Phong trào thi đua đạt danh hiệu “Công nhân giỏi Thủ đô”: Tạo sức bật nâng cao hiệu suất lao động

0 shares Share Tweet Email Print LinkedIn Hướng về công nhân lao động trực tiếp Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành …

Phong trào thi đua đạt danh hiệu “Công nhân giỏi Thủ đô”: Tạo sức bật nâng cao hiệu suất lao động Chi tiết

Hướng về công nhân lao động trực tiếp

Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Hà Nội đang quản lý, chỉ đạo trực tiếp hoạt động 45 Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở và 25 Công đoàn cơ sở trực thuộc với tổng số 9.208 Công đoàn cơ sở và 664.031 đoàn viên; trong đó, khu vực sản xuất kinh doanh có 5.781 Công đoàn cơ sở, với 470.024 đoàn viên Công đoàn.

Phong trào thi đua đạt danh hiệu “Công nhân  giỏi Thủ đô”: Tạo sức bật nâng cao hiệu suất lao động
Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu và Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Lê Đình Hùng khen thưởng các “Công nhân giỏi” Thủ đô năm 2022.

Thực hiện chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn, đồng thời xác định thi đua là động lực cho sự phát triển, thời gian qua, LĐLĐ Thành phố và các cấp Công đoàn Thủ đô Hà Nội không ngừng đẩy mạnh, triển khai sâu rộng và đa dạng các phong trào thi đua yêu nước, tạo không khí thi đua sôi nổi rộng khắp, khơi dậy ý thức trách nhiệm, tinh thần sáng tạo trong đội ngũ công nhân viên chức lao động (CNVCLĐ). Trong đó, phong trào thi đua phấn đấu trở thành “Công nhân giỏi” đã thể hiện rõ nét nhất sự chuyển biến về chất của thi đua, khi phong trào này hướng hoàn toàn về cơ sở, tới đội ngũ CNLĐ trực tiếp.

Nói về sự ra đời của phong trào thi đua đạt danh hiệu “Công nhân giỏi”, đồng chí Nguyễn Tiến Dĩnh – nguyên Thứ trưởng Bộ Nội Vụ, nguyên Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội, người lên ý tưởng, đặt nền móng cho việc xét tặng danh hiệu “Công nhân giỏi” Thủ đô, cho biết, trong thời kỳ đổi mới, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, các doanh nghiệp đóng vai trò rất quan trọng thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Có 2 đối tượng không thể không nhắc đến là doanh nhân và CNLĐ, trong đó đối tượng đông nhất, trực tiếp tham gia lao động cùng doanh nghiệp đáng để tôn vinh chính là công nhân trực tiếp. Trước đó, Nhà nước đã tôn vinh danh hiệu doanh nghiệp giỏi, doanh nhân giỏi, còn CNLĐ trực tiếp sản xuất thì chưa có tổ chức nào tôn vinh và ít được chính quyền các cấp chú trọng.

Đối với tổ chức Công đoàn, mặc dù các phong trào thi đua yêu nước với nhiều danh hiệu thi đua cao quý đã được chính quyền và các cấp Công đoàn triển khai sâu rộng, song lực lượng CNLĐ trực tiếp lao động trong các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế – lực lượng đông đảo và đóng góp phần lớn của cải vật chất vật chất cho xã hội lại chưa có một danh hiệu riêng.

“Chính bởi vậy, lãnh đạo LĐLĐ Thành phố thời kỳ đó nhận thấy rằng, tôn vinh danh hiệu “Công nhân giỏi” là việc làm rất phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn – tổ chức đại diện của người lao động. Thông qua việc tôn vinh “Công nhân giỏi” còn tác động tới doanh nghiệp, tạo sự đồng thuận của doanh nghiệp để họ khẳng định và thừa nhận thành quả của người công nhân, với đích hướng tới là ngày càng có nhiều công nhân giỏi, tay nghề cao”- đồng chí Nguyễn Tiến Dĩnh nhớ lại.

Từ ý tưởng của lãnh đạo LĐLĐ Thành phố, ngày 11/11/2008, LĐLĐ thành phố Hà Nội đã xây dựng Quyết định ban hành Quy chế Quy chế xét tặng danh hiệu “Công nhân giỏi Thủ đô” được triển khai với các tiêu chí phù hợp với đối tượng CNLĐ trực tiếp nhằm khích lệ, động viên công nhân trong các nhà máy, xí nghiệp, hăng hái thi đua lao động sản xuất. Đây cũng chính là sự cụ thể hóa Chương trình hành động số 32-CTr/TU ngày 4/4/2008 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” vào hoạt động Công đoàn Thủ đô.

