Xứng đáng Thủ đô anh hùng của dân tộc anh hùng

Hà Nội là Thủ đô – trái tim của cả nước. Cùng cả nước trải qua biết bao thăng trầm của lịch sử, Hà Nội đã và đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ ngày càng xứng đáng với vai trò là trung tâm chính trị – hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hoá, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao thương quốc tế; một động lực phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước; Thủ đô anh hùng của dân tộc Việt Nam anh hùng.

Trong dòng chảy nghìn năm Thăng Long – Hà Nội, kể từ “Chiếu dời đô” của Lý Thái Tổ năm 1010 đến nay, quân và dân thủ đô Hà Nội đã trải qua và chứng kiến biết bao thăng trầm lịch sử. Hà Nội hôm nay không chỉ đóng vai trò là Thủ đô của đất nước mà còn là cầu nối quan trọng để đất nước hội nhập với cộng đồng quốc tế. Hà Nội không chỉ là biểu tượng của nền văn hiến Việt Nam, là nơi hội tụ của văn minh sông Hồng mà còn là kết tinh những giá trị cao đẹp của thời đại Hồ Chí Minh. Trong chiến đấu, Hà Nội đã lập nên nhiều chiến công hào hùng, là điểm tựa tinh thần cho quân và dân cả nước hăng hái đánh giặc. Trong hòa bình, Hà Nội đang từng bước to đẹp hơn, đàng hoàng hơn. Hà Nội đổi mới từng ngày, phấn đấu văn minh hiện đại trên nền truyền thống ngàn năm văn hiến.
Xứng đáng Thủ đô anh hùng của dân tộc anh hùng
Thủ đô Hà Nội đã và đang vươn mình trở thành một thành phố hiện đại bậc nhất khu vực.

Đặc biệt là sau hơn 15 năm thực hiện Nghị quyết số 15/2008/QH12 của Quốc hội về việc điều chỉnh địa giới hành chính, Thủ đô Hà Nội đã có sự phát triển vượt bậc, toàn diện về tất cả các lĩnh vực. Kinh tế tiếp tục tăng trưởng với tốc độ khá cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Công tác xây dựng nông thôn mới đạt kết quả nổi bật. Sự nghiệp văn hóa xã hội, y tế, khoa học công nghệ tiếp tục phát triển và đạt nhiều thành quả quan trọng. Ðời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện, an sinh xã hội được bảo đảm.

Hiện nay, Hà Nội có dân số khoảng 10 triệu người. Trên địa bàn Thành phố có khoảng 250 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, với trên 2,7 triệu lao động. Thời gian qua, Hà Nội đã gặp rất nhiều khó khăn, thử thách như ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, cuộc xung đột vũ trang giữa Nga – Ukraina, tình trạng khó khăn về kinh tế vĩ mô toàn cầu do lạm phát, tăng lãi suất… Trong bối cảnh đó, Hà Nội tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, đồng tâm, nhất trí, quyết tâm vượt qua khó khăn, thách thức, sáng tạo thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ chính trị, quyết liệt thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống đại dịch Covid-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội và đã đạt được kết quả toàn diện, nổi bật trên nhiều lĩnh vực, tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong toàn xã hội.

Năm 2022, Hà Nội đã hoàn thành 22/22 chỉ tiêu phát triển đã đề ra, trong đó có nhiều chỉ tiêu vượt kế hoạch và tiếp tục đứng đầu cả nước. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 8,89% (vượt kế hoạch đề ra là 7-7,5% và cao hơn mức tăng trưởng chung của cả nước); quy mô kinh tế đạt 1,2 triệu tỷ đồng (tương đương 50 tỷ USD); thu ngân sách đạt hơn 332 nghìn tỷ đồng, vượt dự toán Trung ương giao.

Tính riêng 6 tháng đầu năm 2023, GRDP của Hà Nội tăng 5,97%, là mức tăng khá trong bối cảnh kinh tế bị ảnh hưởng kép từ sự mất cân đối cung cầu và tác động chính sách thắt chặt tiền tệ của các quốc gia. Thu hút đầu tư xã hội tăng khá, đạt 9,0% cao hơn mức tăng cùng kỳ (8,8%). Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài đứng đầu cả nước và vượt kết quả của cả năm 2022 (thu hút 1.842 triệu USD vốn FDI). Du lịch phục hồi mạnh, tổng khách du lịch đến Hà Nội đạt 12,33 triệu lượt, tăng 42% so với cùng kỳ năm 2022. Khách du lịch quốc tế tăng 7 lần so với cùng kỳ; khách du lịch trong nước tăng 22,6%. Bên cạnh đó, cân đối thu – chi ngân sách được đảm bảo; thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn 7 tháng đầu năm tăng cao, đạt 253,2 nghìn tỷ đồng, tăng 20,8% so cùng kỳ và đạt 71,7% dự toán (trong đó thu nội địa đạt 238,3 nghìn tỷ đồng chiếm 94,1%).

