Phát triển công nghiệp văn hóa bền vững
Trong chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 theo Quyết định số 1755/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã đặt ra Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng trở thành 3 trung tâm công nghiệp văn hóa của cả nước.
Để hiện thực hóa chiến lược đã nêu, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) có nhiều điểm mới, tiến bộ; trong đó, đã dành riêng Điều 21 cho lĩnh vực văn hóa, thể thao. Đồng thời, ở Điều 39, 41, 43 có những chính sách đặc thù, ưu đãi cho lĩnh vực văn hoá. Điều này thể hiện Hà Nội rất quan tâm đến các vấn đề văn hóa, mong muốn cụ thể hóa các điều khoản, tạo thuận lợi hơn cho sự phát triển trong thực tiễn.
Những quy định này được cho sẽ góp phần xây dựng văn hóa người Hà Nội hào hoa, thanh lịch, nghĩa tình, văn minh, tiêu biểu cho văn hóa, lương tri và phẩm giá con người Việt Nam; đưa văn hóa, con người Hà Nội trở thành nguồn lực nội sinh để phát triển bền vững Thủ đô; nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Nhằm góp thêm ý kiến đóng góp xây dựng dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), sẽ được trình Quốc hội khóa XV xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 7 sắp tới.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn – Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này, chắc chắn sẽ tháo gỡ các quy định pháp luật. Ví dụ như phát triển công nghiệp văn hóa, vai trò của thành phần tư nhân vô cùng quan trọng, Nhà nước chỉ giữ vai trò điều tiết, tạo hành lang pháp lý, môi trường thuận lợi, thông thoáng. Còn tổ chức các hoạt động cụ thể phải do cả thành phần tư nhân, Nhà nước không thể nào làm hết được và cũng không nên làm.
Trong chủ trương của chúng ta, Nhà nước chỉ làm những gì mà tư nhân không làm, Nhà nước đóng vai trò điều tiết thôi, ví dụ như chính sách đối với nghệ nhân mà tư nhân không tham gia, thì Nhà nước cần phải điều tiết.
Hay trong lĩnh vực điện ảnh, có các loại phim về thị trường, nhiều nhà sản xuất tư nhân đã vào cuộc, thì những phim tuyên truyền về kỷ niệm, Nhà nước phải đứng ra làm để tạo ra sự đa dạng, cân bằng cho điện ảnh. Từ sự đa dạng, phong phú của các loại hình nghệ thuật đó, có sự tham gia của cả Nhà nước và tư nhân, chúng ta mới tạo ra một môi trường hỗ trợ cho sự phát triển công nghiệp văn hóa – đó là những cái chúng ta cần phải giải quyết.
Như vậy, Dự thảo Luật phải đưa ra các chính sách phù hợp, Nhà nước làm gì, làm đến đâu, tư nhân làm gì, làm đến đâu, nhà nước hỗ trợ gì cho tư nhân phát triển… và các chính sách này phải cụ thể bằng các quy định pháp luật, không thể chỉ dừng lại ở lời nói.
Chúng ta quan tâm đến công nghiệp văn hóa bằng chính các hoạt động hết sức cụ thể; từ đó sự phát triển của công nghiệp văn hóa mới trở nên bền vững được, không chỉ dừng lại ở phong trào nữa. Trong đó, giai đoạn đầu tiên, vai trò của Nhà nước rất lớn, chúng ta tạo ra vốn, tạo ra sự định hướng, tạo ra hành lang pháp lý để trên cơ sở đó chúng ta mới huy động được sự tham gia của các thành phần tư nhân.
“Tuy nhiên, đây chỉ là giai đoạn đầu tiên, còn giai đoạn sau này, để bền vững, chúng ta phải có sự tham gia của thành phần tư nhân vào đó, Nhà nước không thể làm mãi được. Chính vì thế, sự tham gia của thành phần tư nhân vào phát triển công nghiệp văn hóa sẽ đảm bảo cho sự phát triển văn hóa của chúng ta trở nên mạnh mẽ hơn và bền vững hơn” – PGS.TS Bùi Hoài Sơn nêu quan điểm.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho rằng, phát triển văn hóa là chính sách trọng tâm, điểm nhấn được đề xuất sửa đổi, bổ sung trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này. Hà Nội đặc biệt quan tâm về văn hoá, nên khi xây dựng Dự Luật cần có những cơ chế, chính sách vượt trội để làm nổi bật hơn những đặc trưng này, để văn hóa Thủ đô trở thành ngọn hải đăng dẫn dắt, điều tiết sự phát triển bền vững đất nước.