Quy chế xét tặng danh hiệu “Công nhân giỏi” của LĐLĐ Thành phố hướng trọn về đội ngũ CNLĐ trực tiếp với những tiêu chuẩn hết sức gần gũi, thiết thực, chẳng hạn như: Là những công nhân trực tiếp sản xuất ra sản phẩm, vật chất có trình độ tay nghề giỏi nhất trong từng nghề tại cơ sở hoặc là người đạt giải cao nhất Hội thi luyện tay nghề, thi thợ giỏi, bàn tay vàng của doanh nghiệp và các cấp Công đoàn tổ chức; thường xuyên hoàn thành tốt nhiệm vụ, lao động đạt năng suất, chất lượng cao, thực hiện đúng quy trình công nghệ, quy phạm kỹ thuật, bảo đảm An toàn vệ sinh lao động; gương mẫu chấp hành nghiêm nội quy, kỷ luật lao động của đơn vị, doanh nghiệp và chính sách pháp luật của Nhà nước… nên đã thực sự có sức cuốn hút đối với CNLĐ.

Sức cuốn hút của phong trào

Với các tiêu chí thi đua cụ thể, gần gũi, gắn bó với người lao động trực tiếp như vậy nên ngay sau khi được LĐLĐ Thành phố khởi xướng, phong trào thi đua phấn đấu đạt danh hiệu “Công nhân giỏi” đã được các cấp Công đoàn Thành phố cùng với chính quyền, chuyên môn đồng cấp, các đơn vị cơ sở ủng hộ nhiệt liệt, được đông đảo CNLĐ toàn Thành phố hào hứng đón nhận.

Hàng năm, LĐLĐ Thành phố đều xây dựng kế hoạch triển khai, tổ chức phát động các phong trào thi đua yêu nước, trong đó có phong trào thi đua phấn đấu trở thành “Công nhân giỏi” tới các cấp Công đoàn và xây dựng kế hoạch biểu dương, tôn vinh “Công nhân giỏi” Thủ đô vào dịp tháng 5.

Thực hiện sự chỉ đạo của Ban Thường vụ LĐLĐ Thành phố, LĐLĐ các quận, huyện, Công đoàn ngành, Công đoàn cấp trên cơ sở đều khẩn trương triển khai phong trào phấn đấu đạt danh hiệu Công nhân giỏi đến 100% Công đoàn cơ sở. Trên nền tảng của các phong trào thi đua yêu nước đã được duy trì nhiều năm như thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo, người tốt việc tốt, các Công đoàn cơ sở chủ động phối hợp với chính quyền đề ra các tiêu chí thi đua mới phù hợp với đặc thù đơn vị, đôn đốc CNLĐ đăng ký phấn đấu thực hiện.

Các hội thi thợ giỏi, luyện tay nghề, thao diễn kỹ thuật diễn ra sôi nổi khắp các Công đoàn cơ sở thu hút sự tham gia của đông đảo CNLĐ. Có thể kể đến một số hội thi như: Hội thi tay nghề thợ giỏi của Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Nhà Hà Nội; Hội thi chế biến thực phẩm giỏi của Tổng Công ty Thương mại Hà Nội; Hội thi lái xe giỏi và an toàn của Công đoàn ngành Giao thông vận tải Hà Nội; Hội thi bàn tay vàng ngành may da của Cổ phần sản xuất, dịch vụ, thương mại sản phẩm da Ladoda (huyện Gia Lâm)…

Cùng với tổ chức hội thi, các Công đoàn cơ sở còn còn phối hợp với chuyên môn thành lập hội đồng xét chọn Công nhân giỏi để tổ chức tuyên dương “Công nhân giỏi” cấp cơ sở và “Công nhân giỏi” cấp trên cơ sở tiêu biểu trên từng lĩnh vực ngành nghề khác nhau. Đặc biệt, tại nhiều đơn vị cơ sở, giám đốc doanh nghiệp đã chủ động vào cuộc cùng với Công đoàn cơ sở tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh, tạo việc làm ổn định, tạo cơ sở vật chất, hỗ trợ kinh phí khen thưởng động viên Công nhân giỏi kịp thời, nhiều đơn vị đưa tiêu chí “Công nhân giỏi” vào quy chế xét nâng bậc lương trước thời hạn cho người đạt thành tích cao.

