Ảnh minh họa. (ảnh: VGP) |
Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Thường trực Ủy ban Pháp luật tiếp tục phối hợp với Thanh tra Chính phủ và các cơ quan có liên quan nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hoàn thiện dự thảo Luật; phối hợp với Viện Nghiên cứu lập pháp tổ chức hội nghị, tọa đàm, lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ làm công tác thực tiễn, đại biểu Quốc hội và các Bộ, ngành, địa phương.
Trong đó, cần lưu ý làm rõ và quy định chặt chẽ trách nhiệm, thẩm quyền, quan hệ công tác giữa Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan thanh tra và Đoàn thanh tra; quy định cụ thể các khâu của quy trình thanh tra, việc ban hành và thực hiện kết luận thanh tra, bảo đảm tính độc lập về chuyên môn, nghiệp vụ của Đoàn thanh tra, hoạt động thanh tra tuân thủ đúng pháp luật, không chịu sự tác động, can thiệp trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Đồng thời, tránh khoảng trống pháp luật đối với hoạt động thanh tra; rà soát quy định về kinh phí hoạt động của cơ quan thanh tra; tiếp tục rà soát quy định của các luật có liên quan để kiến nghị sửa đổi, bổ sung đồng bộ.
Dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý cần gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, lấy ý kiến chính thức của Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và các cơ quan có liên quan.
Sau đó, tiếp thu, hoàn chỉnh dự thảo Luật và Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý để gửi xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội bằng văn bản trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022).