Xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở

Là vùng đất giàu truyền thống, bản sắc văn hóa, Hà Nội luôn coi trọng xây dựng và phát triển đời sống văn hóa, phát huy nét đẹp của người Tràng An. Nhìn từ Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025” có thể thấy được rõ nét điều này. Tại cấp cơ sở đã và đang có nhiều cá nhân, mô hình hay góp phần phát huy hiệu quả trong việc vun đắp, lan tỏa nét đẹp văn hóa người Hà Nội. Hơn hết, trong mọi hoàn cảnh, tính tiên phong, vai trò nêu gương của đảng viên là hết sức cần thiết và quan trọng, giúp định hướng và lan tỏa phong trào một cách sâu rộng.

 

Để phát triển văn hóa Hà Nội, đưa văn hóa thành nguồn lực nội sinh bền vững và từng bước nâng cao chất lượng sống của người dân, Đại hội XVII Đảng bộ Hà Nội nhiệm kỳ 2020-2025 xác định rõ và toàn diện về nhiệm vụ phát triển văn hóa, xây dựng con người Hà Nội. Đại hội nêu rõ nhiệm vụ trọng tâm: “Chú trọng phát triển văn hóa Hà Nội trên cơ sở phát huy truyền thống ngàn năm văn hiến và anh hùng; Thành phố vì hòa bình, tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại; Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, phát triển toàn diện với những giá trị nhân văn và tinh thần yêu nước sâu sắc, ý thức tôn trọng pháp luật; Giàu lòng tự hào dân tộc, ý chí, khát vọng phát triển; Coi đây là sức mạnh nội sinh, động lực tinh thần to lớn để phát triển Thủ đô bền vững” và xác định một trong ba khâu đột phá của nhiệm kỳ là “Đưa văn hóa và con người Hà Nội thực sự trở thành giá trị tinh thần to lớn, nguồn lực nội sinh quan trọng quyết định sự phát triển bền vững Thủ đô”.

Ấn chứng với điều này, gia đình văn hóa, làng văn hóa, tổ dân phố văn hóa, đơn vị văn hóa là các mô hình được thành phố Hà Nội triển khai sâu rộng từ nhiều năm nay và nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của các cấp chính quyền, các tầng lớp nhân dân. Nhờ những nhân tố này, nếp sống văn minh trên địa bàn Thủ đô được nhân rộng, các tệ nạn xã hội được đẩy lùi, lối sống, lối ứng xử không phù hợp đang được xóa bỏ.

Tại Tổ dân phố số 11 phường Bưởi (quận Tây Hồ), những ngày này, mặc dù bận rộn với nhiều công việc nhưng người dân trong Tổ vẫn thu xếp thời gian, cùng nhau tổ chức dọn dẹp vệ sinh, bóc biển quảng cáo rao vặt và chỉnh trang những bức tường đã ngả màu thời gian. Bà Đặng Thị Thành – Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ số 11 phường Bưởi cho biết: Các mô hình bảo vệ môi trường luôn thu hút sự tham gia, hưởng ứng nhiệt tình từ các hội viên bởi phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương. Chính việc tham gia vào mô hình bảo vệ môi trường đã khiến bản thân các chị em của hội phụ nữ dần thay đổi tích cực trong ý thức và hành động. Từ đó nêu cao tinh thần trách nhiệm, nhắc nhở người xung quanh cùng tham gia. Điển hình của sự chung tay đó là đến nay Chi hội phụ nữ số 11, phường Bưởi đã xóa được 4 điểm chân rác.

Theo bà Thành, trước đây, tại 4 khu vực gồm: Số 9E ngõ 160, ngõ 76, ngõ 160 Lạc Long Quân, số 32/562 Thụy Khuê người dân vứt rác không đúng nơi quy định, biến các khu vực trên thành nơi tập kết rác thải gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị. Không đành lòng để phố phường xấu, bẩn, Chi hội phụ nữ đã báo cáo Ủy ban nhân dân và Hội Liên hiệp phụ nữ phường Bưởi, kêu gọi, vận động người dân cùng chung tay xóa dần các chân rác, trả lại môi trường sạch, đẹp cho khu vực.

Tương tự, phong trào “Ngày thứ Bảy xanh” đã được các tầng lớp phụ nữ phường Liễu Giai (quận Ba Đình) duy trì hàng tuần. Bà Nghiêm Thúy Trang – Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ phường Liễu Giai cho biết, trong các phong trào, mô hình bảo vệ môi trường của phụ nữ phường có phong trào “Ngày thứ Bảy xanh” được các cấp hội phụ nữ phường triển khai sâu rộng, gắn với thực hiện tiêu chí “3 sạch” trong thực hiện Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” và được mở rộng phạm vi, nội dung thực hiện, trở thành phong trào thi đua của các chi hội.