Có thể nói, sự phong phú, đa dạng và đồng bộ trong cách triển khai đã làm cho phong trào thi đua phấn đấu đạt danh hiệu “Công nhân giỏi” ở Hà Nội ngày càng có sức lôi cuốn hơn, tạo thành sức mạnh tập thể, khơi dậy và phát huy những giá trị truyền thống của giai cấp CNLĐ. Hưởng ứng phong trào, CNLĐ ở khắp các đơn vị cũng nỗ lực tích luỹ kinh nghiệm, trau dồi trình độ chuyên môn tay nghề để đạt được trình độ ở mức giỏi nhất, hào hứng, tự tin tham gia và dành thành tích cao nhất trong các hội thi cũng như hoàn thành xuất sắc nhất nhiệm vụ được giao. Sức hút của phong trào thi đua cũng khích lệ CNLĐ trong các cơ quan đơn vị thực hiện đúng quy trình công nghệ, quy phạm kỹ thuật, chấp hành nội quy, kỷ luật của đơn vị, khắc hoạ hình ảnh người công nhân hiện đại của Thủ đô đổi mới và hội nhập. Kết quả là trong bất cứ doanh nghiệp nào, bất cứ lĩnh vực nào cũng xuất hiện rất nhiều gương “Công nhân giỏi”.

Theo LĐLĐ Thành phố, từ những năm đầu phát động, số doanh nghiệp hưởng ứng và CNLĐ được công nhận danh hiệu “Công nhân giỏi Thủ đô” chủ yếu tập trung tại doanh nghiệp Nhà nước và Công ty Cổ phần có vốn Nhà nước chi phối. Hiện nay số Công nhân đạt danh hiệu “Công nhân giỏi Thủ đô” lại tập trung chủ yếu thuộc các doanh nghiệp ngoài Nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Kể từ khi phát động phong trào “Công nhân giỏi Thủ đô” đến nay, LĐLĐ thành phố Hà Nội đã tổ chức được 14 lần tuyên dương “Công nhân giỏi Thủ đô” và đã công nhận cho 1.789 công nhân đạt danh hiệu “Công nhân giỏi Thủ đô” được xét chọn từ các LĐLĐ quận, huyện, thị xã, Công đoàn ngành, Công đoàn Tổng Công ty và Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở trực thuộc LĐLĐ Thành phố.

Riêng trong năm 2023, toàn Thành phố có 56.500 CNLĐ được công nhận danh hiệu Công nhân giỏi cấp cơ sở; 1.655 CNLĐ được công nhận “Công nhân giỏi” cấp trên cơ sở”; trong đó riêng khu vực doanh nghiệp FDI chiếm tỷ lệ 35% số công nhân được tuyên dương. Từ những tấm gương điển hình tiên tiến cấp cơ sở và cấp trên cơ sở, Ban Thường vụ LĐLĐ thành phố Hà Nội đã lựa chọn quyết định tặng Bằng Công nhận đạt danh hiệu “Công nhân giỏi Thủ đô” năm 2023 cho 100 CNLĐ xuất sắc.

Nhận xét về các “Công nhân giỏi Thủ đô”, đồng chí Lê Đình Hùng – Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội cho biết: Mỗi người đảm nhận một vị trí công việc, ở một lĩnh vực, ngành nghề khác nhau, những thành tích đạt được cũng khác nhau, nhưng điểm chung của các “Công nhân giỏi” chính là lòng say mê lao động, có trách nhiệm đến cùng với những công việc được giao. Ở họ, ý thức tìm tòi, sáng tạo, không ngừng học hỏi luôn được đề cao để có thể nâng cao hiệu quả lao động, sản xuất. Đặc biệt hơn, ngoài việc phấn đấu cho bản thân, các “Công nhân giỏi” còn quan tâm giúp đỡ và chia sẻ kinh nghiệm với đồng nghiệp để cùng nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Họ chính là những bông hoa đẹp nhất trong vườn hoa thi đua nhiều sắc hương của các cấp Công đoàn Thủ đô”.

