Cần thêm cơ chế đặc thù để phát triển bền vững cho các vùng trồng rau an toàn

0 shares Share Tweet Email Print LinkedIn Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hà …

Cần thêm cơ chế đặc thù để phát triển bền vững cho các vùng trồng rau an toàn Chi tiết

Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hà Nội, việc phát triển các vùng rau an toàn trên địa bàn Thành phố hiện nay gặp không ít khó khăn. Trước hết là công tác quản lý ở các vùng rau không thuận lợi do nông hộ sản xuất quy mô nhỏ, phân tán với hơn 200.000 hộ.

Số liệu từ Sở NN&PTNT Hà Nội cũng cho thấy, hiện tại, toàn Thành phố vẫn còn 7.000ha chưa được chứng nhận đủ điều kiện an toàn, với khoảng 120.000 hộ sản xuất rau. Việc liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân còn thiếu chặt chẽ, hài hòa lợi ích giữa các bên, khiến hợp đồng tiêu thụ nông sản thường bị phá vỡ.

Cần thêm cơ chế đặc thù để phát triển bền vững cho các vùng trồng rau an toàn
Cần thêm những cơ chế đặc thù để phát triển các vùng rau an toàn ở Hà Nội

Qua khảo sát thực tế cho thấy, các vùng rau an toàn Hà Nội đang gặp những hạn chế nhất định như: Tỉ lệ tiêu thụ thông qua hợp đồng với hợp tác xã, doanh nghiệp còn rất ít, chủ yếu là qua kênh bán buôn tại các chợ đầu mối; việc đầu tư cơ sở hạ tầng của các tác nhân trực tiếp tham gia liên kết chưa được quan tâm đúng mức; nhiều vùng chưa có khu chế biến rau an toàn riêng, chưa có hệ thống truy xuất nguồn gốc.

Về vấn đề này, theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương cho biết, cùng với việc duy trì hơn 5.000ha rau an toàn đã được chứng nhận chất lượng, Sở NN&PTNT đang phối hợp với các địa phương mở rộng diện tích sản xuất và tiêu thụ rau an toàn.

Cùng với đó, Sở NN&PTNT cũng sẽ đẩy mạnh tập huấn kiến thức về sản xuất rau an toàn cả ở các vùng chuyên canh và các vùng sản xuất quy mô nhỏ, bảo đảm các vùng sản xuất rau trên địa bàn Thành phố đã sản xuất là an toàn. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền để người dân tin tưởng, sử dụng rau an toàn theo chuỗi đã được cơ quan chức năng kiểm soát chất lượng, giúp các chuỗi sản xuất rau an toàn trụ vững.

Xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm là bảo đảm an toàn thực phẩm cho người dân, ngành nông nghiệp Hà Nội sẽ tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp thúc đẩy sản xuất, kết nối tiêu thụ rau an toàn, phát triển các vùng sản xuất rau an toàn tập trung. Để giải bài toán liên kết tiêu thụ, Thành phố phấn đấu duy trì và tăng 20% chuỗi rau an toàn, nâng cao mức tiêu thụ rau an toàn qua hợp đồng, thúc đẩy sản xuất hiệu quả hơn.

Từ những khó khăn, rào cản thực tế, nhiều đơn vị sản xuất, tiêu thụ rau an toàn lớn trên địa bàn Hà Nội đề xuất, Thành phố cần có chính sách giao đất, cho thuê đất theo giá quy định của Nhà nước, cùng với cơ chế đặc thù khác để các hợp tác xã đầu tư xây trụ sở, khu sơ chế rau, nhà lạnh bảo quản, sản xuất áp dụng công nghệ cao.

Trăn trở về giải pháp phát triển chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ rau an toàn, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Đông Cao (huyện Mê Linh) Đàm Văn Đua cho biết, để đáp ứng yêu cầu của thị trường, các thành viên hợp tác xã luôn chú trọng sản xuất an toàn, ghi chép nhật ký chăm sóc để truy xuất nguồn gốc xuất xứ. Tuy nhiên, để đi đường dài, không thể thiếu vai trò của doanh nghiệp phân phối, cũng như các cơ quan chức năng hỗ trợ hợp tác xã trong liên kết, ký kết hợp đồng với các doanh nghiệp phân phối để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm.

Đưa ra khuyến nghị về giải pháp thúc đẩy liên kết sản xuất, tiêu thụ rau an toàn, TS. Nguyễn Thị Tân Lộc – Viện Nghiên cứu rau quả Trung ương cho rằng, Hà Nội cần ban hành chính sách đặc thù. Cụ thể như: Chính sách hỗ trợ các chủ thể liên kết chi phí chứng nhận, bảo hộ nhãn hiệu, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, kiểm nghiệm, đăng ký mã số, mã vạch; đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực tổ chức sản xuất theo hợp đồng, năng lực tiếp cận hệ thống kênh phân phối hiện đại cho các đơn vị sản xuất.

Tuấn Minh
https://laodongthudo.vn/can-them-co-che-dac-thu-de-phat-trien-ben-vung-cho-cac-vung-trong-rau-an-toan-155854.html