Xuân trên miền quê nông thôn mới kiểu mẫu

Trong niềm vui đón mùa Xuân mới đang hiện hữu trong mỗi ngôi nhà, trên mỗi tuyến đường, khu dân cư nông thôn mới, người dân Hà Nội càng thấm thía hơn những nỗ lực và kết quả đạt được qua một năm đầy gian khó.

Nằm ven sông Hồng, cách xa trung tâm Thành phố, lại không phải là nơi có những trục đường giao thông lớn đi qua, nhưng xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng vừa mới được công nhận là xã Nông thôn mới kiểu mẫu.

Với trên 250 ha đất nông nghiệp, xã Hồng Hà đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi sang sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Đời sống kinh tế đi lên, việc huy động nguồn lực đóng góp xây dựng Nông thôn mới nâng cao, Nông thôn mới kiểu mẫu cũng trở nên thuận lợi. Nhờ kinh tế phát triển, đến hết năm 2022, thu nhập bình quân đầu người của xã đã đạt 76,3 triệu đồng. Từ năm 2020 đến hết năm 2023, Hồng Hà đã huy động hơn 58 tỷ đồng từ ngân sách huyện, xã và xã hội hóa cho xây dựng Nông thôn mới kiểu mẫu.

Xuân trên miền quê nông thôn mới kiểu mẫu
Múa truyền thống ở làng nghề Triều Khúc.

Xã Hồng Hà chỉ là một trong 15 xã của huyện Đan Phượng đã về đích Nông thôn mới nâng cao và là một trong 12 xã cán đích Nông thôn mới kiểu mẫu.

Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đan Phượng Thiều Văn Son cho biết, hiện nay, tổng số diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên toàn huyện đạt trên 1.618 ha. Các xã Phương Đình, Đan Phượng phát triển cây nho hạ đen; các xã Hồng Hà, Hạ Mỗ phát triển nghề làm đậu phụ; xã Trung Châu có thương hiệu lợn sạch. Hiện trên toàn huyện có 8 nhãn hiệu nông sản tập thể được công nhận. Nhiều xã có mức thu nhập bình quân đầu người cao như Liên Trung đạt 84,2 triệu đồng/người/năm, Tân Lập 82 triệu đồng/người/năm, Đồng Tháp 76,3 triệu đồng/người/năm…

Năm 2023, Đan Phượng cũng “đi trước một bước” trong xây dựng “Nông thôn số” bằng việc đẩy mạnh chuyển đổi số tới cơ sở. Dự kiến, 100% thôn trên địa bàn sẽ trở thành “Thôn thông minh” trong năm 2023.

Với những nỗ lực không ngừng, đến hết quý 2 năm 2023 đã có 12/15 xã cán đích Nông thôn mới kiểu mẫu. Còn 3 xã Liên Hồng, Hạ Mỗ, Thọ An đang nỗ lực phấn đấu trong năm 2023 hoàn thành Nông thôn mới kiểu mẫu.

Trong tiến trình phấn đấu về đích Huyện Nông thôn mới nâng cao, các xã đạt Nông thôn mới kiểu mẫu, Thanh Trì xác định kinh tế nông thôn là tiềm lực để xây dựng Nông thôn mới. Trong những năm qua, với sự nỗ lực vượt bậc của ngành nông nghiệp và bà con nông dân, huyện Thanh Trì đã duy trì tốc độ tăng trưởng nông nghiệp cao, làm trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực, vững vàng xây dựng Nông thôn mới và phát triển huyện thành quận.

Được công nhận xã đạt chuẩn Nông thôn mới năm 2013, đạt xã Nông thôn mới nâng cao năm 2022, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì tiếp tục triển khai nhiều giải pháp nhằm giữ vững và nâng cao chất lượng, hiệu quả các tiêu chí, để về đích xã Nông thôn mới kiểu mẫu.

Xác định rõ xây dựng Nông thôn mới kiểu mẫu là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị và có ý nghĩa lớn đối với đời sống xã hội, Đảng bộ, chính quyền xã Tân Triều đã đề ra phương châm dựa vào nội lực là chính, đồng thời tranh thủ các nguồn lực xã hội, khơi dậy và phát huy tính tích cực, tự chủ của nhân dân nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống, mức hưởng thụ về đời sống vật chất, tinh thần của người dân.

Bí thư Đảng ủy xã Tân Triều Chử Minh Quân cho biết: “Xác định người dân là chủ thể của phong trào, xã luôn đẩy mạnh công tác tuyên truyền đề người dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của chương trình; đồng thời, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, đề ra nhiều chủ trương, giải pháp để triển khai, thực hiện, với phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân hưởng thụ”.

Vừa qua, huyện Thanh Trì đã có 8 xã được thành phố Hà Nội thẩm định, xét duyệt hồ sơ công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu. Cả 8 xã đều có nền kinh tế nông thôn phát triển mạnh mẽ, đa lĩnh vực. Qua đó cho thấy, kinh tế nông thôn đã và đang là nội lực để đưa các xã cán đích Nông thôn mới kiểu mẫu, đưa huyện Thanh Trì về đích Nông thôn mới nâng cao, hoàn thành mục tiêu phát triển huyện thành quận.

Ông Nguyễn Tiến Cường, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Thanh Trì cho biết, trên cơ sở những thành tựu đã đạt được, huyện Thanh Trì tiếp tục thực hiện Đề án phát triển kinh tế tập thể; đẩy mạnh phát triển hợp tác xã, trang trại. Triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình “Phát triển kinh tế nhanh và bền vững trên nền phát triển công nghiệp – thương mại dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao giai đoạn 2021 – 2025”.

Theo Phó Chánh Văn phòng chuyên trách, Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng Nông thôn mới Hà Nội Ngọ Văn Ngôn, từ khi bắt tay vào triển khai, Thành phố luôn xác định xây dựng nông thôn mới là hành trình có bắt đầu nhưng không có điểm kết thúc. Ngày mai lên quận, hôm nay vẫn phải xây dựng nông thôn mới.

“Chúng ta xây dựng nông thôn mới không phải vì thành tích, mà bởi mong muốn không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.Đây cũng là mục tiêu trọng tâm, xuyên suốt của Chương trình số 02-CTr/TU giai đoạn trước và Chương trình số 04-CTr/TU của Thành uỷ Hà Nội giai đoạn 2021 – 2025”, ông Ngọ Văn Ngôn nhấn mạnh.

Trong mùa Xuân mới, người dân Thủ đô như cảm nhận rõ hơn sự chuyển mình của mảnh đất Thăng Long. Qua đó, tiếp thêm động lực và quyết tâm góp sức để hoàn thiện, nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới đã đạt được, tiến tới thực hiện và hoàn thành các tiêu chí Nông thôn mới nâng cao, Nông thôn mới kiểu mẫu ở một số địa phương, góp phần xây dựng nông thôn Hà Nội văn minh, hiện đại, hội nhập và phát triển.

Diệp Anh