Nâng cao chất lượng công tác thi đua

Những kết quả đạt được trong phong trào thi đua trở thành “Công nhân giỏi” hơn thời gian qua đã khẳng định tính thiết thực, hiệu quả và sức sống bền bỉ, sự lan tỏa mạnh mẽ của phong trào. Tuy nhiên, thời gian tới, xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, đặc biệt là cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang mở ra thời cơ nhưng cũng đặt ra không ít thách thức cho đất nước ta nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng. Theo đó, phong trào thi đua trong CNVCLĐ Thủ đô ở giai đoạn mới cũng phải hướng vào việc tranh thủ, tận dụng mọi thời cơ, phát huy mạnh mẽ nội lực, khắc phục và vượt qua mọi khó khăn, góp sức cùng Thủ đô và đất nước đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa, phát triển kinh tế, xã hội và mọi mặt.

Phong trào thi đua đạt danh hiệu “Công nhân  giỏi Thủ đô”: Tạo sức bật nâng cao hiệu suất lao động
Công nhân lao động Thủ đô hăng hái luyện tay nghề, thi thợ giỏi.

Để tiếp tục duy trì và phát triển phong trào thi đua phấn đấu đạt danh hiệu “Công nhân giỏi Thủ đô”, Phó Chủ tịch LĐLĐ Thành phố Lê Đình Hùng cho biết, các cấp Công đoàn Thủ đô sẽ tập trung vào những mục tiêu, giải pháp cụ thể như: Tổ chức Công đoàn các cấp sẽ phối hợp với chính quyền chuyên môn đồng cấp, dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, động viên sức mạnh to lớn của đội ngũ cán bộ đoàn viên, CNVCLĐ khắc phục mọi khó khăn, ra sức thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo, phấn đấu hoàn thành xuất sắc các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ sản xuất kinh doanh và phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, đơn vị.

Các cấp công đoàn Thành phố sẽ tiếp tục phối hợp tổ chức các hội thi tay nghề phù hợp với địa phương, ngành để người lao động có điều kiện nâng lương, nâng bậc trước thời hạn góp phần rèn luyện tay nghề, nâng cao chất lượng cuộc sống. Đó cũng là những hoạt động của tổ chức Công đoàn thiết thực lập thành tích chào mừng Đại hội Công đoàn các cấp tiến tới Đại hội Công đoàn thành phố Hà Nội lần thứ XVII, đại hội XIII Công đoàn Việt Nam nhiệm kỳ 2023 – 2028.

Đặc biệt, Công đoàn các cấp sẽ gắn chặt thi đua yêu nước với việc chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng cho đoàn viên, CNVCLĐ. Công đoàn sẽ thường xuyên đổi mới phương thức, nội dung tổ chức phong trào cho phù hợp với điều kiện thực tiễn của đơn vị, doanh nghiệp; quan tâm, chú trọng các phong trào thi đua trong khối doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, tập hợp thu hút được đông đảo CNVCLĐ nhiệt tình tham gia.

Công tác khen thưởng cũng sẽ được tổ chức Công đoàn chú trọng. Theo đó, các cấp Công đoàn sẽ khen thưởng kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch, chính xác, coi trọng đến công tác khen thưởng đột xuất, tập trung vào những sáng kiến giải quyết khó khăn trong sản xuất kinh doanh, chăm lo giải quyết việc làm cho người lao động, chống ô nhiễm môi trường, An toàn vệ sinh lao động, phòng chống thiên tai dịch bệnh. Các cấp Công đoàn cũng sẽ quan tâm, từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm thi đua, khen thưởng, rà soát kiện toàn Hội đồng sáng kiến kinh nghiệm, quy chế xét tặng từ cơ sở đến LĐLĐ Thành phố, để công tác xét tặng, khen thưởng đảm bảo tính công bằng, chính xác và kịp thời. Định kỳ tổng kết đáng giá, rút kinh nghiệm, từ đó đề ra kế hoạch, phương hướng tổ chức thực hiện phong trào thời gian tiếp theo.

Ngoài ra, các cấp Công đoàn cũng sẽ chú trọng việc phát hiện, xây dựng, bồi dưỡng, tuyên truyền các điển hình tiên tiến các lĩnh vực trên các phương tiện thông tin đại chúng, tôn vinh khen thưởng kịp thời và có chính sách ưu tiên đầu tư, hỗ trợ các điển hình tiên tiến; tổ chức học tập, nhân điển hình tiên tiến ra diện rộng.

Phạm Diệp