Cùng với phát triển kinh tế, diện mạo Thủ đô cũng có nhiều khởi sắc, nhiều công trình, dự án kinh tế, xã hội quy mô lớn, hiện đại được hoàn thành. Công tác quy hoạch, quản lý đất đai, quản lý đô thị, môi trường, trật tự, an toàn giao thông, trật tự, kỷ cương đô thị có nhiều chuyển biến tích cực. Cải cách hành chính được đẩy mạnh, chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) của Hà Nội xếp thứ 3 cả nước. An sinh xã hội được đảm bảo, thu nhập bình quân đầu người của Hà Nội năm 2022 đạt 141,8 triệu đồng/người/năm. Các lĩnh vực: Văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ… phát triển mạnh mẽ; quốc phòng, an ninh thường xuyên được tăng cường củng cố ngày càng vững chắc; quan hệ đối ngoại, hội nhập quốc tế với thủ đô, thành phố của các nước ngày càng mở rộng, đi vào chiều sâu; uy tín, vị thế của Thủ đô không ngừng được nâng cao, xứng đáng là trung tâm ngoại giao của đất nước. Hà Nội đang có quan hệ, hợp tác với hơn 100 thành phố, thủ đô của các nước; trong đó có ký thỏa thuận hợp tác với hơn 60 thủ đô, thành phố trên thế giới; quan hệ kinh tế thương mại với gần 200 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Đặc biệt, cả hệ thống chính trị của Thủ đô Hà Nội đang nỗ lực thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị “về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Hà Nội tích cực triển khai thực hiện nhiều chủ trương, quyết sách, đề án quan trọng, quyết định đến sự phát triển bền vững của Thủ đô trước mắt và tương lai, như: Xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp Quốc hội tháng 10 tới đây; Xây dựng Nhiệm vụ lập quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050; Nhiệm vụ điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn 2050; Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ; Đề án đẩy mạnh phân cấp quản lý Nhà nước, ủy quyền trên địa bàn Thành phố…

Đáng chú ý là Dự án đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô đã được khởi công ngày 25/6 vừa qua, mục tiêu hoàn thành năm 2026 và đưa vào khai thác từ năm 2027. Đây là dự án trọng điểm quốc gia, khi hoàn thành sẽ giúp giải quyết nhiều bất cập đang đặt ra của Thủ đô, nhất là giúp hoàn thiện hệ thống giao thông, khắc phục nạn ùn tắc đang rất khó khăn, là niềm mong đợi của đông đảo người dân. Đường Vành đai 4 cũng sẽ tạo không gian phát triển mới, giúp khai thác tiềm năng sử dụng đất, xây dựng hệ thống đô thị bền vững, hiện đại.

Trong hành trình phát triển, Hà Nội đã và đang từng bước khắc phục những tồn tại, hạn chế bằng các giải pháp cụ thể. Đặc biệt, Hà Nội chủ trương xây dựng Thành phố thông minh, nhằm đáp ứng các yêu cầu quản trị của chính quyền đô thị và đem lại chất lượng cuộc sống tốt hơn cho người dân, tạo ra những giá trị nhân văn cho cộng đồng. Hà Nội xác định mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 là xây dựng Đảng bộ Thành phố có năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu cao và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tiêu biểu; phát triển Thủ đô nhanh và bền vững theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực. Đến năm 2030, Hà Nội trở thành thành phố “Xanh – Thông minh – Hiện đại”; phát triển năng động, hiệu quả, có sức cạnh tranh khu vực và quốc tế; đến năm 2045, Hà Nội có chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, bền vững; là thành phố kết nối toàn cầu, GDP/người/năm đạt trên 36.000 USD.

Với truyền thống lịch sử hào hùng cùng những di sản của Thủ đô nghìn năm văn hiến, Hà Nội ngày nay đã và đang vươn mình trở thành một thành phố hiện đại bậc nhất khu vực, xứng đáng là trái tim của cả nước, như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội sẽ phát huy truyền thống vẻ vang, những danh hiệu cao quý được cả nước và bạn bè thế giới tôn vinh, phấn đấu không ngừng để dẫn đầu, trở thành tấm gương cho cả nước noi theo; xứng đáng là Thủ đô anh hùng của dân tộc Việt Nam anh hùng.

Hoàng Phúc
https://laodongthudo.vn/xung-dang-thu-do-anh-hung-cua-dan-toc-anh-hung-159836.html