Xuân về trên các bản Mường

Mỗi độ xuân về, những cánh đào rừng bung nở khoe sắc trên các triền núi cũng là lúc đồng bào dân tộc ở các huyện miền núi của Hà Nội nô nức chào đón năm mới với tiếng cồng, tiếng chiêng trầm bổng khắp núi rừng. Nghệ thuật cồng chiêng là một nét đẹp văn hóa của đồng bào Mường đang được gìn giữ, phát huy trong đời sống đương đại.

Biểu diễn cồng chiêng tại xã Ba Trại (huyện Ba Vì). Ảnh: Tuyến Lê

Cồng chiêng – nét đẹp văn hóa

Bước sang xuân mới, khắp các làng quê miền núi hoa đào, hoa cúc khoe sắc trước thềm những ngôi nhà, bên những con đường bê tông dài theo thôn xóm. Cứ mỗi độ Tết đến, xuân về đồng bào Mường ở khắp các vùng quê lại vang tiếng cồng chiêng và đây là một nét văn hóa truyền thống thấm đẫm trong đời sống tinh thần.

Bà Nguyễn Thị Túng, thành viên Câu lạc bộ Cồng chiêng Gò Đá Chẹ (xã Khánh Thượng, huyện Ba Vì) cho biết, cồng chiêng gắn bó lâu đời với đời sống văn hóa của người dân tộc Mường; tiếng cồng, tiếng chiêng gắn kết mỗi con người, gắn thế giới tâm linh với đời sống hiện tại. Với đồng bào Mường ở Khánh Thượng, xuân về cùng với việc chuẩn bị đầy đủ các đồ thờ cúng, rượu, thịt, bánh chưng… không thể không có tiếng cồng chiêng. Trong những ngày đón năm mới, âm thanh cồng chiêng trầm bổng khắp núi rừng cầu cho một năm ấm no và sung túc hơn…

Rời xã Khánh Thượng, chúng tôi đến xã Ba Trại – địa phương có nhiều đồng bào Mường sinh sống và không gian văn hóa cồng chiêng đã ăn sâu, bám rễ vào mọi mặt đời sống của người dân nơi đây. Bà Đinh Thị Nhung (thôn 5, xã Ba Trại) cho biết, vào ngày Tết, tiếng cồng chiêng vang vọng khắp núi rừng mời ông bà, tổ tiên về vui xuân cùng con cháu. Tiếng cồng cũng là những lời chúc gia chủ năm mới trâu, bò đầy chuồng, ngô đầy bồ, lúa đầy nương, người người mạnh khỏe, bản làng no ấm, yên vui. Theo quan niệm của người Mường, tiếng chiêng phát ra to, vang, rền báo hiệu một năm mới tốt lành, may mắn.

Tạm biệt các xã miền núi của huyện Ba Vì, chúng tôi tới xã Tiến Xuân (huyện Thạch Thất). Bên cạnh hoạt động sản xuất, người dân nơi đây đang tích cực lưu giữ và phát huy những giá trị văn hóa cồng chiêng. Nghệ nhân Bùi Thị Thìn (thôn Đồng Dâu, xã Tiến Xuân) chia sẻ, trong quan niệm tín ngưỡng của đồng bào Mường, tiếng chiêng chính là tiếng của lòng người. Vào các dịp Tết, lễ đi săn, lễ mừng nhà mới, lễ xuống đồng, tiệc hỷ… không thể thiếu tiếng chiêng trầm bổng, ngân nga. Một bộ cồng chiêng của người Mường ở Thạch Thất bao gồm 12 chiếc tượng trưng cho 12 tháng đủ đầy, ấm no trong năm. Vào ngày Tết, tiếng cồng chiêng không thể thiếu với bà con dân tộc Mường.

Bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống

Những năm gần đây, kinh tế khu vực miền núi của Thủ đô ngày càng phát triển, nhiều ngôi nhà cao tầng đã “mọc” lên, đèn điện bừng sáng khắp thôn xóm, ước mơ của bà con về một cuộc sống ngày càng sung túc hơn đang trở thành hiện thực. Đời sống tinh thần được chú trọng và người dân đang lưu giữ, bảo tồn những nét đẹp văn hóa truyền thống cho thế hệ mai sau.

Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, đồng bào Mường ở Thạch Thất vẫn lưu giữ được những nét văn hóa đặc sắc, như: Nhà sàn, trang phục, cồng chiêng… Thời gian vừa qua, huyện đã hỗ trợ các xã: Yên Bình, Yên Trung, Tiến Xuân mua cồng chiêng, đến nay, các xã đã có hơn 50 bộ chiêng, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa Mường trong đời sống hiện tại. Vào những ngày đầu xuân, các ngày lễ, hoạt động biểu diễn cồng chiêng lại diễn ra sôi nổi và đây cũng là cách để lưu giữ nét đẹp văn hóa truyền thống cho thế hệ trẻ…

Trong câu chuyện với phóng viên Báo Hànộimới, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Ba Vì Lê Thị Tuyến cho biết, tại 7 xã đồng bào dân tộc miền núi, Hội Liên hiệp phụ nữ huyện đã thành lập được 20 câu lạc bộ cồng chiêng với gần 500 hội viên tham gia. Huyện đã chỉ đạo, phối hợp với các xã phát huy vai trò, uy tín của già làng, trưởng thôn trong việc gìn giữ, khơi dậy bản sắc văn hóa của đồng bào Mường. Trong các dịp lễ, Tết, ngày hội…, các khu dân cư đều xây dựng kế hoạch tổ chức những hoạt động văn hóa truyền thống.

Cồng chiêng là một nét đẹp văn hóa, gắn bó lâu đời với cuộc sống, sinh hoạt… của đồng bào Mường. Để bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống trong đời sống đương đại, trước hết chính quyền địa phương cần tổ chức các hoạt động biểu diễn cũng như tập huấn cồng chiêng cho những người trẻ, giúp đồng bào gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình; đồng thời tạo thêm cơ hội để bà con thể hiện, giới thiệu những nét đẹp của cồng chiêng trong đời sống. Cùng với đó, các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, nâng cao nhận thức về các giá trị di sản văn hóa để người dân có ý thức, chủ động tham gia các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống.

Mùa xuân đến, các xã miền núi của Thủ đô lại vang lên bản hòa tấu cồng chiêng giữa núi rừng như thay lời chúc cho một năm mới tươi đẹp hơn, bản làng khang trang, đời sống của đồng bào Mường ngày càng đầy đủ, hạnh phúc.

Ngọc Quỳnh

https://nhipsonghanoi.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/ngoai-thanh/828621/xuan-ve-tren-cac-ban-muong