Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh: Bắt đầu từ nêu gương!

(LĐTĐ) Thời gian qua, tại Hà Nội, nếp sống thanh lịch, văn minh được nhân lên mạnh mẽ trong cộng đồng. Cung cách ứng xử trong môi trường công sở, môi trường giáo dục, trong cộng đồng dân cư… cũng ngày một trở nên chuẩn mực. Đáng mừng là, nhiều cá nhân, tập thể trở thành tấm gương tiêu biểu cho phong trào xây dựng nếp sống thanh lịch, văn minh của người Hà Nội.

Thời gian qua, nếp sống văn minh, thanh lịch mà trọng tâm là hai bộ Quy tắc ứng xử nơi công cộng và trong các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố Hà Nội đã được triển khai tới toàn thể cán bộ, công chức, người lao động và các tầng lớp nhân dân Thủ đô bằng nhiều hình thức như: Tổ chức ký cam kết thực hiện quy tắc ứng xử; phát động thi đua ở các cấp, tập trung tuyên truyền về quy tắc ứng xử nơi công cộng; tổ chức tọa đàm về quy tắc ứng xử tại các thôn, làng, tổ dân phố;

Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh: Bắt đầu từ nêu gương!
Việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh góp phần làm Thủ đô đẹp hơn. Ảnh: Đinh Luyện

Tại nhiều địa phương, việc in ấn, phát tờ rơi cũng được triển khai tới 100% hộ gia đình; nội dung quy tắc ứng xử tại các khu chung cư, các điểm di tích, trường học, nhà văn hóa thôn làng, tổ dân phố, địa điểm công cộng… được niêm yết rộng rãi; nội dung thực hiện quy tắc ứng xử cũng được đưa vào và trở thành một trong những nội dung quan trọng để đánh giá cán bộ, công chức;

Việc tổ chức đánh giá, biểu dương những tấm gương thực hiện tốt, khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện quy tắc ứng xử cũng được triển khai đồng bộ. Thị xã Sơn Tây là ví dụ. Tại Sơn Tây, thực hiện Chương trình số 06-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội khóa XVII về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh giai đoạn 2021-2025; Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22/2/2022 của Thành ủy Hà Nội về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22/2/2022 của Thành ủy Hà Nội về “phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, thị xã đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Dễ thấy nhất là phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần giữ gìn và phát huy tốt những phong tục tập quán lành mạnh, giáo dục tư tưởng, tình cảm, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Hệ thống thiết chế văn hóa được xây dựng và ngày một hoàn thiện phủ khắp các thôn, tổ dân phố. Phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng, thể dục – thể thao ngày càng đa dạng, phong phú thu hút được đông đảo nhân dân tham gia. Công tác giáo dục, đào tạo nghề, giải quyết việc làm có chuyển biến tích cực, phát huy hiệu quả các nguồn lực văn hóa góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội, giữ vững an ninh, quốc phòng ở địa phương.

Phòng Văn hóa và Thông tin thị xã Sơn Tây cho biết: Sơn Tây đã thực hiện tuyên truyền quán triệt quy tắc ứng xử trong cơ quan Nhà nước đến 100% cán bộ, công chức viên chức, người lao động trong các cơ quan, đồng thời ký cam kết thực hiện. Đến nay, nhận thức và thái độ giao tiếp, tinh thần phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức viên chức, người lao động trong các cơ quan Nhà nước đã có sự chuyển biến mạnh mẽ. Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội và quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thị xã Sơn Tây đã thành nề nếp và đem lại những hiệu quả rõ rệt, về cơ bản tiếp tục được duy trì rộng rãi đến các phòng, ban, ngành, đoàn thể và 15 xã, phường.

Nêu gương là một giải pháp gìn giữ nét văn hoá

Phải thẳng thắn rằng, gìn giữ và xây dựng văn hóa, xây dựng nếp văn minh, thanh lịch của người Hà Nội không phải là câu chuyện ngày một ngày hai. Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức – nguyên Giám đốc Sở Văn hóa Hà Nội, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Quốc hội cho rằng, nêu gương là một giải pháp gìn giữ nét văn hoá và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh tốt nhất.