Tạo cơ sở phát triển công nghiệp văn hóa
Ông Trương Minh Tiến – nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, Chủ tịch Hiệp hội Câu lạc bộ UNESCO thành phố Hà Nội cho rằng, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) là cơ hội để cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Hà Nội có thêm các cơ chế, chính sách mới, thậm chí là cơ chế, chính sách vượt trội, để Hà Nội từng bước khai thác được nhiều nguồn lực, đóng góp vào sự nghiệp phát triển đúng với tầm của Thủ đô.
Luật Thủ đô (sửa đổi) khi được Quốc hội thông qua sẽ tạo cơ hội cho Thủ đô Hà Nội phát triển toàn diện. Trong đó, các chương trình công tác của Thành ủy Hà Nội sẽ có thêm những cơ chế chính sách vượt trội, để các cấp, ngành triển khai tốt hơn nữa, từ đó có tác động 2 chiều đến phát triển văn hóa của Thủ đô.
Bên cạnh đó, nhiều cơ chế, chính sách sẽ có tác động trực tiếp đến xây dựng văn hóa, phát triển nguồn nhân lực và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.
Theo bà Phạm Thị Lan Anh – Trưởng phòng Quản lý Di sản, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho rằng, những quy định mới và điểm ưu đãi, vượt trội dành cho phát triển văn hóa đã được nêu trong một số điều của Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), chính là sự tháo gỡ bước đầu cho vấn đề trọng tâm của thành phố Hà Nội trong phát triển công nghiệp văn hóa.
Ngoài 12 nhóm ngành chung, Hà Nội còn quan tâm nhóm ngành ẩm thực – nhóm ngành đã được UNESCO đưa vào là một lĩnh vực được công nhận và vinh danh trong Mạng lưới các thành phố sáng tạo.
Trong đó, trung tâm công nghiệp văn hóa được coi là trung tâm của cả 13 lĩnh vực này, nhưng chưa có tiền lệ đối với Việt Nam, nên TP Hà Nội đã đặt ra vấn đề này đối với các cơ quan Trung ương cũng như các đại biểu Quốc hội. Tuy nhiên, chính vì chưa có tiền lệ, chưa có mô hình nên việc nói rằng “Hà Nội gặp vướng mắc” trong trình tự thủ tục hay các vấn đề khác liên quan thành lập trung tâm công nghiệp văn hóa thì cũng chưa thỏa đáng.
Do đó, chỉ cần trong Luật Thủ đô (sửa đổi) có một câu đề cập đến vấn đề này thì chúng ta sẽ bàn thảo được cụ thể hơn trong thực hiện trên thực tế. Có thể thấy, hiện nay các không gian sáng tạo ở khối doanh nghiệp hay tư nhân đang rất trông chờ những ưu đãi về hợp tác công – tư, về thuế… Chẳng hạn, mới đây, các quận Ba Đình, Long Biên, Tây Hồ đã phối hợp những cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức phát động Cuộc thi về ý tưởng thiết kế không gian văn hóa khu vực bãi giữa sông Hồng…
“Có thể nói, để những điều này được thực hiện sẽ không còn là nhiệm vụ của riêng các nhà làm văn hóa, mà còn là việc của chính quyền các quận, huyện, thị xã; giúp hình thành được những không gian văn hóa có quy mô hoặc ngay từ những không gian nhỏ, từ đó sẽ khái quát lên để có những chính sách phù hợp cho không gian lớn hơn. Hy vọng những mô hình và ưu đãi như vậy sẽ giúp việc hình thành trung tâm văn hóa Thủ đô cho từng nhóm ngành cụ thể, góp phần phát triển kinh tế – xã hội Hà Nội tốt hơn” – bà Phạm Thị Lan Anh chia sẻ./.
Đình Thế
Xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm công nghiệp văn hóa (nguoihanoi.vn)