểu Nguyễn Thị Sửu (Đoàn tỉnh Thừa Thiên Huế). (Ảnh: Quốc hội) |
Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, cần đưa ra những cơ chế, chính sách đãi ngộ phù hợp đối với người có tài năng xuất sắc trong bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể, vật thể để khuyến khích, tạo điều kiện cho họ hành nghề và truyền nghề hiệu quả, mang lại giá trị cuộc sống thiết thực.
Tán thành quy định về khu thương mại và văn hóa tại khoản 7 Điều 21 dự thảo Luật, tuy nhiên, đại biểu cho rằng, đây chỉ mới quy định việc thành lập, tổ chức hoạt động và quản lý đối với thương mại.
Trong khi đó, yêu cầu của quy định này là phát triển khu thương mại văn hóa là chuỗi, làm sao phát triển thương mại gắn với văn hóa và cần định hình được văn hóa thương mại trong phát triển. Vì vậy, đại biểu Nguyễn Thị Sửu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung, hoàn chỉnh vấn đề này.
Cũng liên quan đến chính sách văn hóa, đại biểu Nguyễn Hải Anh (Đoàn tỉnh Đồng Tháp) đề nghị làm rõ hơn các căn cứ về xây dựng trung tâm công nghiệp văn hóa tại bãi sông, bãi nổi sông Hồng.
Đại biểu Nguyễn Hải Anh (Đoàn tỉnh Đồng Tháp). (Ảnh: Quốc hội) |
Theo dự thảo Luật, khu phát triển thương mại và văn hóa là tổ chức được thành lập, tổ chức hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, tự quản. Tuy nhiên, trong dự thảo Luật lại giao quyền cho khu phát triển thương mại văn hóa được thành lập hội đồng quản lý nhằm quản lý, điều hành hoạt động của khu; được quyết định các khoản thu để thực hiện nhiều nội dung chi trả.
“Việc quy định các khoản thu, danh mục, nguyên tắc căn cứ xác định mức thu, việc miễn giảm, việc thu nộp, quản lý và sử dụng các khoản thu trên địa bàn thành phố thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân Thành phố.
Đề nghị quy định rõ hơn phạm vi và đối tượng áp dụng các khoản thu này cho phù hợp và khuyến khích sự phát triển. Mặt khác, đề nghị rà soát kỹ các nội dung chi đảm bảo đúng mục đích”, đại biểu đề nghị.