Lý giải quan điểm này, Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức cho biết, khi Hà Nội thông qua và triển khai được các Bộ quy tắc ứng xử, đặc biệt là Hà Nội có Chương trình số 06-CTr/TU đã góp sức rất lớn trong việc duy trì và phát triển văn hóa. Ban đầu khi đưa vào thực tế, nhiều người còn đánh giá chủ quan rằng nó không có tác dụng. Song thực tế, tác động của nó mang lại, hiệu quả mang lại lại rất lớn.

Lấy ví dụ từ Bộ Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc Thành phố, Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức cho biết, khi so sánh thời điểm hiện tại với trước khi được áp dụng về các phường thì sẽ thấy có sự chuyển biến. Đó là lối ứng xử của cán bộ công chức, viên chức với công dân của các phường đã có sự tiến bộ rất nhiều so với trước đây.

“Nhìn từ Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội, theo tôi, chương trình đã bao quát kỹ rồi. Hiện tại toàn Đảng bộ Hà Nội và đặc biệt là các đảng viên phải gương mẫu đi đầu. Cán bộ đảng viên phải tiên phong, tiên phong đi đầu trong mọi việc. Tất cả từ lao động, làm việc, ứng xử… đều phải gương mẫu. Với người dân Thủ đô cũng vậy, bản thân mỗi người phải thể hiện được vai trò, trách nhiệm của mình. Mình là công dân Thủ đô, mình tự hào song đồng thời phải thấy được trách nhiệm. Khi thấy được trách nhiệm thì mỗi người sẽ ý thức được mình cần làm gì, hành động ra sao để cho bản thân, cho Thủ đô ngày một phát triển” – ông Nguyễn Viết Chức nhấn mạnh.

Chung quan điểm này, ông Phương Văn Liểu – Bí thư Đảng ủy xã Tản Hồng bày tỏ quan điểm, đời sống văn hóa luôn tồn tại hai mảng đối lập tốt – xấu, nếu con người được chăm lo tốt, xã hội sẽ tốt đẹp hơn, con người văn minh hơn. Ngược lại, nếu thờ ơ, không chăm lo, cái xấu sẽ lấn át cái tốt, sự giả dối sẽ lấn át sự thật. Giống như một mảnh vườn ươm, nếu buông thả thì cỏ dại mọc nhiều, vườn tược xấu xí. Chính vì thế, dù đã gặt được nhiều trái ngọt nhưng “mảnh vườn văn hóa” vẫn cần được tiếp tục “vun trồng”.

Hơn hết, để xây dựng văn hóa ứng xử đòi hỏi phải có quá trình, thường xuyên, lâu dài, trong đó rất cần sự nêu gương của cán bộ lãnh đạo, đặc biệt là vai trò gương mẫu của người đứng đầu. “Tôi cho rằng hai bộ Quy tắc ứng xử của Thành phố rất thiết thực, rất gần gũi với đời sống của người dân. Chỉ cần mỗi ngày điều chỉnh hành vi một chút kết quả sẽ rất khả quan. Tuy nhiên những người đảng viên cần tích cực hơn nữa để nêu gương, để làng nước theo sau”, ông Phương Văn Liểu chia sẻ.

Rõ ràng, để xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh thì việc nêu gương là rất quan trọng. Nếu như trong cơ quan, đơn vị, lãnh đạo gương mẫu thì nhân viên chắc chắn sẽ làm theo. Trong cộng đồng dân cư, trưởng thôn, tổ trưởng dân phố mẫu mực thì dễ vận động nhân dân đồng tâm, đồng lòng thực hiện việc chung, việc có ích. Trong gia đình, ông bà, bố mẹ là tấm gương để con cháu soi chiếu, học và làm theo… Nếu trên bình diện cả Thành phố mà tất cả cán bộ, công chức, đảng viên đều nêu gương thì sẽ tạo tác động rất lớn đến người dân, mang lại hiệu quả tích cực trong việc lan tỏa lối sống đẹp, xây dựng nếp sống văn minh, thanh lịch./.

Đinh Luyện
https://laodongthudo.vn/xay-dung-nguoi-ha-noi-thanh-lich-van-minh-bat-dau-tu-neu-guong-150642.html