Xây dựng nông thôn mới gắn với nâng cao thu nhập cho người dân

Sau giai đoạn xây dựng nông thôn mới với việc đẩy mạnh phát triển hệ thống điện, đường, trường, trạm thì nay các huyện trên địa bàn Thủ đô đang tích cực chuyển đổi mô hình sản xuất để nâng cao thu nhập và chất lượng sống của người dân.

Sau khi đạt chuẩn nông thôn mới, nhiều xã tại các huyện ngoại thành trên địa bàn Thủ đô đã và đang tiếp tục thực hiện xây dựng xã nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu. Điển hình như tại xã Hương Ngải (huyện Thạch Thất), đầu năm 2021, xã Hương Ngải được huyện chọn thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao, khi đó xã mới có 15/19 tiêu chí đạt, còn 4 tiêu chí chưa đạt.

Trong quá trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, xã Hương Ngải đã tập trung các giải pháp, huy động tối đa nguồn lực để phát triển mọi lĩnh vực, từ đó giúp kinh tế địa phương tăng trưởng khá, có tính bền vững. Tổng giá trị sản xuất năm 2021 đạt trên 1.300 tỷ đồng, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng Công nghiệp – Tiểu thủ Công nghiệp đạt 49%; dịch vụ, thương mại và thu khác chiếm 44%, nông nghiệp chỉ còn trên 7%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2021 ước đạt trên 75,5 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo còn 0,20%.

Xây dựng nông thôn mới gắn với nâng cao thu nhập cho người dân
Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Thủ đô Hà Nội đang là điểm nhấn về việc nâng cao chất lượng đời sống người dân.

Các hoạt động văn hóa, giáo dục, an sinh xã hội được quan tâm; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; công tác quốc phòng, quân sự địa phương được chú trọng. Đảng bộ xã nhiều năm liền được công nhận trong sạch vững mạnh và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Với quan điểm lấy người dân là chủ thể, cùng phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”, xã Hương Ngải đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, khơi dậy được sức mạnh đoàn kết, thống nhất của cả hệ thống chính trị. Đến cuối 2021, xã Hương Ngải đã đạt 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao.

Ông Nguyễn Văn Hưng (người dân xã Hương Ngải) chia sẻ: “Từ khi bắt đầu xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là xây dựng nông thôn mới nâng cao, diện mạo xã Huong Ngải nói riêng, Thủ đô Hà Nội nói chung ngày càng sáng, xanh, sạch, đẹp. Đặc biệt, thu nhập của người dân ngày càng được nâng cao; hạ tầng giao thông, y tế, trường, trạm được xây dựng. Từ làm nông đơn thuần, người dân nơi đây đã biết làm du lịch, dịch vụ…”.

Tương tự, tại xã Tiến Xuân (huyện Thạch Thất), với sự đầu tư tập trung, tương đối đồng bộ, hợp lý, Tiến Xuân là xã đầu tiên trong số các xã vùng đồng bào dân tộc miền núi của thành phố Hà Nội đạt chuẩn nông thôn mới. Hiện nay, với khoảng 7.800 dân, toàn xã chỉ còn 4 hộ nghèo, chiếm 0,23% (giảm 02 hộ so với năm 2020); hộ cận nghèo 19 hộ, chiếm 1,09%. Dù là xã dân tộc miền núi nhưng thu nhập bình quân đầu người năm 2021 của Tiến Xuân đã đạt 70 triệu đồng/người/năm.

Phó Chủ tịch UBND xã Tiến Xuân Nguyễn Văn Nghĩa cho biết, chính nhờ sự quan tâm phát triển cơ sở hạ tầng cùng với những giải pháp đồng bộ là động lực giúp thúc đẩy các lĩnh vực tăng tốc, tốc độ tăng trưởng kinh tế trên địa bàn xã năm sau cao hơn năm trước. Năm 2022, xã phấn đấu thu nhập bình quân đầu người đạt 76 triệu đồng/người/năm.

“Xã cũng sẽ tiếp tục quan tâm đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng có hiệu quả, áp dụng biện pháp kỹ thuật công nghệ cao vào sản xuất. Cùng với diện mạo kinh tế mới, xã tiếp tục có kế hoạch gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống bản sắc dân tộc Mường nhằm nâng cao đời sống tinh thần cho người dân”, Phó Chủ tịch UBND xã Tiến Xuân nhấn mạnh.