Đó là với khu vực nội thành, còn ở các huyện ngoại thành như Sơn Tây, Ba Vì, hiện phong trào cũng đang được lan rộng và thu được nhiều kết quả tích cực. Cụ thể, tại Tổ dân phố La Thành (phường Viên Sơn, thị xã Sơn Tây) người dân luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, cùng nhau xây dựng nếp sống văn hóa mới.

Ông Phí Đình Lộc – Trưởng ban công tác Mặt trận Tổ dân phố La Thành chia sẻ: Các gia đình trong Tổ dân phố La Thành chủ yếu là các hộ kinh doanh, buôn bán dịch vụ. Nhờ công tác tuyên truyền và khéo léo đoàn kết nên cán bộ và nhân dân Tổ dân phố luôn thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương; đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh; thường xuyên cải tạo cảnh quan môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp. Đến nay, đời sống vật chất, tinh thần của người dân trong Tổ dân phố ngày càng được nâng cao. Tổ dân phố không còn hộ nghèo, 97% số hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa.

Tại xã Tản Hồng (huyện Ba Vì), ông Phương Văn Liểu – Bí thư Đảng ủy xã Tản Hồng cho biết, phong trào “Xây dựng và giữ gìn thôn, xóm, ngõ sáng – xanh – sạch – đẹp, an toàn” đã, đang được triển khai rộng khắp và nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ, không chỉ trong cán bộ, đảng viên mà còn nhận được sự hưởng ứng tích cực của đông đảo quần chúng nhân dân tại địa phương.

Chúng ta phải hiểu sự thanh lịch hiện tại không giống như nghìn năm trước. Nét thanh lịch phải hiểu theo nghĩa khác. Nó không gói gọn trong ứng xử, trong lời ăn tiếng nói… Người Hà Nội, đến Hà Nội là những người có học, có hiểu biết. Bởi vậy, mỗi người phải tự mình giữ được những phẩm chất đẹp đó. Phải giữ được lối ứng xử, phải biết tự trọng bản thân, tôn trọng người khác và hơn hết là biết trọng pháp luật. Thanh lịch không phải là thứ gì đó quá xa vời và bắt nguồn từ chính những điều ấy.

TS NGUYỄN VIẾT CHỨC

NGUYÊN GIÁM ĐỐC SỞ VĂN HÓA HÀ NỘI, NGUYÊN PHÓ CHỦ NHIỆM ỦY BAN VĂN HÓA GIÁO DỤC QUỐC HỘI

Phát huy vai trò tiên phong của đảng viên, tại địa phương, các ban ngành, đoàn thể thường xuyên phát động phong trào thi đua, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện quy ước làng văn hóa, nếp sống văn hóa trong việc cưới, việc tang, tích cực tham gia chung sức xây dựng nông thôn mới. Các tổ chức hội, đoàn thể tuyên truyền, vận động hội viên tham gia công tác vệ sinh môi trường, đường làng, ngõ xóm, xây dựng mô hình nông thôn mới nâng cao gắn với mô hình sáng – xanh – sạch – đẹp.

Đáng chú ý, từ nguồn xã hội hóa, hiện nay toàn bộ các ngõ, xóm của Tản Hồng đều được lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng đảm bảo an toàn. Chỉ tính riêng trong quý I/2022. nhân dân trong xã đã đóng góp, ủng hộ kinh phí được gần 3 tỷ đồng xây dựng các khu di tích và các công trình phúc lợi.

Thực tế cho thấy, là một trong những nội dung cốt lõi trong Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội, việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh là định hướng xuyên suốt, bao trùm nhiều nhiệm kỳ, được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô coi trọng. Tác động của chương trình, ngoài sự chuyển biến của người dân trong nếp ăn, nếp ở, phát huy được sự chủ động, tiên phong của đảng viên, các tổ chức đoàn thể thì Chương trình số 06-CTr/TU còn có tác động đến những người trẻ. Phường Xuân Đỉnh (quận Bắc Từ Liêm) là ví dụ.

Tại đây, nhiều bạn trẻ đã đi đầu, xung kích, tình nguyện trong việc chung tay bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Từ những việc làm thiết thực, các bạn trẻ đã lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường, để mỗi người tự giác, nâng cao ý thức, chung tay vì một Hà Nội đáng sống. Bí thư Đoàn phường Xuân Đỉnh Dương Minh Tuấn cho biết, thời gian vừa qua, các bạn đoàn viên, thanh niên trên địa bàn phường đã thực hiện việc thu gom phế liệu, đổi lấy cây, tái chế sản phẩm từ phế liệu thành các vật dụng trang trí, trồng cây, cắm hoa… Sau đó, các bạn trẻ lại tự tay tái tạo ra những đồ dùng nhỏ nhắn, xinh xắn từ vỏ chai nhựa, phế liệu bỏ đi.

