Xây dựng người Hà Nội thanh lịch: Bắt đầu từ nếp sống văn minh nơi công cộng

Hà Nội hiện đang tiến tới xây dựng thành một thành phố đáng sống. Diện mạo của một Thủ đô văn minh, hiện đại đang dần thể hiện rõ nét ở đô thị loại đặc biệt này. Thật đáng mừng khi hiện nay, người dân Thủ đô đã dần ý thức được việc cần phải xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh nơi công cộng. Để tiếp tục giữ gìn và phát huy những nét đẹp này, vẫn rất cần sự chung tay của cả cộng đồng.

Tiến tới “xóa bỏ” những điều chưa đẹp

Ngày nay, sự phát triển kinh tế – xã hội ít nhiều đã kéo theo sự thay đổi trong lối sống người dân và nếp sống văn minh đô thị. Lối giao tiếp ứng xử của người dân Thủ đô dù không hẳn đã mất đi chất thanh lịch, nhưng cách sống nho nhã, thanh tao, biết kính trên nhường dưới, lịch sự trong giao tiếp… dường như đã phai mờ dần.

Thay vào đó, hiện nay ở những nơi công cộng, không khó để bắt gặp những hình ảnh như hút thuốc nơi công cộng; không xếp hàng khi tham gia các dịch vụ có đông người; chen lấn chỗ đông người; vô tâm không nhường ghế cho người lớn tuổi, người tàn tật, phụ nữ mang thai trên các tuyến xe buýt; nói chuyện quá to nơi cần nói khẽ như ở bệnh viện, nơi nghỉ dưỡng; trang phục hở hang, nhếch nhác ở những nơi cần sự trang nghiêm như chùa chiền, đền thờ…

Hiện nay, mô hình camera giám sát giúp giảm thiểu nạn xả rác bừa bãi được nhân rộng trên nhiều tuyến đường

Không chỉ có thế, dạo quanh các con đường ở Hà Nội, đặc biệt trong các khu dân cư, rất dễ dàng nhận thấy tình trạng xả rác bừa bãi, ảnh hưởng tới vệ sinh môi trường. Các bức tường trở thành nơi quảng cáo rao vặt lý tưởng của nhiều cơ sở dịch vụ, cho thuê nhà, tuyển lao động… Dù các địa phương ra sức xóa nạn rác trời, rác tường nhưng các đối tượng vẫn tái diễn bằng cách “đánh du kích”.

Bên cạnh đó, tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường thường xuyên diễn ra ở khắp các nơi gây lộn xộn mỹ quan đô thị và giao thông đi lại. Nhiều người vô tư biến vỉa hè, nơi công cộng thành chỗ của riêng mình. Biển quảng cáo ngang nhiên đặt khắp nơi.

Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Trọng Hùng – Bí thư Chi bộ tổ dân phố 10, phường Khương Thượng (quận Đống Đa, Hà Nội) cho rằng, nếp sống văn minh nơi công cộng sẽ tạo nên môi trường văn hóa, bộ mặt văn hóa cho đô thị vừa hiện đại vừa mang bản sắc dân tộc. Đồng thời góp phần quan trọng trong chiến lược xây dựng con người mới với tác phong và cốt cách văn minh, tiến bộ trong cuộc sống hôm nay.

“Khi xây dựng nếp sống văn minh nơi công cộng cần tập trung giải quyết những hiện tượng phi văn hóa rất cụ thể đang diễn ra trong cuộc sống hằng ngày. Những việc tưởng như là nhỏ như không vứt rác nơi công cộng, không hái hoa, bẻ cành…lại là những tiêu chí tạo ra một nếp sống mới”, ông Hùng cho hay.

Cũng theo ông Hùng, việc vây dựng nếp sống văn minh nơi công cộng trước hết cần tuyên truyền, vận động nhân dân nhận thức sâu sắc ý nghĩa và sự cần thiết của nếp sống văn minh. Bên cạnh đó, rất cần đến nâng cao chất lượng quản lý đô thị. Để thực hiện văn minh công cộng không chỉ kêu gọi ý thức của người dân mà phải thực hiện thật nghiêm những biện pháp xử lý.

Để nếp sống văn minh không chỉ còn là lời nói

Xây dựng nếp sống văn minh nơi công cộng vốn là một trong những tiêu chí cơ bản nhằm thực hiện mục tiêu xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh của Thành ủy Hà Nội. Để thực hiện mục tiêu đó, trong những năm qua, UBND Thành phố đã đề ra nhiều giải pháp, trong đó có việc ban hành Quy tắc ứng xử ở nơi công cộng và xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện. Thành phố Hà Nội đã tập trung xây dựng nếp sống văn minh công cộng gắn với việc thực hiện “Năm trật tự và văn minh đô thị”.