Xây dựng nông thôn mới gắn với nâng cao thu nhập cho người dân
Cơ sở hạ tầng tại các huyện ngoại thành đã và đang được quan tâm, đầu tư, xây dựng.

Tương tự, tại huyện Thường Tín, thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới phát triển sâu rộng, trở thành động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của huyện.

Trước đó, huyện Thường Tín có xuất phát điểm thấp so với Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới, hạ tầng kinh tế – xã hội phát triển chưa đồng bộ. Đời sống của nhân dân còn nhiều khó khăn.

Sau hơn 10 năm thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới ở huyện Thường Tín, kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội khu vực nông thôn, nhất là hạ tầng thiết yếu phục vụ đời sống dân sinh không ngừng được đầu tư xây dựng, nâng cấp và hoàn thiện với 100% số đường trục xã, liên xã, đường trục thôn, đường liên thôn, xóm được cứng hóa, bê tông, thảm nhựa.

Hệ thống giao thông nội đồng, kênh mương, thủy lợi phục vụ sản xuất được đầu tư, bảo đảm an toàn trong phòng, chống lũ, tiêu thoát nước. Mạng lưới điện được cải tạo, nâng cấp, như trạm biến áp, đường dây, hệ thống chiếu sáng… đáp ứng sinh hoạt và sản xuất của nhân dân. Đời sống người dân không ngừng được nâng cao và cải thiện.

Điển hình là tại xã Hồng Vân (huyện Thường Tín), trước đó, Hồng Vân là xã thuần nông, người dân chủ yếu sinh sống bằng nghề trồng lúa, trồng hoa, cây cảnh, chăn nuôi. Những năm qua, xã Hồng Vân tập trung chỉ đạo phát triển nông nghiệp theo định hướng sản xuất chuyên canh hàng hóa và khai thác du lịch – dịch vụ trong nông nghiệp.

Về thăm xã Hồng Vân, nhiều khách tham quan sẽ không khỏi ngạc nhiên vì sự thay đổi của miền quê nơi đây. Những tuyến đường khang trang, rộng đẹp được đầu tư nâng cấp đồng bộ. Thảm hoa, cây xanh phủ bóng ven những con đường, ngõ xóm dẫn vào khu dân cư, hiếm khi bắt gặp rác thải bị vứt bỏ ven đường.

Xây dựng nông thôn mới gắn với nâng cao thu nhập cho người dân
Các hoạt động phát triển du lịch gắn với xây dựng nông thôn mới tại xã Hồng Vân (huyện Thường Tín) góp phần nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.

Ông Ngô Xuân Giang, thôn Xâm Xuyên (xã Hồng Vân) chia sẻ: “Thời gian qua, chủ trương chuyển đổi ngành nghề từ sản xuất nông nghiệp sang công nghiệp dịch vụ, đặc biệt là du lịch đã giúp đời sống người dân trong xã luôn ổn định, ngày càng xuất hiện nhiều hộ giàu. Bên cạnh đó, thực hiện xây dựng nông thôn mới, đường sá được rộng mở, rác thải được thu gom hàng ngày… nên người dân trong xã phấn khởi, tin tưởng vào đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước”.

Trước đó, Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy khóa XVII về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025”, Hà Nội phấn đấu đến hết năm 2025, toàn Thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; 100% số huyện, xã đạt chuẩn nông thôn mới; 20% số huyện và 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 20% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Thu nhập của nông dân khu vực nông thôn đạt 80 triệu đồng/người/năm…

Được biết, để thúc đẩy nông nghiệp phát triển, nâng cao đời sống người dân, thời gian tới, Hà Nội tiếp tục duy trì và phát triển chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ tại các vùng chuyên canh tập trung; tăng cường khả năng tiếp cận thị trường, xây dựng thương hiệu và hướng tới xuất khẩu.

Thành phố sẽ phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, tuần hoàn ở cả quy mô trang trại và hộ chăn nuôi, bảo đảm an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, thân thiện với môi trường và thực hiện sản xuất theo chuỗi giá trị… Ngoài ra, Hà Nội sẽ phát triển cây, con giống, phấn đấu trở thành trung tâm cung cấp cây, con giống cho các địa phương trong cả nước…

K.Tiến

Xây dựng nông thôn mới gắn với nâng cao thu nhập cho người dân (laodongthudo.vn)