Số rác thải thu lọc được từ chương trình sau khi tập kết sẽ được sàng lọc để lấy những vật dụng còn dùng được, tái chế thành những chậu trồng hoa trưng bày trên các con đường hoa thanh niên làm đẹp cảnh quan môi trường; hoặc thành những đồ chơi ở trường học; đồ dùng trong gia đình. Số còn lại được bán để lấy tiền mua các vật dụng thân thiện với môi trường đổi cho người dân.

Không gói gọn trong văn minh cảnh quan, việc “tiếp lửa” cho các cảnh đời kém may cũng được không ít người đang thầm lặng triển khai. Mô hình phát triển kinh tế, đào tạo nghề tại Hợp tác xã Vụn Art là điển hình. Anh Lê Việt Cường, Chủ tịch Hội người khuyết tật quận Hà Đông, Giám đốc Hợp tác xã Vụn Art chia sẻ: Hợp tác xã Vụn Art được thành lập từ ý tưởng của anh Nguyễn Văn Trường, Phó Bí thư Thường trực Quận ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân quận Hà Đông. Anh Trường luôn mong muốn người khuyết tật có một sinh kế bền vững, họ có được học nghề và làm ra những sản phẩm, cạnh tranh được với các sản phẩm khác trên thị trường.
“Tháng 10/2017 tôi và anh Trường tổ chức lớp, để có học viên, tôi đã đi đến 17 phường trên địa bàn quận Hà Đông vận động người khuyết tật tham gia, lớp học được tổ chức miễn phí bằng nguồn tiền cá nhân của chúng tôi. Ban đầu sản phẩm chủ lực của Hợp tác xã là các loại tranh lụa ghép vải. Sau 5 năm phát triển, đến nay sản phẩm của Hợp tác xã Vụn Art rất đa dạng, mang tính ứng dụng cao như túi đựng chai nước, laptop, áo phông, áo dài”, đại diện Hợp tác xã Vụn Art thông tin.

ÔNG LÊ DOÃN HỢP
NGUYÊN BỘ TRƯỞNG BỘ VĂN HÓA VÀ THÔNG TIN

Ba yếu tố tạo nên
chuẩn mực văn hóa

Một người có văn hóa là người xuất hiện ở đâu cũng làm cho người khác dễ chịu (đó là văn hóa ứng xử); một người có văn hóa là một người mới gặp thì ngại, nói chuyện thì mang đến cảm giác vui vẻ, chia tay thì mong ngày gặp lại (đó là văn hóa trí tuệ); một người có văn hóa là một người luôn luôn hưởng thụ bằng thành quả lao động chính đáng của mình (đó là văn hóa vật chất).

Hội đủ 3 yếu tố này, chính là người có văn hóa chuẩn mực mà chúng ta mong muốn.

TIẾN SĨ VĂN HÓA HỌC NGUYỄN THỊ HỒNG
GIẢNG VIÊN CAO CẤP HỌC VIỆN BÁO CHÍ VÀ TUYÊN TRUYỀN

Quá trình đô thị hóa,
Hà Nội đã có nhiều biến đổi

Văn hóa của người Hà Nội cũng nằm trong dòng chảy của văn hóa Việt Nam, nằm trong quy luật kế thừa, giao lưu và tiếp biến. Có một câu hỏi khiến chúng ta không khỏi băn khoăn, đó là những giá trị chuẩn mực của văn hóa Tràng An có còn được như xưa, hay còn lại là bao nhiêu?

Phải thừa nhận rằng Hà Nội trong quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã có rất nhiều những biến đổi. Có cái thay đổi theo chiều hướng tích cực, có cái thay đổi không tích cực. Ngày hôm nay nhiều bạn trẻ không còn chú ý đến lời ăn tiếng nói và quên đi nhiều câu nói như: “Xin lỗi”, “xin cảm ơn”, “xin mời”, “xin chào”… Họ quan niệm rằng thời đại công nghệ thông tin thì chỉ cần lượng thông tin đầy đủ chứ không cần hình thức chuyển tải thông tin nữa.

Tôi cho rằng đây là điều cần chỉnh sửa trong văn hóa giao tiếp. Việc nói tục, chửi thề là biểu hiện của văn hóa giao tiếp. Đây là biểu hiện bên ngoài, nhưng nếu chúng ta không ngăn chặn, chỉnh sửa từ từ sẽ ngấm vào trong và gây tổn hại đến đạo đức và nhân cách.

