Xây dựng văn hóa giao thông văn minh, bền vững cho học sinh Thủ đô

100% các đơn vị, trường học trên địa bàn thành phố Hà Nội cần thực hiện nghiêm, kết hợp tuyên truyền, giám sát xây dựng thói quen, văn hóa giao thông văn minh, bền vững cho thế hệ trẻ; từ đó lan tỏa, tác động trở lại đối với người thân trong gia đình và cộng đồng xã hội.

Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 62/KH-UBND về việc tăng cường công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (ATGT) cho học sinh trong tình hình mới trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Mục đích của Kế hoạch nhằm tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự ATGT, qua đó tăng cường vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, lãnh đạo các đơn vị phát huy sức mạnh tổng hợp của cơ quan, đơn vị về công tác giáo dục ATGT cho học sinh trên địa bàn Thành phố. Đồng thời phát huy tinh thần chủ động, tích cực, sáng tạo của tập thể, cá nhân trong công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật đảm bảo trật tự ATGT; nâng cao ý thức trách nhiệm và ứng xử có văn hóa khi tham gia giao thông học sinh trong việc tự giác tuân thủ pháp luật về ATGT.

Xây dựng thói quen, văn hóa giao thông văn minh, bền vững cho học sinh
Công an quận Long Biên phối hợp với Ban Giám hiệu Trường THPT Nguyễn Gia Thiều tổ chức tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ và hướng dẫn kỹ năng tham gia giao thông an toàn cho học sinh. Ảnh: B.D.

Để làm tốt việc này, Kế hoạch xác định 3 nội dung trọng tâm. Thứ nhất, tăng cường công tác bảo đảm trật tự, ATGT cho lứa tuổi học sinh là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong tổng thể công tác bảo đảm trật tự, ATGT trên địa bàn Thành phố. Thực hiện tốt công tác phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong việc giáo dục học sinh vừa có tính cấp bách trước mắt vừa có ý nghĩa chiến lược lâu dài, cần được thực hiện một cách quyết liệt, kiên trì, thường xuyên, liên tục xây dựng thế hệ công dân Thủ đô có văn hóa giao thông văn minh, góp phần phát triển bền vững.

Thứ hai, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự ATGT trong lứa tuổi học sinh, tổ chức giảng dạy hiệu quả bộ tài liệu giáo dục ATGT do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

Thứ ba, từng sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã theo chức năng, nhiệm vụ được giao rà soát lại các chương trình, kế hoạch và triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chủ trương chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về bảo đảm trật tự, ATGT; xác định rõ các nội dung, biện pháp và trách nhiệm bảo đảm trật tự, ATGT trong lứa tuổi học sinh phù hợp với đặc điểm của từng địa bàn.

UBND Thành phố giao Công an Thành phố chỉ đạo lực lượng Công an các cấp thực hiện tốt Chương trình phối hợp với ngành Giáo dục về tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, ATGT trong các cơ sở giáo dục; tăng cường phổ biến các kiến thức và kỹ năng tham gia giao thông an toàn cho phụ huynh trong trường hợp chở trẻ em trên ô tô, mô tô, xe máy và các phương tiện khác; bảo đảm mỗi trường trung học phổ thông, trung học cơ sở, tiểu học mỗi học kỳ có ít nhất một buổi tuyên truyền, phổ biến về trật tự, ATGT.

Tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm về trật tự, ATGT, nhất là những vi phạm có nguy cơ gây tai nạn cho học sinh. Đối với những trường hợp học sinh vi phạm, gửi thông báo về cho nhà trường để có hình thức xử lý và biện pháp giáo dục phù hợp. Xử lý nghiêm các trường hợp phụ huynh đưa đón con em vi phạm trật tự, ATGT tại các tuyến gần khu vực trường học; kiên quyết không cho các phương tiện không bảo đảm an toàn dùng để vận chuyển, đưa đón học sinh.

Đối với các tai nạn giao thông liên quan đến học sinh phải khẩn trương điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật; củng cố hồ sơ xử lý các hành vi giao xe hoặc để cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện gây tai nạn; xác định cụ thể các nguyên nhân gây tai nạn và kiến nghị giải pháp phòng ngừa…

Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội chỉ đạo rà soát lại các chương trình, nội dung, hình thức giáo dục, giảng dạy về trật tự, ATGT cho học sinh trong các cấp học, các nhà trường để bổ sung, hoàn thiện, bảo đảm tương xứng với tính chất quan trọng của việc xây dựng văn hóa giao thông cho thế hệ tương lai của đất nước. Đồng thời chủ trì, phối hợp với Công an Thành phố triển khai bộ quy tắc văn hóa giao thông văn minh do Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Công an xây dựng và ban hành. Yêu cầu 100% các đơn vị, trường học thực hiện nghiêm, kết hợp tuyên truyền, giám sát xây dựng thói quen, văn hóa giao thông văn minh, bền vững cho thế hệ trẻ; từ đó lan tỏa, tác động trở lại đối với người thân trong gia đình và cộng đồng xã hội…

T.P