Các Bộ Quy tắc ứng xử trong cơ quan, đơn vị, cộng đồng dân cư thành phố Hà Nội ra đời được kỳ vọng là cuốn cẩm nang hướng người dân ứng xử một cách văn minh hơn. Với 6 nhóm đối tượng khách thể tập trung điều chỉnh: Khu vực cơ quan hành chính, khu vực trường học, khu vực doanh nghiệp, khu vực dân cư, khu vực bệnh viện và khu vực công cộng; hệ thống quy tắc đề ra những quy tắc giao tiếp dựa theo đặc thù từng khu vực.

Để thực hiện tốt các bộ quy tắc này, đã có nhiều nơi thực hiện tốt, tiêu biểu như UBND quận Thanh Xuân đã triển khai tuyên truyền bằng nhiều hình thức: Phát thanh trên hệ thống Đài truyền thanh phường; tổ chức Hội nghị tuyên truyền quán triệt, lồng ghép trong các buổi sinh hoạt, giao ban, đưa vào nội dung đánh giá cán bộ công chức hàng năm; làm biển biên soạn tóm tắt thành 10 nội dung dễ nhớ, dễ hiểu, trong đó nhấn mạnh 5 nội dung nên làm và 5 nội dung không được làm. Đồng thời, Quận đã chỉ đạo các phòng, ban ngành và UBND 11 phường in thành bảng treo tại trụ sở quận, phường để nhắc nhở cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc quận Thanh Xuân thực hiện; triển khai in tờ gấp trích Bộ Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Bên cạnh đó, các cuộc thi như “Giữ gìn ngõ phố xanh, sạch” trên địa bàn thành phố Hà Nội cũng được các địa phương nhiệt tình hưởng ứng. Qua cuộc thi, các cấp ngành và nhân dân hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của văn minh nơi công công để từ đó chung tay gìn giữ. Nhiều mô hình, cách làm hay phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương đã xuất hiện, tạo chuyển biến tích cực trong công tác triển khai giữ gìn vệ sinh môi trường, trật tự đô thị và nếp sống văn minh. Nhiều khu phố, dân cư, đường làng, ngõ xóm được trang hoàng sạch đẹp, ý thức người dân trong việc giữ gìn vệ sinh được nâng cao rõ rệt, trở thành thói quen tốt.

Trong công tác xây dựng nếp sống văn minh đô thị, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã chỉ đạo các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thực hiện 40 tuyến phố điểm về hoạt động quảng cáo trên địa bàn và thành phố đã chọn ra 3 trục đường trung tâm thực hiện “Tuyến phố văn minh đô thị”. Lực lượng chức năng cũng xử lý hàng nghìn biển hiệu quảng cáo sai quy định góp phần tạo bộ mặt đô thị khang trang, sạch đẹp trên nhiều tuyến đường phố trung tâm.

Chị Hà Thị Hương (Nghĩa Tân, Cầu Giấy) cho rằng: “Mỗi người chúng ta là mỗi hạt cát, hạt bụi trong thế giới này. Nhưng nếu mỗi người đều có ý thức vứt rác vào nơi qui định thì khắp nơi sẽ là sạch sẽ. Cha mẹ dậy bảo con cái trong nhà không vứt rác bữa bãi, khi ra đường thì nên vứt rác vào nơi qui định. Nếu người lớn làm gương tốt được thì trẻ nhỏ sẽ học và làm theo ngay. Như thế chúng ta sẽ có một môi trường chung sạch sẽ, từ lớp trẻ. Tôi cho rằng hãy giảng dạy và đưa vào sách giáo dục tại các trường tiểu học về nếp sống văn hóa, không nói tục chửi bậy, không vứt rác bừa bãi, không bạo động đánh người…”

Mặc dù nếp sống văn minh nơi công cộng vẫn còn nhiều điều phải bàn, nhưng hiện tại Hà Nội đang thực sự quan tâm đến vấn đề này, từng bước giải quyết bằng những việc làm cụ thể, thực hiện một cách thường xuyên. Cho dù nếp sống đó không dễ dàng thay đổi nhưng người ta vẫn kỳ vọng vào sự chuyển biến tích cực trong thời gian tới, nếu Hà Nội vào cuộc một cách quyết tâm và bền bỉ.

K. Tiến