Tham dự tọa đàm có Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Mạnh Quyền, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Bùi Huyền Mai, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thế Cương cùng đại diện các doanh nghiệp, các hội, hiệp hội văn hóa, nghệ thuật, di sản, đơn vị hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, sáng tạo, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, các văn nghệ sĩ, trí thức, cộng đồng sáng tạo đang hoạt động trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật…
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong phát biểu tại buổi tọa đàm
Phát biểu tại tọa đàm, bà Bùi Huyền Mai – Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy cho biết: Để thiết thực đưa Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVII vào đời sống xã hội, Hà Nội quyết tâm chuyển hóa cho được nguồn sức mạnh mềm văn hóa, thúc đẩy mạnh mẽ việc kế thừa và phát triển dòng chảy văn hóa, sáng tạo của Thủ đô ngàn năm văn hiến.
Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Bùi Huyền Mai phát biểu đề dẫn
Đảng bộ Thành phố quyết định lựa chọn xây dựng Nghị quyết chuyên đề “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” làm bước đột phá trong phát triển văn hóa Thủ đô với tầm nhìn rộng mở, nhằm bắt nhịp xu thế thời đại, trong đó, giai đoạn đầu thành phố sẽ tập trung khảo sát, đánh giá thực trạng, những thuận lợi, khó khăn, đồng thời tham vấn sáng kiến của các chuyên gia.
Xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra, Thành ủy Hà Nội tổ chức tọa đàm trên các lĩnh vực, cấp độ phù hợp có chủ đề “Phát triển công nghiệp văn hóa ở trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 – Thực trạng và giải pháp” với mong muốn nhận được sự đóng góp trí tuệ, sáng kiến tham vấn tâm huyết để xây dựng, phát triển Thủ đô của các chuyên gia trong nước và quốc tế, các nhà khoa học, các nhà quản lý, các doanh nghiệp, văn nghệ sỹ, trí thức và cộng đồng sáng tạo đang hoạt động trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật trên 12 lĩnh vực, gồm: Điện ảnh; Nghệ thuật biểu diễn; Quảng cáo; Thủ công mỹ nghệ; Phần mềm và các trò chơi giải trí; Truyền hình và phát thanh; Thời trang; Du lịch văn hóa; Kiến trúc; Thiết kế; Xuất bản; Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm.
Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Trần Thế Cương điều hành buổi tọa đàm.
Theo đó, buổi tọa đàm đã nhận được ý kiến tham luận của 12 nhà khoa học, văn nghệ sĩ, nghệ nhân, doanh nhân xoay quanh 4 nhóm vấn đề chính, gồm: (1) Nhận diện tiềm năng, thế mạnh của Hà Nội trong các lĩnh vực công nghiệp văn hóa. Đánh giá nguồn lực kinh tế các ngành công nghiệp văn hóa có thể đóng góp vào tăng trưởng GRDP của Thủ đô. (2) Thuận lợi và khó khăn trong quá trình phát triển hiện nay. (3) Những sáng kiến tham vấn, gợi mở; đề xuất với Thành phố các cơ chế, chính sách tạo điều kiện thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa phát triển. (4) Sự vào cuộc, đóng góp của doanh nghiệp, văn nghệ sĩ, trí thức và cộng đồng sáng tạo trong quá trình Thành phố triển khai thực hiện Nghị quyết.
Nhạc sĩ, nhà sản xuất âm nhạc Quốc Trung
Theo Nhạc sĩ, nhà sản xuất âm nhạc Quốc Trung: “Để đánh giá thực trạng tiềm năng phát triển của nền công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo của Thành phố cần có cách nhìn khách quan, hiểu biết và cần phải liên kết với các nền công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo của các nước phát triển tránh tình trạng tô hồng, ngợi ca về truyền thống mà có cách nhìn không thực tế về tiềm năng phát triển. Đời sống văn hóa là cơ sở bệ phóng cho sự phát triển minh chứng là chúng ta có một nền công nghiệp văn hóa phát triển”
Kiến trúc sư Đoàn Kỳ Thanh
Còn theo Kiến trúc sư Đoàn Kỳ Thanh, thành viên sáng lập không gian sáng tạo cho Thành phố như Zone 9 (Số 9 Trần Thánh Tông), X98 (98 Hoàng Cầu), Creative City (Số 1 Lương Yên): “Đời sống sáng tạo và đời sống văn hóa, công dân văn hóa sáng tạo cần triển khai thường xuyên, từ những việc làm hàng ngày. Từ những “Tổ- cộng đồng nhỏ” lan tỏa dần thông qua các mạng lưới để kết nối và cộng hưởng.
Buổi tọa đàm còn nhận được tham luận của Nhà báo Phùng Công Sưởng, Phó Tổng Biên tập báo Tiền Phong; ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch Le Group of Companies, Chủ tịch CLB Doanh nhân sáng tạo (VCE club); Tiến sĩ Ngô Phương Lan, Nhà phê bình lý luận Điện ảnh, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam; ông Nguyễn Thế Tân, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần VCCorp, đơn vị phát triển mạng xã hội Việt Nam- Lotus; NSUT Trần Ly Ly, Giám đốc Nhà hát Vũ kịch Việt Nam; ông Lê Bá Ngọc, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam (Vietcraff); Nghệ nhân, doanh nhân Hà Thị Vinh, Chủ tịch Hội làng nghề Hà Nội; Nhà biên kịch điện ảnh, nhà thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát; NSND Thúy Mùi, nguyên Giám đốc Nhà hát Chèo Hà Nội.
Phát biểu kết luận tại buổi tọa đàm, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong khẳng định: “Hà Nội là tỉnh thành đầu tiên trong cả nước xây dựng Nghị quyết chuyên đề về công nghiệp văn hóa”. Từ những ý kiến tham luận tại tọa đàm, Thành ủy sẽ tập trung thực hiện 3 nhóm vấn đề gồm: Xây dựng dự thảo Nghị quyết chuyên đề kèm theo xây dựng những Đề án, kế hoạch, chương trình, dự án cụ thể; Tiếp tục tham vấn ý kiến của các nhà khoa học, nhà quản lý, các văn nghệ sĩ, trí thức để đánh giá đúng trực trạng và tiềm năng, lợi thế của Hà Nội trong phát triển công nghiệp văn hóa; Đưa ra những giải pháp để triển khai thực hiện, trên cơ sở thống nhất trong nhận thức; đầu tư xây dựng hạ tầng, thiết chế văn hóa; hoàn thiện cơ chế chính sách; phát huy nguồn lực con người…để công nghiệp văn hóa của Thủ đô có thể vươn ra các nước trong Châu lục và trên thế giới.
Nghị quyết chuyên đề “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” hướng tới mục tiêu phát triển “Hà Nội trở thành 1 trong 3 trung tâm công nghiệp văn hóa của cả nước”; tạo nền tảng vững chắc, động lực quan trọng thúc đẩy xây dựng “Thành phố sáng tạo”.
Thanh Mai / nguoihanoi.com.vn