Phát triển giao thông bền vững tại Hà Nội

Trong khuôn khổ quan hệ hợp tác giữa thành phố Hà Nội và vùng Ile-de-France, chiều 24/6, Sở Giao thông vận tải Hà Nội, vùng Ile-de-France, phối hợp với Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) tổ chức Hội thảo “Hà Nội – Giao thông bền vững”.

Hội thảo đã chia sẻ góc nhìn về những thách thức của giao thông đô thị tại Hà Nội và Paris, hiện trạng, thách thức, các dự án, quản trị; cùng thảo luận các phương án thay đổi giao thông đô thị hướng tới các đô thị bền vững, trong đó đặc biệt chú trọng đến tính cấp thiết của giao thông liên thông đa phương thức.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội nhận định: “Hà Nội – Giao thông bền vững” là sự kiện quan trọng, được tổ chức với mục tiêu chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm, giải pháp nhằm phát triển giao thông công cộng bền vững tại Hà Nội.

Phát triển giao thông bền vững tại Hà Nội
Toàn cảnh hội thảo.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cũng thông tin, từ nhiều năm nay Thành phố đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm xây dựng và phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, chú trọng đến tính kết nối đồng bộ và từng bước hoàn chỉnh hệ thống giao thông công cộng Thủ đô theo hướng xanh, bền vững.

Trong đó, nổi bật nhất là Thành phố đã đưa vào sử dụng một số công trình hoàn thiện (đường sắt Cát Linh – Hà Đông, xây dựng và phát triển xe buýt điện, xe đạp điện…) qua đó, khẳng định tầm quan trọng cũng như định hướng phát triển hệ thống giao thông công cộng, tích hợp đa phương tiện.

“Thành phố đang quan tâm và triển khai phát triển các tuyến đường sắt đô thị, đặc biệt chú trọng phát triển giao thông thông minh… đây cũng là cam kết mạnh mẽ của Thành phố nhằm phát triển và quan tâm đến chất lượng cuộc sống của người dân” – ông Dương Đức Tuấn nhấn mạnh.

Đồng quan điểm trên, ngài Nicolas Warnery – Đại sứ Pháp tại Việt Nam chia sẻ, “Hà Nội – Giao thông bền vững” là chủ đề lớn và quan trọng. Đặc biệt khi Hà Nội đã và đang đầu tư và phát triển mạnh mẽ giao thông. Theo Đại sứ Pháp tại Việt Nam, mới đây, Hà Nội đã chuyển đổi, phát triển nhiều tuyến buýt điện, tàu điện, xe đạp công cộng… điều này đánh dấu cho sự cam kết mạnh mẽ của các cơ quan chính quyền Hà Nội nhằm phát triển đô thị bền vững, hiện đại và quan tâm chú ý tới chất lượng sống của người dân thủ đô.

Các định hướng này cũng được một lần nữa khẳng định thông qua cam kết quan trọng mà Chính phủ Việt Nam đưa ra về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP 26), theo đó, quốc gia đã khẳng định cam kết đi theo lộ trình phát triển phát thải các bon thấp và có tính chống chịu, phục hồi trước biến đổi khí hậu.

Tại hội thảo, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội Đỗ Việt Hải cũng chia sẻ về những hiện trạng và thách thức của giao thông Hà Nội. Trong đó, đại diện Sở GTVT Hà Nội thông tin, thời gian qua Sở GTVT Hà Nội đã tích cực triển khai các hoạt động tham mưu với Thành phố.

Trong đó, chủ động tham mưu nhiều nhóm nội dung như: Đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông; chú trọng duy tu các công trình hạ tầng giao thông; phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng; chú trọng công tác chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo trong giao thông; tuyên truyền nâng cao ý thức pháp luật cho người tham gia giao thông; tăng cường xử lý vi phạm…

Phát triển giao thông bền vững tại Hà Nội
Hệ thống mạng lưới hạ tầng giao thông Thủ đô được chú trọng quan tâm và từng bước được hoàn thiện.

Đại diện Sở GTVT Hà Nội khẳng định, hiện mạng lưới đường sắt đô thị đã và đang được Hà Nội quan tâm, trước mắt dù một số tuyến gặp khó khăn với những nguyên nhân khách quan và chủ quan song cũng cho thấy dư địa phát triển của đường sắt đô thị còn rất lớn.

Tại hội thảo, các chuyên gia đã chia sẻ về những vấn đề như: Thách thức của vùng Ile-de-France trong quản lý tổng thể giao thông công cộng: liên thông đa phương thức, quản trị và quản lý mạng lưới đa phương thức; Xe buýt và đường sắt đô thị tại Hà Nội; Các ví dụ về giao thông công cộng sử dụng làn đường riêng tại vùng Ile-de-France: chia sẻ làn đường, nâng cao chất lượng dịch vụ, lồng ghép vào không gian đô thị… các thách thức, xung đột và thành công; Khai thác xe buýt điện tại Việt Nam – thách thức trong phát triển một mạng lưới giao thông công cộng thân thiện môi trường… các đại biểu cũng cùng thảo luận về những thách thức của giao thông đô thị tại Hà Nội và Paris – hiện trạng, thách thức, các dự án, quản trị.

Vùng Ile-de-France phối hợp với UBND thành phố Hà Nội kể từ năm 2001 thông qua nhiều dự án cải thiện giao thông công cộng với mục tiêu cải thiện mạng lưới xe bus đô thị, hệ thống thông tin và dịch vụ dành cho hành khách, và nâng cao năng lực quản trị của cơ quan quản lý tổ chức giao thông công cộng của Hà Nội. Quan hệ hợp tác này chủ yếu dựa trên các năng lực, kinh nghiệm của Ile-de-France Mobility, cơ quan tổ chức tổ chức, quản lý giao thông công cộng của vùng Ile-de-France.

Vào tháng 2/2022, vùng Ile-de-France và UBND thành phố Hà Nội đã ký một chương trình hành động chung mới cho giai đoạn 2022-2025, trong đó lồng ghép giao thông công cộng vào những dự án hợp tác ưu tiên mà hai bên cũng mong muốn triển khai, với sự hỗ trợ của AFD và Cơ quan quản lý giao thông cộng cộng Ile-de-France.

Chương trình hỗ trợ kỹ thuật “Hà Nội, đô thị bền vững” đã được triển khai vào tháng 1/2020 với khoản tài trợ của Cơ quan Phát triển Pháp (AFD). Mục tiêu của chương trình là nhằm cải thiện giao thông đa phương thức và kết nối của mạng lưới tàu điện với các dịch vụ hiện nay của hệ thống giao thông công cộng. Mục đích cuối cùng của chương trình này là nhằm tăng tính hấp dẫn và tần suất sử dụng mạng lưới giao thông cộng cộng thông qua các dự án trọng điểm: xây dựng tuyến giao thông công cộng có làn riêng mới, kết nối với các tuyến giao thông cộng cộng xương sống hiện có…

Đinh Luyện
https://laodongthudo.vn/phat-trien-giao-thong-ben-vung-tai-ha-noi-142125.html