Xây dựng nét đặc trưng văn hóa kinh doanh của Thủ đô

Hà Nội nên và cần là nơi đi đầu trong xây dựng văn hóa kinh doanh mẫu mực của cơ chế kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, với nội hàm cụ thể là “con người giàu lòng nhân ái, khoan dung, chân thành, tín nghĩa, trọng đạo lý”, trước hết là đề cao chữ “Tín” trong kinh doanh, coi việc “trọng tín” là triết lý kinh doanh, là một trong những nét bản sắc văn hóa kinh doanh của người Hà Nội.

Văn hóa là khái niệm rất rộng, nhưng dù nhìn từ bất kỳ góc độ nào, văn hóa cũng biểu hiện qua những hành vi cụ thể của con người, phản ánh cách thức ứng xử của con người trong xã hội và lắng đọng lại trong tâm trí của mỗi cá nhân con người khi tham gia, chứng kiến, quan sát. Vì vậy, ấn tượng sâu sắc về nét đẹp văn hóa đặc trưng của mỗi vùng đất sẽ được lưu truyền qua không gian và thời gian.

Hà Nội là Thủ đô có bề dày lịch sử nghìn năm văn hiến, nơi tụ hội những truyền thống văn hóa tốt đẹp nhất của dân tộc Việt Nam. Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định: “Phát triển Thủ đô Hà Nội “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại” là nhiệm vụ chính trị quan trọng đặc biệt trong chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc với tinh thần “Cả nước vì Hà Nội, Hà Nội vì cả nước”; là trách nhiệm, nghĩa vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của cả hệ thống chính trị; là nhiệm vụ hàng đầu của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô Hà Nội”.

Xây dựng nét đặc trưng văn hóa kinh doanh của Thủ đô
Hà Nội nên và cần là nơi đi đầu trong xây dựng văn hóa kinh doanh mẫu mực của cơ chế kinh tế thị trường. (Ảnh minh họa: Bảo Thoa)

Theo đó, tầm nhìn đến năm 2045, “Thủ đô Hà Nội là thành phố kết nối toàn cầu, có mức sống và chất lượng cuộc sống cao, với GRDP/người đạt trên 36.000 USD; kinh tế, văn hoá, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc và hài hoà; tiêu biểu cho cả nước; có trình độ phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới”.

Đồng thời, Nghị quyết cũng nêu rõ mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 của Thủ đô Hà Nội “trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới, phấn đấu phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực”.

Như vậy, với tư cách là Thủ đô của đất nước, Hà Nội có sứ mệnh rất cao cả và rõ ràng về xây dựng mô hình, kiểu mẫu phát triển kinh tế đi đôi với phát triển văn hóa, kết hợp yếu tố truyền thống dân tộc với yếu tố hiện đại quốc tế, để vừa phát triển Thủ đô, vừa làm động lực phát triển của cả nước và hội nhập quốc tế.

Tại Hội thảo khoa học “Phát huy các giá trị và nguồn lực văn hóa xây dựng Thủ đô Văn hiến – Văn minh – Hiện đại”, PGS.TS Bùi Tất Thắng, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, Hà Nội nên và cần là nơi đi đầu trong xây dựng văn hóa kinh doanh mẫu mực của cơ chế kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, với nội hàm cụ thể là “con người giàu lòng nhân ái, khoan dung, chân thành, tín nghĩa, trọng đạo lý”, trước hết là đề cao chữ “Tín” trong kinh doanh, coi việc “trọng tín” là triết lý kinh doanh, là một trong những nét bản sắc văn hóa kinh doanh của người Hà Nội.