ÔNG VŨ DƯ HÙNG
TRƯỞNG PHÒNG VĂN HÓA VÀ THÔNG TIN THỊ XÃ SƠN TÂY

Xây dựng nếp sống văn minh,
gia đình văn hóa

“Thị xã Sơn Tây thực hiện nghiêm túc sự chỉ đạo của Thành phố trong việc đẩy mạnh thực hiện “Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan” và “Quy tắc ứng xử nơi công cộng” gắn với gắn với thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “xây dựng người Hà Nội thanh lịch – văn minh”.

Trong 6 tháng năm 2022 UBND thị xã đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ nhằm thực hiện mục tiêu kế hoạch. Trong đó nổi bật là việc tăng cường tuyên truyền Bộ Quy tắc ứng xử trên các phương tiện thông tin đại chúng. Xây dựng trên 60 tin, bài trên Cổng thông tin điện tử thị xã và phát thanh tuyên truyền hơn 300 buổi trên trên hệ thống đài truyền thanh xã, phường. 15/15 xã, phường đã bổ sung tài liệu quy tắc ứng xử vào thư viện, tủ sách pháp luật, tủ sách của các nhà văn hóa, thôn, tổ dân phố theo định kỳ.

Thực hiện Quyết định số 22/2018/QĐ-TTg ngày 08/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước đến nay đã có 118/118 thôn, tổ dân phố có quy ước. Trong đó, đưa các nội dung về thực hiện pháp luật của Nhà nước, quy chế dân chủ ở cơ sở, chính sách dân số – kế hoạch hóa gia đình, xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa làm nội dung chính để tuyên truyền thực hiện. Quan tâm đưa các quy định chống hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, góp phần xây dựng thôn, tổ dân phố có nếp sống văn hóa, tiến bộ, kinh tế phát triển bền vững.

ÔNG PHƯƠNG VĂN LIỂU
BÍ THƯ ĐẢNG ỦY XÃ TẢN HỒNG

Cán bộ phải biết lắng nghe tiếng nói từ cơ sở

Lan tỏa 2 bộ quy tắc ứng xử là việc làm hết sức quan trọng bởi mỗi cán bộ công chức, viên chức khi thực hiện nhiệm vụ với công dân đều có vai trò quan trọng, góp phần xây dựng hình ảnh trong nhân dân.

Khi người cán bộ đảng viên biết khéo léo và ứng xử chuẩn mực trong vị trí công việc của mình sẽ góp phần hoàn thiện hình ảnh mình hơn trong mắt người dân. Với người dân, có thể có những việc mà chưa đáp ứng được tâm tư, nguyện vọng, có thể họ sẽ bức xúc khiến phát ngôn hoặc hành động thiếu chuẩn mực.

Khi người cán bộ công chức, viên chức được rèn luyện tác phong thì họ sẽ nghiên cứu căn nguyên, vấn đề. Chẳng hạn, nếu người dân nói đúng thì hoàn toàn có thể mạnh dạn xin lỗi hoặc bình tĩnh và nhẹ nhàng giải thích cho dân hiểu.

Không phải ngẫu nhiên mà Tản Hồng có thể huy động được xã hội hóa, huy động được sức dân. Bí quyết nằm ở việc công khai, dân chủ và thân thiện với quần chúng nhân dân. Cán bộ đảng viên có lối ứng xử với người dân phù hợp, lắng nghe người dân… Quan trọng hơn hết là cán bộ đi sâu, đi sát với nhân dân. Cán bộ cơ sở phải gắn với các ban, ngành, đoàn thể, thân thiện và hài hòa với cơ sở để lắng nghe tiếng nói cơ sở.

Nhờ sự chủ động gần dân và có lối ứng xử khéo léo, hơn 10 năm Tản Hồng không có đơn thư, khiếu nại vượt cấp. Khi xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, dồn điền đổi thửa… Tản Hồng cũng là địa phương tiên phong đi đầu của Ba Vì.

Được biết, trên chặng đường phát triển của mình, bên cạnh việc mở rộng và phát triển không gian sáng tạo, thu hút người trẻ tìm đến các chất liệu văn hóa truyền thống, Hợp tác xã Vụn Art cũng chú trọng đến vấn đề việc làm, đào tạo nghề miễn phí cho người khuyết tật trên cơ sở bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của dân tộc.

Rõ ràng, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng yếu, xuyên suốt trong quá trình phát triển của Thủ đô. Với định hướng của Chương trình 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025”, những giải pháp thiết thực, cách làm sáng tạo, lan tỏa đời sống văn hóa mới xuất hiện ngày một nhiều trong đời sống như mô hình đường hoa, xóa chân rác như ở Tổ dân phố số 11 phường Bưởi, huy động sức dân của xã Tản Hồng hay đào tạo việc làm, vực dậy những mảnh đời yếu thế ở Hợp tác xã Vụn Art… đã và đang phát huy hiệu quả trong việc vun đắp, lan tỏa nét đẹp văn hóa người Hà Nội.