Xây dựng đô thị văn minh bắt đầu từ ý thức

Xây dựng văn minh đô thị đã và đang trở thành phong trào lan tỏa sâu rộng tại các địa phương trên địa bàn Hà Nội. Thành quả đạt được đã góp phần làm thay đổi diện mạo đô thị, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân.

Nhiều chuyển biến tích cực

Điểm nhấn trong công tác xây dựng văn minh đô thị thời gian qua là việc lập lại trật tự lòng đường, vỉa hè đã và đang được các cấp chính quyền Thủ đô vào cuộc quyết liệt.

Sau thời gian cao điểm tổ chức ra quân kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự đô thị, an toàn giao thông, trật tự công cộng… tình trạng lấn chiếm lòng đường vỉa hè làm nơi kinh doanh, dừng đỗ phương tiện trên địa thành phố Hà Nội đã có những chuyển biến tích cực được nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.

Xây dựng đô thị văn minh bắt đầu từ ý thức
Thời gian qua, các cấp chính quyền đã có nhiều nỗ lực trong việc giữ gìn trật tự đô thị. Ảnh: Minh Phương

Tại quận Ba Đình, thực hiện Kế hoạch số 01 của Ban Chỉ đạo Thành phố, thời gian qua, quận Ba Đình đã tiến hành tổng kiểm tra, xử lý, giải quyết vi phạm trật tự, an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng và bước đầu mang lại chuyển biến tích cực.

Trong quý I/2023, quận Ba Đình đã tổ chức lực lượng tuần tra, kiểm soát 1.123 lượt; kiểm tra, xử lý tổng số 3.039 trường hợp vi phạm về trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị, so với quý I/2022, tăng 1.740 trường hợp. Các phường trên địa bàn quận Ba Đình cũng đồng loạt tổ chức ra quân tổng kiểm tra, xử lý, giải quyết vi phạm về trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng.

Điểm mới trong kế hoạch ra quân lần này là Công an quận được giao nhiệm vụ chỉ đạo Công an các phường tham mưu Đảng ủy, Ủy ban nhân dân xây dựng, triển khai kế hoạch cụ thể, phân công lực lượng tổ chức kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm theo hình thức “cuốn chiếu”, làm từng tuyến phố, từng khu vực, không bỏ sót vi phạm và có biện pháp duy trì chống tái phạm. Ban Chỉ đạo 197 quận Ba Đình lựa chọn 19 tuyến phố điểm về trật tự và văn minh đô thị, gồm 5 tuyến phố chính: Văn Cao – Liễu Giai – Nguyễn Chí Thanh, Kim Mã – Nguyễn Thái Học, Láng Hạ – Giảng Võ, Đội Cấn, Hoàng Hoa Thám và 14 tuyến phố chính tại 14 phường.

Còn tại quận Đống Đa, từ đầu tháng 3/2023 đến nay, lực lượng chức năng quận Đống Đa đã tổ chức tuyên truyền, ký cam kết đến các hộ gia đình mặt phố với các nội dung: Thực hiện nếp sống văn hóa, không lấn chiếm lòng đường, hè phố làm nơi kinh doanh, buôn bán, trông giữ phương tiện, không vứt rác ra đường, tự tháo dỡ các mái che, mái vẩy, bục, bệ, cầu dẫn, biển quảng cáo không đúng quy định; tuyên truyền, vận động các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp có trụ sở, dự án, công trình đang xây dựng trên địa bàn ủng hộ chủ trương, kế hoạch đảm bảo trật tự an toàn giao thông, trật tự công cộng, trật tự đô thị của chính quyền địa phương; tuyên truyền, vận động cơ sở kinh doanh trên địa bàn chấp hành các quy định của pháp luật về đảm bảo trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị và trật tự công cộng…

Nâng cao ý thức của người dân

Cùng với hoạt động ra quân lập lại trật tự đô thị, công tác tuyên truyền đã được các quận, huyện, thị xã… trên địa bàn Thành phố chú trọng thực hiện bằng nhiều hình thức phù hợp với đặc điểm từng địa bàn, tuyến đường. Đáng ghi nhận, các địa phương đã tích cực “đến từng ngõ, gõ từng nhà” vận động, kêu gọi sự hưởng ứng của nhân dân. Từ đó, người dân dần tự giác trong thực hiện xây dựng văn minh đô thị, chấp hành tốt các quy định về sử dụng vỉa hè, nếp sống văn hóa khu dân cư.

Chuyển biến rõ nhất là tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường và đậu đỗ phương tiện giao thông trái quy định gây mất trật tự, mỹ quan đô thị… từng bước được chấn chỉnh.

Trong công tác xây dựng trật tự, văn minh đô thị, nhiều chuyên đề cũng được triển khai hiệu quả như xử lý triệt để ách tắc giao thông tại các khu vực trọng điểm, xây dựng các tuyến phố kiểu mẫu, từng bước nâng cao văn hóa ứng xử của người dân… góp phần tạo nên diện mạo mới trên địa bàn.

Tiêu biểu như tại phường Hàng Đào (quận Hoàn Kiếm) đã thường xuyên ra quân tuyên truyền, vận động, xử lý nghiêm vi phạm về chiếm dụng vỉa hè, lòng đường để kinh doanh buôn bán; xe ô tô, mô tô dừng, đỗ sai quy định; các trường hợp trông giữ phương tiện không phép, sai phép, thu quá giá quy định…

Bên cạnh đó, một số người dân, tổ chức, tổ dân phố có nhiều sáng tạo trong việc giữ gìn trật tự, văn minh đô thị như trồng hoa trang trí trước cửa nhà của các hộ dân, vẽ trang trí các tủ điện của Đoàn Thanh niên, phong trào quét dọn vệ sinh môi trường ngày càng lan tỏa, người dân tự tháo dỡ mái che mái vẩy, hạn chế lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh…

Còn tại huyện Thạch Thất, để hướng tới một làng quê ngày càng xanh, sạch, đẹp, thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện đã tích cực tham gia bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới hiện đại, văn minh.

Chủ tịch Hội LHPN huyện Thạch Thất Khuất Thị Khuyên cho biết, các hội viên Hội LHPN huyện Thạch Thất đã phát động sâu rộng và mang lại hiệu quả thiết thực trong nhiều hoạt động bảo vệ môi trường.

Đặc biệt, Hội LHPN huyện đã phát động chương trình “Phụ nữ Thạch Thất vun trồng tương lai” và phát động cuộc thi “Đoạn đường, tuyến phố bích họa, nở hoa” năm 2023 đến 100% cơ sở, góp phần lan tỏa tinh thần “Mỗi phụ nữ – một cây xanh”, “Mỗi cơ sở hội – một công trình cây xanh”; duy trì và nâng cao chất lượng 113 đoạn đường hoa và điểm hoa; 85 điểm nhà văn hóa và ra quân vệ sinh môi trường vào thứ Bảy, Chủ nhật hằng tuần, giúp cảnh quan trên địa bàn huyện ngày sạch, đẹp hơn.

Những nỗ lực của chính quyền và nhân dân trong công tác xây dựng văn minh đô thị đã góp phần thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, bên cạnh sự nỗ lực của các cấp chính quyền thì việc xây dựng ý thức chấp hành của con người là quan trọng. Cùng với đó để duy trì kỷ cương phải áp dụng các biện pháp xử lý mạnh mẽ, quyết liệt và đồng bộ. Mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị, đặc biệt là mỗi người dân cần nâng cao ý thức tự giác trong việc giữ gìn đô thị văn minh.

Kim Tiến

Xây dựng đô thị văn minh bắt đầu từ ý thức (laodongthudo.vn)