Xây dựng nét đặc trưng văn hóa kinh doanh của Thủ đô
“Trọng tín” là triết lý kinh doanh, là một trong những nét bản sắc văn hóa kinh doanh của người Hà Nội. (Ảnh minh họa: Bảo Thoa)

“Thật ra nội dung này hoàn toàn không mới, cả về phương diện văn hóa lẫn chính sách. Nhưng điều nên nhấn mạnh trong khuôn khổ thảo luận ở đây là “những hành vi cụ thể của con người”, là cách thức hành xử hàng ngày của con người trong quan hệ mua – bán, kinh doanh trên thị trường, để chúng thực sự “lắng đọng lại trong tâm trí của mỗi cá nhân con người khi tham gia, chứng kiến, quan sát” và gây được “ấn tượng sâu sắc về nét đẹp văn hóa đặc trưng” của Thủ đô Hà Nội, “được lưu truyền qua không gian và thời gian””, PGS.TS Bùi Tất Thắng nói.

Đồng thời, ông cũng chỉ rõ, Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị đã xác định: “Phát triển Thủ đô Hà Nội “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại”, “kinh tế, văn hoá, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc và hài hoà; tiêu biểu cho cả nước”, nên chắc chắn cần đi đầu trong xây dựng nét đẹp văn hóa kinh doanh.

“Nên chăng, Hà Nội phát động một phong trào rộng khắp xây dựng văn hóa kinh doanh lấy chữ “Tín” làm trọng. Phàm là bất kể những cá nhân kinh doanh, những tập đoàn, công ty, doanh nghiệp…. đóng trên địa bàn Thủ đô Hà Nội đều tham gia hưởng ứng phong trào này. Thật ra, điều kiến nghị này không mới, vì trên thực tế đã được triển khai. Đó là quy định bắt buộc các loại hàng hóa ở các chợ đều phải niêm yết giá bán và cam kết bán đúng giá. Nhưng kết quả thực thi không thu được bao nhiêu và chủ yếu được khuấy động trong những dịp cần “bình ổn giá”.

Xây dựng nét đặc trưng văn hóa kinh doanh của Thủ đô
Tầm nhìn đến năm 2045, “Thủ đô Hà Nội là thành phố kết nối toàn cầu, có mức sống và chất lượng cuộc sống cao, với GRDP/người đạt trên 36.000 USD. (Ảnh minh họa: Bảo Thoa)

Theo PGS.TS Bùi Tất Thắng, điểm mới trong kiến nghị này là ở tính toàn diện của chữ “Tín” với các nội hàm đã nêu ở trên và là một phong trào mang đậm nét văn hóa của Thủ đô, gắn với chủ trương “xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”, với tất cả mọi người và tổ chức tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh. Mục tiêu cụ thể của phong trào xây dựng văn hóa kinh doanh này là sao cho những người tiêu dùng, bất kể là ai: trong nước, ngoài nước, tiêu dùng trực tiếp hay tiêu dùng cho sản xuất, đều cảm nhận được bằng trải nghiệm thực tế, rằng mua hàng hóa và dịch vụ do người kinh doanh trên địa bàn Thủ đô Hà Nội đều rất tin tưởng, vì ở đó, người bán quảng cáo, cam kết thế nào thì bán hàng đúng như vậy.

Làm được điều này, danh thơm Thủ đô Hà Nội chắc chắn được lưu truyền, làm tiền đề mở rộng ra phong trào xây dựng văn hóa kinh doanh văn minh ra cả nước; vừa kế thừa, tiếp nối nét đẹp văn hóa truyền thống, vừa xây dựng văn hóa kinh doanh trong nền kinh tế thị trường hiện đại, mở cửa.

Cùng với đó, ông Bùi Tất Thắng cũng cho rằng nên lập một Quỹ về xây dựng Văn hóa kinh doanh ở Thủ đô Hà Nội để hỗ trợ công tác truyền thông và khen thưởng. Nên đặt ra một giải thưởng danh giá về Kinh doanh văn minh. Hằng năm nên tổ chức trao giải kinh doanh văn minh cho cá nhân, tổ chức kinh doanh trên địa bàn Thủ đô do người tiêu dùng bình chọn.

Bảo Thoa

Xây dựng nét đặc trưng văn hóa kinh doanh của Thủ đô (laodongthudo.vn)