Xây dựng huyện Thanh Oai trở thành quận đô thị sinh thái

Xuất phát điểm là huyện thuần nông ở phía Tây Nam Hà Nội, song với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp, nhân dân đồng tình ủng hộ, đóng góp, những năm qua, Thanh Oai đã thực hiện đầu tư phát triển các dự án hạ tầng, xây dựng nông thôn mới, củng cố các cụm tiểu thủ công nghiệp, phát triển các khu vực công nghiệp và các dự án đô thị… giúp diện mạo của địa phương ngày càng khang trang, sạch đẹp, hiện đại và phấn đấu mục tiêu trở thành một quận của Thủ đô.

Phấn đấu đến năm 2025 “cán đích” nông thôn mới

Xã Hồng Dương (huyện Thanh Oai) là điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới nâng cao trong thời gian qua. Hiện xã đang xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu vào cuối năm 2022. Thu nhập bình quân đầu người đạt 63,9 triệu đồng/người/năm. Phát huy thế mạnh tuyến đường 21B, đường Hồng Dương – Liên Châu, hoạt động buôn bán giao dịch của xã đẩy mạnh đem lại thu nhập cho hàng nghìn lao động.

Xây dựng huyện Thanh Oai trở thành quận đô thị sinh thái
Ông Bùi Văn Sáng, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai.

Đáng chú ý, trên địa bàn xã Hồng Dương đã hình thành các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, chất lượng cao như: Vùng chăn nuôi xa khu dân cư (gần 50ha); vùng nuôi trồng thủy sản tập trung (hơn 40,9ha); vùng trồng rau an toàn, công nghệ cao (hơn 51,67ha). Chủ tịch UBND xã Hồng Dương Nguyễn Duy Hùng cho biết, hiện nay xã Hồng Dương đang tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả và phát triển bền vững; đồng thời tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân phát triển sản xuất, kinh doanh và nâng cao thu nhập.

Cùng với xã Hồng Dương, năm 2020, xã Kim An cũng được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Song quan trọng nhất, là đời sống vật chất, tinh thần của người dân địa phương ngày càng được nâng lên. Chị Quách Thị Quyến, người dân xã Kim An vui mừng cho biết, Kim An là địa bàn thuần nông, nằm trong vùng phân lũ sông Đáy, trước đây là một trong những xã nghèo nhất của huyện Thanh Oai.

Từ ngày xây dựng nông thôn mới, chính quyền đã mạnh dạn quy hoạch lại vùng sản xuất nông nghiệp, trong đó chọn hướng phát triển diện tích cây ăn quả, giảm diện tích hoa màu làm khâu đột phá trong sản xuất nông nghiệp; đồng thời khuyến khích, hướng dẫn người dân trồng các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như cam, ổi, bưởi đặc sản. Nhờ khai thác lợi thế vùng đất bãi màu mỡ, các loại cây ăn quả nhanh chóng trở thành cây trồng thế mạnh của Kim An, được thị trường ưa chuộng. Thu nhập của người dân ngày càng nâng cao. Diện mạo nông thôn khang trang, sạch đẹp.

Ông Bùi Văn Sáng, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai chia sẻ, huyện Thanh Oai xác định phát triển sản xuất nông nghiệp phải gắn với phát triển công nghiệp, dịch vụ nhằm nâng cao thu nhập cho người dân. Thanh Oai đã đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới thông qua việc mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và ứng dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp.

Đến nay, tất cả diện tích đất sản xuất nông nghiệp được cơ giới hóa từ khâu làm đất đến thu hoạch, hình thành các vùng sản xuất lúa, rau, quả ứng dụng công nghệ cao, như: Vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung diện tích hơn 6.000 ha, vùng trồng cây ăn quả 300 ha ở các xã Kim An, Thanh Mai, Cao Viên, Thanh Cao; vùng trồng rau an toàn hơn 100 ha tại thị trấn Kim Bài và các xã Kim An, Xuân Dương, Tam Hưng, Bình Minh; vùng nuôi trồng thủy sản 300 ha ở các xã Liên Châu, Tân Ước, Hồng Dương, Dân Hòa phát triển theo hướng VietGAP và hữu cơ.

Huyện đã xây dựng thành công 31 sản phẩm OCOP, trong đó nổi bật là một số nhãn hiệu sản phẩm cây trồng như, gạo thơm Bối Khê xã Tam Hưng, gạo Bồ Nâu xã Thanh Văn, cam đường xã Kim An… từng bước nâng cao giá trị nông sản, thu nhập cho nông dân. Giá trị sản xuất bình quân trên diện tích đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản của huyện đạt hiệu quả, năm 2020 đạt hơn 290 triệu đồng/ha. Thu nhập bình quân đạt hơn 60 triệu đồng/người/năm.

