Xây dựng Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) là cơ sở để bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc

Vừa qua, Hội Di sản văn hóa Việt Nam đã tổ chức tọa đàm góp ý dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) với sự tham gia của đại diện ban soạn thảo, nhà quản lý, nhà khoa học và các chuyên gia văn hóa, di sản, bảo tàng… Đã có nhiều ý kiến đóng góp rất âm huyết, thiết thực, cụ thể cho dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).

z4965242658722_839affc65e2eeb280bd845533cb11b41.jpg

Di tích Quốc gia đặc biệt Đình So (Quốc Oai – Hà Nội) là một trong những ngôi đình đẹp nhất xứ Đoài được dân gian ngợi ca bằng câu ví: “Đẹp đình So, to đình Cấn”.

Sau hơn 20 năm Luật Di sản văn hóa năm 2001 được ban hành và hơn 10 năm được sửa đổi, bổ sung (năm 2009), sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa ở nước ta đã ngày càng được quan tâm, nhận được sự ủng hộ của đông đảo nhân dân khắp mọi miền đất nước.

Nhờ đó, hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa ngày càng hiệu quả, với những thành tựu đáng ghi nhận: Đã xếp hạng trên 10.000 di tích cấp tỉnh, thành phố, 3.621 di tích quốc gia và 130 di tích quốc gia đặc biệt (trên tổng số 40.000 di tích đã được kiểm kê); khoảng 70.000 di sản văn hóa phi vật thể trên cả nước được kiểm kê, 534 di sản được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Các di sản của Việt Nam được UNESCO công nhận/ghi danh, bao gồm: 09 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới; 15 di sản văn hóa phi vật thể (trong đó 13 di sản văn hóa phi vật thể trong Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và 02 di sản văn hóa phi vật thể trong Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp); 09 di sản tư liệu (03 di sản tư liệu thế giới, 06 di sản tư liệu khu vực châu Á – Thái Bình Dương)…

Hệ thống bảo tàng đã phát triển từ một vài bảo tàng được xây dựng từ thời Pháp thuộc thành một hệ thống gồm 197 bảo tàng (127 bảo tàng công lập và 70 bảo tàng ngoài công lập) đang bảo quản, trưng bày và phát huy giá trị trên 4 triệu hiện vật – là di vật, cổ vật quý giá mang đặc trưng văn hóa của địa phương, vùng miền, quốc gia.

Hiện nay, đã có 294 hiện vật, nhóm hiện vật được Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia, trong đó 168 hiện vật, nhóm hiện vật đang được lưu giữ, bảo quản, trưng bày và phát huy giá trị tại các bảo tàng.

Tuy nhiên, trước những yêu cầu và đòi hỏi cấp bách từ thực tế đang diễn ra, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về di sản văn hóa cũng dần bộc lộ một số hạn chế, bất cập cả về nội dung và hình thức trong từng lĩnh vực cụ thể, đòi hỏi cần phải tiếp tục được sửa đổi, bổ sung để bắt kịp sự vận động và biến chuyển của xã hội.

Tại tọa đàm góp ý dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Trụ, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam đã nhấn mạnh: Việc xây dựng Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) là cơ sở để bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc. Quá trình xây dựng Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) đã được chuẩn bị từ lâu, qua nhiều vòng, nhiều bước, nhằm tiến tới có được một luật hoàn chỉnh nhất đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của đất nước hiện nay và những năm tiếp theo.

Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam cho biết, hiện nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã hoàn thành dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) lần thứ năm. Với tư cách là một hội xã hội nghề nghiệp trong lĩnh vực di sản văn hóa, Hội Di sản văn hóa Việt Nam tổ chức tọa đàm nhằm góp ý thêm vào Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). Trên cơ sở này, Hội sẽ tổng hợp các ý kiến đóng góp gửi tới các cơ quan có liên quan.

Còn theo TS Nguyễn Thế Hùng, nguyên Cục trưởng Cục Di sản văn hóa cho biết, mục tiêu của việc xây dựng hành lang pháp lý này chính là nhằm thực thi trách nhiệm bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa. Dù ở góc độ nào, Luật cũng cần thể hiện rõ quan điểm không đánh đổi, không tạo sức ép lên di sản vì mục tiêu phát triển kinh tế. “Chúng ta đã chứng kiến nhiều bài học thực tiễn từ những mất mát của di sản trước sức ép phát triển kinh tế. Nhiều trường hợp buộc người chịu trách nhiệm phải trăn trở, cân nhắc kỹ lưỡng để không đưa ra những quyết định gây tổn hại, ảnh hưởng đến di sản. Vấn đề bảo tồn và phát triển trong lĩnh vực di sản đã được đề cập nhiều, và đặc biệt cần tiếp tục bàn thảo kỹ lưỡng trong quá trình hoàn thiện Luật Di sản văn hóa (sửa đổi)”, ông Hùng nêu. Cũng theo ông Hùng, ở nhiều nước có những quan điểm mới về cách tiếp cận với di sản văn hóa. Riêng về định nghĩa, vai trò của Bảo tàng trong bối cảnh hiện nay như thế nào cũng đã được tổ chức ICOM bàn luận rất kỹ. Vậy những vấn đề này đã được đưa vào dự Luật ra sao? Mục tiêu hoạt động của Bảo tàng cuối cùng là vì lợi nhuận hay phi lợi nhuận?…

Những năm qua, mặc dù Luật Di sản văn hóa đã phát huy hiệu quả nhưng vẫn chưa được như mong đợi, việc thi hành Luật còn có những hạn chế. Một số quy định của Luật còn có những điều chung chung, hoặc chưa đề cập cụ thể đến một số đối tượng như di tích công nghiệp, di tích đô thị, cảnh quan văn hóa, di sản tư liệu, di sản thiên nhiên, việc xây dựng trong các khu vực bảo vệ di tích… “Do tâm lý của một số người quản lý di tích ở địa phương và cộng đồng muốn làm cho di tích khang trang, to đẹp, quy mô với những dự án lớn mà chưa quan tâm thỏa đáng đến các yếu tố gốc và tính xác thực của di tích, khiến cho việc thực hiện dự án kéo dài, di tích gốc bị xuống cấp nặng hoặc biến dạng. Ở không ít dự án phát triển kinh tế và đô thị không có sự tham gia, theo dõi của cán bộ văn hóa, một số quy định về việc thăm dò khảo cổ học, bảo vệ di tích, di vật bị bỏ qua hoặc chỉ làm chiếu lệ, dẫn đến hậu quả là một số di tích, di vật bị phá hủy và tẩu tán mà không ai biết…” – PGS.TS Nguyễn Quốc Hùng nguyên Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa cho biết.

Trước những yêu cầu và đòi hỏi cấp bách từ thực tế đang diễn ra cho thấy, việc tiếp tục sửa đổi, bổ sung Luật Di sản văn hóa là hết sức cần thiết nhằm tiếp tục thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về văn hóa, di sản văn hóa; đồng thời để bắt kịp sự vận động và biến chuyển của xã hội, điều chỉnh, cụ thể hóa được những vấn đề còn vướng mắc, tạo hành lang pháp lý thuận lợi nhất cho các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, các hoạt động dịch vụ, hợp tác công tư trong lĩnh vực di sản văn hóa…, và đảm bảo hài hòa giữa bảo tồn và phát triển./.

 

Phan Anh

Xây dựng Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) là cơ sở để bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc (nguoihanoi.vn)