Nhờ nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị và người dân, 20/20 xã của huyện đã đạt chuẩn nông thôn mới. Thanh Oai được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn huyện nông thôn mới năm 2020. Nhiều nhóm tiêu chí xây dựng nông thôn mới đạt kết quả cao như: 100% đường trục chính nội đồng được cứng hóa, đường liên thôn được bê tông, trải nhựa asphan… “Huyện xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, có điểm khởi đầu không có điểm kết thúc”, ông Sáng nói và cho biết.

Hiện Thanh Oai đang tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp, huy động tối đa nguồn lực để tiếp tục xây dựng nông thôn mới nâng cao gắn với phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ theo hướng đô thị, phấn đấu đến năm 2025 huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; thu nhập bình quân đầu người đạt 80 triệu đồng/người/năm trở lên.

Khai thác đường Vành đai 4 để phát triển

Thanh Oai là huyện ngoại thành khá đặc biệt của Hà Nội, nằm trên trục huyết mạch phía Tây Nam của Thủ đô, có nhiều điều kiện thuận lợi để đầu tư phát triển thành quận đô thị xanh, sinh thái. Theo ông Bùi Văn Sáng, tận dụng những lợi thế sẵn có, những năm qua, Thanh Oai đã triển khai bài bản, hiệu quả các quy hoạch phát triển của Trung ương và thành phố Hà Nội, giúp kinh tế – xã hội của huyện chuyển biến theo hướng tích cực.

Tính đến năm 2021, tỷ lệ đất đô thị tự nhiên trên địa bàn huyện khoảng trên 942ha, bao gồm: Thị trấn Kim Bài và các khu đô thị như Mỹ Hưng, Thanh Hà A, Thanh Hà B… chiếm khoảng 7,6% diện tích. Đất phục vụ đô thị bao gồm công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, giao thông đối ngoại và du lịch – dịch vụ – nghỉ dưỡng khoảng 180ha, chiếm khoảng 1,45% diện tích toàn huyện.

Dù vậy, ông Sáng cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, bất cập của huyện Thanh Oai cần nhanh chóng khắc phục. “Do được quy hoạch với tính chất nông nghiệp sinh thái, hành lang xanh, Thanh Oai không có nhiều các cơ hội động lực phát triển vùng. Việc phát triển nông nghiệp chưa tạo nên được các đột phá. Nông nghiệp chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong cơ cấu kinh tế. Ngược lại đô thị hóa diễn ra với tốc độ nhanh. Một số khu vực không gian có điều kiện tự nhiên và hiện trạng thuận lợi nhưng chưa được nghiên cứu khả năng, tạo cơ hội phát triển.

Hệ thống hạ tầng hiện có của Thanh Oai còn thiếu và chưa được khai thác, tận dụng tối đa các cơ hội khi Vành đai 4 Hà Nội được đầu tư xây dựng. Định hướng quy hoạch chung năm 2014 chưa đánh giá thực sự đúng nhu cầu phát triển của khu vực, chưa phân bổ khai thác nguồn lực chưa hiệu quả, cần phải thay đổi, điều chỉnh dự báo, cơ cấu lại đất đai, xây dựng lại mô hình phát triển mới”, Chủ tịch Bùi Văn Sáng nhìn nhận.

Theo ông Bùi Văn Sáng, chủ trương của thành phố Hà Nội là đưa Thanh Oai phát triển thành huyện nông thôn mới nâng cao vào năm 2025; phát triển lên quận vào giai đoạn 2028-2030. Nhiệm vụ xây dựng quy hoạch vùng huyện phải đáp ứng yêu cầu tiêu chí phát triển Thanh Oai trở thành quận đô thị sinh thái, thương mại dịch vụ kết hợp công nghiệp trong tương lai.

“Thanh Oai xác định lấy trục Quốc lộ 21B và đường Cienco5, Vành đai 4 là động lực phát triển, từ đó, quy hoạch, đầu tư thêm các trục đường ngang trục. Từ trục đường ngang trở lên phía Bắc chú trọng phát triển đô thị, đô thị sinh thái, thương mại dịch vụ. Từ trục ngang trở xuống đến phía Nam phát triển công nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch kết hợp nông nghiệp sinh thái… Bên cạnh đó, huyện cũng chú trọng bảo tồn, phát huy, khai thác phát triển văn hóa lịch sử lâu đời gắn với du lịch; phát triển nông thôn mới, nông nghiệp công nghệ cao; hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội…

Khi hình thành Vành đai 4 của Hà Nội, Thanh Oai mong muốn xác định ngay các nội dung mới như: Phát triển một số khu đô thị dọc theo đường Vành đai 4, như khu đô thị Cao Viên, các điểm dân cư nông thôn, bãi đỗ xe tĩnh, vườn hoa, hệ thống khu vui chơi, thể dục thể thao…; các dịch vụ logistic, bệnh viện, khu thương mại dịch vụ giới thiệu sản phẩm làng nghề…”, Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai nhấn mạnh./.

H.Phúc
https://laodongthudo.vn/xay-dung-huyen-thanh-oai-tro-thanh-quan-do-thi-sinh-thai-145412.html